Pho tượng bị đánh cắp... hai lần
GS Trần Lâm Biền bàng hoàng khi nghe tin pho tượng Phật Bà Quan Âm ở chùa Mễ Sở (xã Mễ Sở, H.Văn Giang, Hưng Yên) đã bị kẻ gian đánh cắp vào cuối tháng 9 qua. Pho tượng này gồm nhiều phần ghép lại. Theo thông tin từ địa phương, phần tượng Phật Bà Quan Âm đã bị mất, phần phía sau tượng là bố cục nghìn tay nghìn mắt, đế và bệ tượng vẫn còn. Pho tượng được đặt trong chùa có khóa và camera an ninh. “Chúng tôi đã nói rất nhiều lần đây là bức tượng quý, cần phải có biện pháp bảo vệ chắc chắn. Tượng được đặt trên gác hai tam quan. Tam quan lại sát với đường lớn. Trong khi đó cửa lại không được gia cố vững”, ông Biền nói.
Chùa Mễ Sở là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Pho tượng Phật Bà Quan Âm ở đây đẹp nổi tiếng. “Pho tượng gỗ này có niên đại khoảng thế kỷ 18 - 19, là một phần không thể thiếu của di tích quốc gia Mễ Sở, có giá trị như bảo vật”, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, nói. Ông Tín cũng cho biết pho tượng này từng bị đánh cắp một lần vào năm 1988, sau đó được công an tìm thấy và đưa lại chùa.
Trong khi pho tượng Phật Bà Quan Âm vẫn đang tiếp tục được tìm kiếm, câu hỏi mà nhiều nhà nghiên cứu đưa ra là mức độ an toàn của nhiều cổ vật quý trong các di tích. “Công nhận di tích quý, hiện vật quý xong rồi thì phải có cách mà bảo vệ chứ. Luật Di sản thì luôn yêu cầu mọi người cố gắng bảo vệ và phát huy các cổ vật trong di tích tốt hơn. Mà bảo vệ là yếu tố đầu tiên, còn quan trọng hơn phát huy”, ông Tín nói.
Tượng Phật Bà Quan Âm vừa bị đánh cắp Ảnh: Việt Trần
|
Trên thực tế, đã có nhiều cổ vật quý trong các di tích bị mất. Trong số các cổ vật có lẽ sắc phong là thứ dễ bị lấy đi nhất. Năm 2013, kẻ gian thậm chí đã trộm cả két sắt chứa 69 sắc phong trong hậu cung đền Bồng Châu (Kim Động, Hưng Yên). Sau đó, một trong số này được rao bán trên mạng và người dân trong thôn hùn tiền mua lại. Đền Hát Môn (H.Phúc Thọ, Hà Nội) cũng từng bị mất 6 thanh kiếm sơn son thếp vàng ở hậu cung và 2 lư hương đồng mun.
|
|
|
Công nhận di tích quý, hiện vật quý xong rồi thì phải có cách mà bảo vệ chứ. Luật Di sản thì luôn yêu cầu mọi người cố gắng bảo vệ và phát huy các cổ vật trong di tích tốt hơn. Mà bảo vệ là yếu tố đầu tiên, còn quan trọng hơn phát huy
|
|
|
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học
|
|
|
Chùa Nễ Châu, thuộc cụm di tích Phố Hiến, Hưng Yên từng bị mất một lúc 5 pho tượng cổ. Bảo tàng Hà Nội hiện cũng giữ một số hiện vật quý không rõ xuất xứ, do công an tìm thấy trong những vụ buôn lậu đồ cổ. Công an Hà Tây (cũ) đã bàn giao số đồ cổ quý giá đó cho Bảo tàng Hà Tây, nay nhập về Bảo tàng Hà Nội. Một trong số đó là chiếc long đình gốm Bát Tràng quý, được phỏng đoán là đồ thờ trong di tích.
“Toàn bảo vệ bằng người”
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho rằng hiện ý thức bảo vệ của người dân, người quản lý ở các di tích quốc gia đã được nâng lên, nhưng cần phải nâng cấp các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an ninh cho cổ vật quý. Các giải pháp đó có thể tốn kém song nếu không làm thì khó lòng giữ được di sản. Ông Bình đề nghị nếu có thể thì gắn hệ thống báo động tốt hơn, gắn chíp điện tử vào cổ vật để có thể lần theo dấu vết khi chuyện không may xảy ra. Còn theo một chuyên gia bảo tồn, ở đền An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh đã áp dụng thiết kế được tham khảo từ Hàn Quốc: chiếc hộp vàng hình hoa sen thời Trần khi được trưng bày ở đây đã được bảo vệ trong tủ với lớp kính chịu lực và nhiều thiết bị bảo vệ khác...
Một giải pháp được không ít người đưa ra là làm phiên bản của hiện vật để bày tại di tích, đưa hiện vật gốc về các bảo tàng hay kho lưu giữ. Điều này, theo ông Bình hoàn toàn không nên, bởi: “Hiện vật gốc có giá trị khi ở không gian gốc, không thể mang nó đi chỗ khác được”.
Theo một chuyên gia bảo tồn, hiện nay việc bảo vệ cổ vật tại các di tích đang trong tình trạng “toàn bảo vệ bằng người”, nghĩa là chỉ có người được huy động để trông coi các cổ vật, còn sử dụng công nghệ thì rất hạn chế. Chưa kể, số lượng người bảo vệ cũng không đông nên không thể bảo đảm sự an toàn cho hiện vật. Còn nhớ, tại một ngôi đình tại Phú Xuyên, Hà Nội, mọi việc trông coi đêm hôm chỉ do một người đảm nhận. Mỗi tối, ông này đến ngủ tại di tích để trông coi cổ vật, chỉ mang theo một con dao để dưới gối. Tuy nhiên, vì đã lớn tuổi, việc ngủ trông di tích như vậy còn nguy hiểm cho cả bản thân ông. “Tóm lại là nếu trộm đã có kế hoạch lấy thì nó sẽ lấy được”, chuyên gia bảo tồn chia sẻ.
“Việc phòng chống trộm cổ vật ở di tích phải đầu tư bài bản. Các thiết bị bảo vệ lắp ở chùa chiền phải giấu kín để khỏi ảnh hưởng không gian nhưng việc này cũng không khó. Quan trọng là từ trước đến nay chưa có ai chi cho việc đó”, vị chuyên gia này nói.
Chính vì thế, theo vị chuyên gia này, việc bảo vệ cổ vật quý tại di tích bây giờ không phải là chuyện làm thế nào mà là chuyện có quyết tâm làm hay không.
Mất trộm tượng quý ở Trung và Nam bộ
Năm 2013, 2 con nghê bằng đồng cùng 4 chiếc ché lớn tại điện Hòa Khiêm (điện chính di tích lăng vua Tự Đức - Khiêm Lăng) ở Huế đã bị kẻ gian lấy trộm. Cuối tháng 6.2015, kẻ gian đã trộm 39 tượng Phật cổ (các tượng cao trung bình khoảng 30 cm) tại chùa Kim Long (P.Ngọc Hiệp, TP.Nha Trang). Những bức tượng bị trộm là tượng quý, bằng đồng có từ khi xây dựng chùa (năm 1749).
Tháng 5.2015, tại chùa Kim Phước (xã Hiệp Đức, H.Cai Lậy, Tiền Giang) đã xảy ra vụ mất trộm nhiều cổ vật. “Toàn bộ 15 tượng Phật bằng đồng, nặng hàng tấn bị lấy hết. Trong đó có những tượng Phật có niên đại trên 200 năm. Sau khi vụ trộm xảy ra, công an huyện và tỉnh có tới khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả”, một vị sư cho biết.
Theo Đại đức Thích Lệ Hiếu thì chùa Bửu Lâm (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) đã nhiều lần bị mất trộm một số tượng bằng đồng như Di Lặc, Quan Âm, Địa Tạng cưỡi Đề thính... Vì vậy mà chùa còn số lư đồng cổ nhưng không dám trưng ra. Mới đây chùa lại mất một lư hương cổ bằng đồng giữa ban ngày.
Hoàng Phương - Nguyễn Chung
|
Bình luận (0)