Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM, chia sẻ: “Gần 130 cổ vật quý trưng bày lần này được bảo tàng và Hội Cổ vật tuyển chọn từ số lượng rất lớn cổ vật của anh em hội viên sưu tầm lâu nay, trong đó có nhiều cổ vật đã được cất giữ kỹ hơn 20 năm, cộng với cổ vật của bảo tàng, để giới thiệu đến công chúng. Đây cũng là dịp để người yêu cổ vật giao lưu học hỏi, trao đổi cổ vật và góp phần thu hút khách du lịch đến với Bảo tàng Lịch sử TP.HCM”.
Để thuận lợi cho việc thưởng ngoạn, các hiện vật được chia thành nhiều chủ đề riêng biệt: vũ khí, ấn chương, đồ dùng uống trà, đồ đồng tráng men, gốm Cây Mai…
tin liên quan
Công bố hàng loạt hiện vật tại di tích Chăm Phong LệMột số vật dụng hằng ngày gắn bó mật thiết với đời sống con người thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân gốm Việt qua nhiều thời đại cũng được trưng bày: liễn, thạp, bát gốm hoa nâu thời Trần, các loại đĩa, đĩa bồng thuộc dòng gốm Chu Đậu thời Lê, những bộ trà cụ tinh xảo của thời Lê, Trịnh, Nguyễn; những loại bình đựng rượu: bình tỳ bà, nậm, và đặc biệt nhất là các loại kendy (loại bình có dáng bầu tròn, cổ thẳng, cao, đặc biệt ở phần vòi có hình dạng bầu vú) thịnh hành từ thời Lê Sơ…
|
|
Triển lãm có rất nhiều loại vũ khí cổ đa dạng về loại hình, kiểu dáng, chất liệu, trong đó đáng chú ý là chiếc qua (thông dụng trong chiến tranh thời cổ với các công dụng lợi hại: đâm, móc, bổ, chém, quét, lia) và kris (một loại đoản kiếm hộ thân, ngoài làm khí giới còn mang ý nghĩa tâm linh như là vật sẽ mang lại điều may mắn và sức mạnh quyền lực) do ông Nguyễn Văn Phẩm, Phó chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM, sưu tập. Ông cho biết: “Loại qua tôi sưu tập được có phần bên trong nhỏ rồi từ từ to ra ngoài giống như lưỡi liềm gặt lúa của người nông dân, chất liệu bằng đồng, thuộc văn hóa Bàu Hòe có cách đây khoảng 2.000 năm. Còn kris thì được dát vàng toàn bộ vỏ bao, bên trong lưỡi bằng sắt có hình ảnh hai người Việt và Chăm đấu lưng vào nhau thể hiện sự “chung lưng đấu cật” trong việc chống giặc ngoại xâm ở khoảng thế kỷ 18. Dưới má của tay cầm, một bên khắc con rồng là biểu tượng của người Việt và một bên là con chim thần Garuđa của người Chăm. Cổ vật này tôi mua được của một người ở Tây Sơn, Bình Định vào năm 2001”.
|
|
TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết: “Chuyên đề Nét cũ dấu xưa thể hiện tâm huyết của những thành viên Hội Cổ vật TP.HCM trong công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Không chỉ thể hiện sự am hiểu, thông tuệ sâu sắc về đồ cổ, về mỹ thuật xưa của người sưu tập, triển lãm còn thể hiện cái tình hoài cổ, tình tri âm của họ với cổ vật”.
Bình luận (0)