Sáng nay, 18.1, trưng bày Bí mật đại dương từ những con tàu cổ sẽ giới thiệu tới công chúng hơn 500 hiện vật có niên đại từ thế kỷ 15 - 18 được tìm thấy ở những con tàu đắm tại biển Việt Nam. Đó là tàu Cù Lao Chàm, tàu Hòn Cau, tàu Hòn Dầm, tàu Bình Thuận, tàu Cà Mau và tàu Châu Tân. Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội là đơn vị đã khai quật để đưa các cổ vật này lên bờ, cũng như đang lưu giữ và bảo quản chúng.
Trưng bày kéo dài tới 18.5 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội. Trước đây, những hiện vật này đã được giới thiệu tại Mokpo và Busan (Hàn Quốc) từ 11.2017 - 4.2018 trong trưng bày Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội, những di tích tàu đắm cổ được tìm thấy ở vùng biển Việt Nam đã chứng minh cho sự phát triển rực rỡ trong giao lưu văn hóa đường biển đương thời. Những con tàu cổ được tìm thấy dưới đáy biển Việt Nam phần lớn là các thương thuyền trên hành trình giữa châu Á và châu Âu.
“Trên những con tàu cổ này, các nhà khoa học khai quật, phát hiện được đồ gốm sứ và hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan... Thông qua những mẫu vật khai quật được, chúng ta có thể thấy Việt Nam giữ vị trí quan trọng ở châu Á trong thời kỳ hoàng kim của con đường tơ lụa”, ông Cường cho biết.
Ông Cường đặc biệt nhấn mạnh giá trị kho báu đồ gốm sứ Việt Nam được phát hiện trên tàu cổ Cù Lao Chàm. Theo ông, chúng rất đa dạng về loại hình, men và hoa văn trang trí, bao gồm đồ gốm hoa lam, gốm men ngọc, gốm men trắng... Dựa vào kiểu dáng, kỹ thuật nung, hoa văn trang trí có thể thấy được đặc trưng của đồ gốm Việt Nam thế kỷ 15, mang những đặc điểm khác biệt so với gốm sứ Trung Quốc đương thời.
“Ngoài những đồ gốm có hình dạng đặc biệt như lư hương dùng trong các nghi lễ và cốc pha trà thì hầu hết đều là đồ gốm gia dụng như: bình, ấm, chum, chén, bát, đĩa, hộp, giá nến...
Những họa tiết, hoa văn trang trí với chủ đề đa dạng đã cho thấy sức sáng tạo, tính nghệ thuật và kỹ thuật suất sắc của những nghệ nhân đương thời”, ông cho biết.
Đặc biệt, trong số hiện vật từ tàu cổ Cù Lao Chàm, còn có một chiếc bình gốm vẽ hình thiên nga. Đây chính là một bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, những hiện vật khác cũng rất quý.
TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội, cho rằng những hiện vật này có tới vài chục loại hoa văn với những lối thể hiện khá đa dạng. Khi nghệ nhân dùng lối công bút kiểu Trung Hoa, khi thì dùng lối vẽ phóng bút truyền thống, khi thì diễn tả phong cảnh trên mặt phẳng, khi thì dùng luật viễn cận… “Thật biến hóa, khiến phải ngỡ ngàng, thảng thốt rằng, vì sao gốm hoa lam Việt lại có bước chuyển đổi nhanh và chất lượng đến như vậy?”, ông Quân đánh giá.
Ông Quân cũng cho biết: “Chính sự chặt chẽ trong kiểm định và chuyên biệt trong sản xuất đã tạo cho gốm Việt, đặc biệt là gốm hoa lam, chiếm lĩnh được thị trường và cạnh tranh với gốm sứ Trung Quốc. Cho đến ngày nay, trên bản đồ gốm sứ thương mại thế giới, chúng ta có thể thấy gốm Việt Nam có mặt ở một số quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, thế giới Hồi giáo và đến tận phương Tây”.
Dưới đây là những hiện vật tại trưng bày Bí mật đại dương từ những con tàu cổ:
|
Bình luận (0)