Công chức ứng xử chệch chuẩn

25/08/2019 06:36 GMT+7

Những bộ quy tắc ứng xử của địa phương, của ngành được ban hành; những cuộc tổng kết cuối năm với kiểm điểm đạo đức được tổ chức, nhưng vẫn còn những công chức tát người thi hành công vụ, chửi bới mạt sát người khác, từ chối cấp giấy chứng tử cho kịp việc hiếu...

 

Tâm địa đằng sau sự bột phát

Nhà nghiên cứu văn hóa Lại Nguyên Ân rất bất bình với những lời rủa xả của nữ cán bộ Công an Q.Đống Đa (Hà Nội) Lê Thị Hiền đang lan tràn trên mạng. Theo ông, dù việc chửi bới, "động tay động chân" của nữ cán bộ này là hành động thiếu kiềm chế, cũng còn có lớp nghĩa khác nằm dưới những lời văng tục đó. “Chúng ta thấy một phụ nữ chửi bới rủa xả người phụ nữ khác là không lấy được chồng, rồi lấy chồng thì con tàn tật… thì đó cho thấy tâm địa chứ không chỉ là việc nói tục. Việc người này là cán bộ càng cho thấy vấn đề nặng nề thêm. Lớp nghĩa dưới của câu chửi nó cho thấy tâm địa, có những mong muốn rất tệ cho người khác”, ông Ân nói.

Nữ cán bộ công an mạt sát người, “đại náo” sân bay Tân Sơn Nhất

Vụ việc này cũng khiến ông Ân ngay lập tức nhớ đến vụ cán bộ từ chối cấp giấy chứng tử cho dân ở P.Văn Miếu (Q.Đống Đa, Hà Nội). Những vụ việc đó không chỉ cho thấy sự yếu kém về kỹ năng giao tiếp với người dân. Ông Ân phân tích: “Trong giao tiếp thì cán bộ công chức cần theo quy chế, ấy là tránh gây xúc phạm cho người dân. Việc nguyền rủa hay thấy việc nghĩa tử nghĩa tận mà không làm thì điều đó về ý thức. Cái tránh xúc phạm người dân cũng là thuộc về ý thức. Người ta phải thực sự tôn trọng người dân. Chẳng qua là mình thay mặt chính quyền để giải quyết cho họ thôi”.
Công chức ứng xử chệch chuẩn

Vụ bà Lê Thị Hiền gây náo loạn tại sân bay Tân Sơn Nhất

Ảnh: cắt từ clip

Cũng theo ông Ân, các vụ việc xâu chuỗi cho thấy văn hóa ứng xử của cán bộ vẫn còn nhiều vấn đề. Trong khi đó, đã có nhiều bộ quy tắc, cũng như các quy định được ban hành. Chẳng hạn, Hà Nội có Bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ công chức ban hành hồi năm 2017. Các ngành cũng có bộ quy tắc riêng. Chưa kể, ở cấp cao hơn, Thủ tướng cũng ký ban hành đề án Văn hóa công vụ, một trong các đề án thuộc Chương trình tổng thể cải cách nền hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Kèm theo đó là việc phát động, tuyên truyền thực hiện hằng năm. Chẳng hạn, Hà Nội có nhiều đợt tuyên truyền thực hiện Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ công chức. Đã có khoảng 40 tọa đàm, hội thi được tổ chức, như Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng TP.Hà Nội. TP cũng tổ chức cuộc thi ảnh Người Hà Nội ứng xử văn minh thanh lịch, giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội. Khoảng 3.000 bộ tài liệu tuyên truyền cũng đã được in và phát.

Nữ cán bộ công an mạt sát nhân viên quầy check-in vì hành lý quá cân

Quy tắc dài, thực thi quy tắc lỏng lẻo

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho rằng nếu liên tiếp có những vụ việc như cán bộ công chức mạt sát người, hay cán bộ bị dừng xe còn tát cả người thi hành công vụ thì có thể chất lượng soạn thảo quy tắc ứng xử có vấn đề. “Nếu bộ quy tắc được soạn thảo quá dài dòng, quá hình thức thì nó cũng khó phù hợp thực tế. Chúng ta nhớ Bác Hồ rất coi trọng nguyên tắc đạo đức từng ngành, nhưng quy tắc Bác đưa ra rất dễ hiểu, dễ áp dụng. Nên điều đầu tiên là rà xem các bộ quy tắc nêu trên đã đủ ngắn gọn dễ hiểu dễ thực hiện chưa”, ông Sơn nói.

Những vụ việc liên tiếp là bài học cho đội ngũ công chức ý thức hơn về vai trò trong xã hội. Họ cần chú ý hành vi của mình không chỉ ở nơi làm việc mà cả ở nơi khác nữa. Phải ý thức hơn về vai trò vị trí làm gương của mình

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia

Ông Sơn cũng đặt vấn đề về các chế tài trong quy định hiện hành về văn hóa ứng xử, đó là: “Các chế tài xử phạt không rõ ràng, nên dẫn đến người ta khó xử phạt. Không biết ai xử phạt, không biết xử phạt ai, không biết xử phạt thế nào. Hay mức độ xử phạt quá nhẹ, thì việc xử phạt thành chủ đề hài hước trong xã hội. Nhiều vi phạm rất khủng khiếp mà chỉ phạt 200.000 đồng, người ta cứ nói trong túi tôi có tờ 200.000 là vì thế”.

Nữ cán bộ công an chửi nhân viên an ninh sân bay

Ông Lại Nguyên Ân cho rằng nên tăng hình phạt và bổ sung hình phạt. Theo ông Ân, cán bộ công chức còn không thực hiện quy định vì mình chưa rà soát và áp dụng nghiêm pháp luật. “Chúng ta thấy cán bộ cũng dễ bỏ qua cho nhau. Nếu không có người đăng clip về cô cán bộ công an thì rồi cô ấy cũng không làm sao cả. Như thế cũng do không nghiêm từ sân bay. Không nghiêm thì dần dần cán bộ sẽ theo chiều hướng xấu”, ông Ân nêu quan điểm. Ông Sơn cũng đồng ý với ý kiến này và theo ông: “Nên tăng các hình thức xử phạt vi phạm mang tính nêu gương, như lao động công ích”.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn cũng nói tới việc tổng kết, kiểm điểm cuối năm hiện nay ở các công sở còn chung chung, hình thức dù cũng có đề cập đến lối sống, ứng xử của từng cá nhân. Ông Sơn cũng cho rằng, việc làm gương của cán bộ cần phải được đẩy mạnh hơn thì mới tăng văn hóa công chức, viên chức được. “Những vụ việc liên tiếp là bài học cho đội ngũ công chức ý thức hơn về vai trò trong xã hội. Họ cần chú ý hành vi của mình không chỉ ở nơi làm việc mà cả ở nơi khác nữa. Phải ý thức hơn về vai trò vị trí làm gương của mình”, ông Sơn nói.

Cấm bay 12 tháng

Luật sư lý giải mức phạt 200 nghìn với nữ đại úy công an “đại náo” sân bay Tân Sơn Nhất

Ngày 24.8, Cục trưởng Cục Hàng không VN đã ra quyết định về việc cấm vận chuyển có thời hạn bằng đường hàng không đối với hành khách Lê Thị Hiền. Cụ thể, bà Lê Thị Hiền (36 tuổi, ngụ Q.Cầu Giấy, Hà Nội) bị cấm vận chuyển 12 tháng, tính từ ngày 27.8 đến hết ngày 26.8.2020 và kiểm tra trực quan bắt buộc 12 tháng tiếp theo tính từ ngày 27.8.2020 đến hết ngày 26.8.2021. Theo đó, các hãng hàng không của VN và nước ngoài khai thác tại VN trên các chuyến bay nội địa và quốc tế xuất phát từ VN không được vận chuyển bà Lê Thị Hiền. Như Thanh Niên đưa tin, bà Hiền là cán bộ Công an Q.Đống Đa (Hà Nội). Hiện bà Hiền đang bị Công an Q.Đống Đa đình chỉ công tác 30 ngày để kiểm điểm, làm rõ vụ việc.
Mai Hà
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.