Công diễn vở kịch cuối cùng của cố tác giả Lưu Quang Vũ

11/03/2017 08:58 GMT+7

Công diễn vở kịch Bệnh sĩ, hài kịch Đàn ông cũng khóc, lễ hội hoa anh đào, triển lãm các sản phẩm nghệ thuật của người mắc chứng tự kỷ là những sự kiện văn hóa, giải trí dịp cuối tuần tại Hà Nội.

Kịch bản Bệnh sĩ là một trong những kịch bản nổi tiếng nhất và cũng được biết đến là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của cố tác giả Lưu Quang Vũ.
Vở kịch lấy bối cảnh ở một làng quê nông thôn, xoay quanh ông chủ tịch xã Toàn Nha và những xã viên của xã Hùng Tâm. Những con người hiền lành, chân chất, thật thà nhưng vì tính háo danh, mắc “bệnh sĩ” mà ai cũng cố gắng phấn đấu gắn cho mình một cái mác thật sang trọng và hiện đại, để rồi sau đó gây ra những chuyện dở khóc dở cười. Vở kịch được viết từ cách đây 30 năm, đề cập đến căn “bệnh sĩ”, “bệnh tưng bừng dối trá, tưng bừng phô trương, tưng bừng thành tích” đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Vở kịch do NSƯT Đức Hải đạo diễn, có sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Thắng, Quỳnh Hoa, Phú Đôn…; công diễn vào 20 giờ ngày 12.3 tại Nhà hát Kịch VN (số 1 Tràng Tiền). Giá vé: 200.000 đồng/vé.
Lễ hội hoa anh đào
Hơn 100 cây và khoảng 7.000 cành hoa anh đào đã được vận chuyển tới Hà Nội để trưng bày tại lễ hội hoa anh đào 2017, diễn ra từ ngày 10-12.3, tại khu vực Tượng đài vua Lý Thái Tổ (Q.Hoàn Kiếm). Cùng với loài hoa anh đào của Nhật Bản, du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều loài hoa đặc trưng của VN. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động khác như biểu diễn múa trống và võ thuật, thưởng thức trà Nhật Bản, triển lãm ảnh về hoa anh đào, biểu diễn âm nhạc truyền thống VN như đàn bầu, hát xẩm, hát ca trù… Lễ hội mở cửa tự do cho công chúng.
Hài kịch Đàn ông cũng khóc
Câu chuyện của vở hài kịch bắt đầu từ tình huống một ngày nọ, đàn ông và đàn bà hoán đổi chức năng cho nhau. Những người đàn ông mang bầu cùng rủ nhau vào viện khám thai. Họ thấm thía mang thai thế nào, đẻ con ra sao, làm thế nào cho con bú và hàng trăm vấn đề khác cần phải giải quyết. Họ được “nếm trải” cảnh vợ đi chơi tennis, bỏ chồng ở nhà nấu cơm, cằn nhằn, khóc lóc…
“Đàn ông cũng khóc” đánh dấu sự kết hợp lần đầu tiên của cặp danh hài NSƯT Chí Trung và NSƯT Minh Vượng. Vở diễn còn có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Tuấn Hải, Vân Dung… Vở hài kịch công diễn lúc 20 giờ ngày 11.3, tại Nhà hát Tuổi Trẻ (số 11 Ngô Thì Nhậm). Giá vé: 120.000-150.000 đồng/vé.
Triển lãm Chạm
Triển lãm giới thiệu tác phẩm nghệ thuật của 6 tác giả ở các lứa tuổi khác nhau, mắc chứng tự kỷ, gồm Ujita Masato đến từ Nhật Bản và Trung Hiếu, Hoàng Minh, Bình Minh, Danh Lâm (Gia Bảo), Nem (Đình Chí) đều đến từ Hà Nội.
Triển lãm chia thành 6 góc nhỏ, mỗi góc là một câu chuyện của mỗi người. 6 tác giả đã tạo nên các tác phẩm với sự cố vấn của các họa sỹ Lê Thiết Cương, Nguyễn Đức Phương và Khúc Ngọc Minh. Những người tự kỷ có thể vẽ, bôi màu, xé giấy, vò nặn… như nhu cầu giải tỏa cảm xúc, bày tỏ nhận thức, nhưng từ đó, lại hé lộ một cách giao tiếp, một niềm đam mê, một năng khiếu nghệ thuật. Đằng sau triển lãm Chạm còn là sự cố gắng nỗ lực với lòng yêu thương và niềm tin của các gia đình có người tự kỷ. Triển lãm mở cửa trong các ngày 11-12.3 tại tầng 5, Bảo tàng Phụ nữ VN (36 Lý Thường Kiệt).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.