Cuộc đời thăng trầm của 'nữ hoàng nhạc soul' Aretha Franklin

17/08/2018 15:22 GMT+7

Sự ra đi của Aretha Franklin hôm 16.8 khiến người yêu nhạc trên khắp thế giới bàng hoàng. Đây không chỉ là một mất mát của nước Mỹ mà còn là tổn thất lớn đối với làng âm nhạc thế giới.

Ngày 13.8, Aretha Franklin được truyền thông Mỹ đưa tin đang điều trị căn bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối tại bệnh viện gần nhà. Những ngày cuối đời, nữ danh ca 76 tuổi sống yên bình trong vòng tay chăm sóc của bạn bè và người thân.
Aretha Franklin qua đời, để lại một di sản âm nhạc đồ sộ, với 18 giải Grammy, 20 ca khúc đứng trong danh sách Billboard Hot 100. Ngoài ra, ngôi sao ca nhạc sinh năm 1942 được tờ Time bình chọn là 100 nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ 20 bên cạnh nhiều vĩ nhân xuất chúng ở các lĩnh vực khác.
[VIDEO] Huyền thoại nhạc Soul thế giới Aretha Franklin qua đời vì ung thư
Từ ca sĩ hát nhạc phúc âm đến “nữ hoàng mới của nhạc soul”
Aretha Franklin là nghệ sĩ da màu sinh trưởng trong một gia đình có cha là người giảng đạo trong nhà thờ và là trưởng dàn hợp xướng tại đây. Nhờ sự tạo điều kiện của người cha Clarence LaVaughn Franklin, lên 10 tuổi, cô bé Aretha Franklin đã trở thành thành viên dàn hợp xướng rồi nhanh chóng nổi tiếng nhờ tài năng âm nhạc thiên phú của mình.
Từ một cô bé chuyên hát tại nhà thờ, Aretha Franklin từng bước chạm đến ước mơ trở thành ngôi sao Ảnh: Getty Images
Năm 1956, nữ ca sĩ thu âm ca khúc đầu tiên đồng thời ký hợp đồng với hãng đĩa JVB Records. Từ đây, giọng ca xuất chúng này được biết đến với tư cách là một ca sĩ hát nhạc phúc âm với album đầu tay Songs of faith. Đến năm 18 tuổi, Aretha Franklin chuyển sang hát nhạc thế tục. Ông Clarence LaVaughn Franklin trở thành quản lý của con gái. Tại JVB Records, tài năng âm nhạc của nghệ sĩ vĩ đại này chưa thực sự có cơ hội tỏa sáng, đó là lý do cô ngừng gia hạn hợp đồng, chuyển qua một hãng đĩa lớn hơn là Columbia Records. Từ đây, sự nghiệp âm nhạc của Aretha Franklin chính thức có những bước khởi sắc đầu tiên.
Sau khi nghe bản thu âm thử của nữ ca sĩ trẻ, John Hammond của Columbia Records đã nhận định rằng Aretha Franklin sẽ là một nghệ sĩ tuyệt vời trong tương lai. Tháng 9.1960, hãng đĩa này ấn hành bản thu âm đầu tiên của tân binh 18 tuổi, Today I sing the blues. Ca khúc nhanh chóng lọt vào top 10 của Billboard R&B/Hip-Hop Songs. Bốn tháng sau đó, Aretha Franklin phát hành album đầu tiên có tên Aretha. Sau đó, bà phát hành tiếp bản hit Won't be long đạt vị trí số 7 trên R&B/Hip-Hop Songs và vị trí thứ 76 trên Billboard Hot 100. Cũng vào năm 1961, nữ ca sĩ phát hành tiếp hai đĩa đơn là Operation heartbreak Rock-a-bye your baby. Cả hai “đứa con tinh thần” này đều đạt được những thứ hạng xuất sắc trên các bảng xếp hạng danh giá, đưa tên tuổi của Aretha Franklin lên một tầm cao mới.
Từ năm 1962 tới năm 1966, siêu sao tài năng này chưa có được một album hay đĩa đơn nào lọt vào top 10 bảng xếp hạng âm nhạc. Tuy nhiên, bà lại được các nhà phê bình đánh giá cao. Năm 1964, DJ Pervis Spann tại Chicago gọi Aretha Franklin với danh xưng “nữ hoàng mới của nhạc soul”. Tên gọi này xuất hiện chỉ hai năm sau khi giọng ca mới này ra mắt album đầu tay.
Nữ hoàng nhạc soul “vô tiền khoáng hậu”
Sau khi phát hành Cry like a baby, đĩa đơn cuối cùng với hãng Columbia, năm 1967 bà gia nhập hãng đĩa mới Atlantic Records và đã có những thành công thương mại lớn đầu tiên. Cũng trong thời gian hợp tác với hãng này, từ danh xưng “nữ hoàng mới của nhạc soul”, Aretha Franklin được công chúng nước Mỹ tôn vinh bằng một danh hiệu cao quý hơn “nữ hoàng nhạc soul”.
Bằng những cống hiến to lớn cho nền âm nhạc thế giới, tạp chí Rolling Stone tôn vinh Aretha Franklin ở vị trí số 1 trong danh sách 100 nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại Ảnh: Getty Images
Trong suốt thời gian làm việc với hãng đĩa trên, các sản phẩm âm nhạc của Aretha Franklin đều đạt đến những thành công vượt trội. Không chỉ nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ phía khán giả, ngôi sao mới vào nghề liên tục nhận những đánh giá tích cực từ các nhà phê bình âm nhạc uy tín nhất. Trong năm đầu gia nhập Atlantic Records, album I never loved a man the way i love you của giọng ca da màu này đạt vị trí Á quân trên bảng xếp hạng Billboard 200. Đây được xem là khởi đầu mới đầy ngoạn mục của nữ ca sĩ bởi các sản phẩm phát hành khi còn hợp tác với công ty cũ chưa từng lot top 50. Album này cũng là sản phẩm đầu tiên xưng vương trên Hot R&B/Hip-hop Albums, khúc dạo đầu cho những chiến thắng liên tiếp của Aretha Franklin.
Nhắc đến âm nhạc của Aretha Franklin trong gian đoạn hoàng kim này không thể không nhắc đến ca khúc Respect. Bài hát là một hành động tiên phong trong phong trào đấu tranh cho nữ quyền thông qua âm nhạc. Nữ quyền trong âm nhạc của danh ca về sau có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến các diva huyền thoại hậu bối như: Whitney Houston, Mariah Carey, Céline Dion... Mỗi khi người hâm mộ nhìn lại sự nghiệp âm nhạc vĩ đại của nữ ca sĩ, người ta vẫn không thôi nhớ về Respect như một biểu tượng bất diệt, một tuyên ngôn mạnh mẽ cho quyền lực và sức mạnh vô tận của phái đẹp trên khắp hành tinh.
Chỉ sau 13 năm gia nhập công ty mới, Aretha Franklin đã đoạt 10 giải Grammy cao quý trong sự nghiệp âm nhạc. Đây là thời kỳ đỉnh cao của giọng ca đa dạng này. Liên tiếp các năm sau đó, từ 1969 đến 1975, nữ ca sĩ liên tục giành 6 giải Grammy ở hạng mục Trình diễn R&B nữ xuất sắc nhất với các tác phẩm bất hủ: Chain of fools, Share your love with me, Don't play that song for me, Bridge over troubled water… Năm 1974, Aretha Franklin còn đoạt giải Grammy ở hạng mục Màn trình diễn phúc âm xuất sắc nhất với album The amazing grace.
Những năm tháng thăng trầm và sự ra đi đầy tiếc nuối
Sau những năm tháng liên tiếp đứng trên đỉnh cao của danh vọng và sự thăng hoa tột đỉnh trong âm nhạc, sự nghiệp của Aretha Franklin dần tụt dốc rồi chấm dứt hợp đồng với Atlantic Records. Khoảng thời gian này trở nên khó khăn với giọng ca Respect khi bà chưa tìm ra được một lối đi riêng, chưa biết cách cân bằng giữa đời sống cá nhân và sự nghiệp. Thêm vào đó, nữ danh ca vướng vào những gian lận tài chính, trốn thuế dẫn đến nhiều rắc rối pháp lý cũng như khủng hoảng tiền bạc cá nhân. Cũng trong giai đoạn này, cha của bà gặp tai nạn nghiêm trọng dẫn đến hôn mê.
Trải qua những giai đoạn thăng trầm cùng nghệ thuật, giờ đây nữ ca sĩ trở thành một tên tuổi khó có thể thay thế Ảnh: Getty Images
Những nốt trầm của cuộc đời Aretha Franklin bắt đầu có dấu hiện lu mờ dần rồi biến mất khi giọng ca mạnh mẽ này vực dậy với ca khúc nhạc phim Sparkle. Ngay sau đó, bà có bài hát Something he can feel đứng đầu bảng xếp hạng dòng nhạc R&B. Những album tiếp theo như Sweet Passion hay La Diva đã giúp ngôi sao sinh năm 1942 lấy lại phong độ đỉnh cao vốn có của một nghệ sĩ luôn được tôn thờ là nữ hoàng.
Những năm đầu của thập niên 1990, khi thị hiếu âm nhạc của khán giả Mỹ không còn là R&B hay disco mà chuyển sang dòng nhạc pop. Trong giai đoạn này, những ca sĩ solo cũng dần trở nên lép vế hơn nhường chỗ cho mô hình ban nhạc nam/nữ lên ngôi. Giữa sự thoái trào của cái cũ, khán giả khắp nơi trên thế giới vẫn thấy Aretha Franklin đều đặn ra sản phẩm âm nhạc, say mê và cháy bỏng trên các sân khấu lớn nhỏ ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Bên cạnh việc giữ niềm say mê và tình yêu không ngừng nghỉ với âm nhạc của chính mình, Aretha Franklin cũng thể hiện bản thân là một giọng ca biết cập nhật xu thế khi phát hành album Aretha Franklin sings the great diva classics vào năm 2014. Sản phẩm âm nhạc cuối cùng trong sự nghiệp âm nhạc vĩ đại của danh ca đình đám này bao gồm các ca khúc nổi tiếng mà bà cover lại của nhiều tên tuổi đang được yêu thích nhất hiện nay: Rolling in the deep (Adele), I will survive (Gloria Gayno), No one (Alicia Keys)…
Những ca khúc của Aretha Franklin trong nhiều thập niên luôn chạm đến trái tim của người hâm mộ và âm nhạc của bà trở thành một dấu ấn khó quên Ảnh: Daily times
Đương thời, Aretha Franklin nhận được nhiều sự kính nể đến từ các nhân vật quyền lực, trong đó có Barack Obama. Nữ ca sĩ từng biểu diễn bài hát kinh điển America' my country tis of thee trong lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ vào năm 2009. Năm 2015, trong đêm nhạc tôn vinh chính mình, Aretha Franklin đã thể hiện lại ca khúc (You make me feel like) a natural woman. Phần thể hiện xuất sắc của nữ danh ca đã khiến người đứng đầu Nhà Trắng khi ấy phải rơi nước mắt khi thưởng thức.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân cũng đã bày tỏ sự tiếc thương và lòng ngưỡng mộ to lớn đối với nữ ca sĩ. “Trong giọng hát của Aretha Franklin, chúng tôi có thể cảm nhận được lịch sử, sức mạnh, nỗi đau, bóng tối và ánh sáng cũng như sự tôn kính dành cho người hát. Bà ấy đã giúp chúng tôi cảm thấy kết nối với nhau hơn, tràn đầy hi vọng và nhân văn hơn”, ông Barack Obama chia sẻ trước thông tin nghệ sĩ mà mình yêu mến vừa qua đời.
Từ nay, di sản âm nhạc của thế giới mất đi một tài năng vĩ đại, khán giả yêu nhạc mất đi một tượng đài bất hủ. Nhưng sự ra đi của Aretha Franklin không ngăn cản được tên tuổi của bà sống mãi trong lòng công chúng yêu nhạc, không ngăn cản được các ca khúc bất hủ của nữ danh ca này sống mãi với thời gian. Nhìn vào sự nghiệp đồ sộ của huyền thoại âm nhạc sinh năm 1942, nhiều người hẳn sẽ tự hỏi: Đến bao giờ, nước Mỹ mới lại có một tài năng ngang tầm với Aretha Franklin?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.