Đa dạng âm nhạc cho sân khấu

07/10/2020 07:01 GMT+7

Các vở diễn sân khấu gần đây cho thấy việc sử dụng âm nhạc ngày càng linh hoạt hơn. Trong đó, nhân vật Trương Chi và Mỵ Nương có thể cùng hát bản hit Nơi tình yêu bắt đầu.

Dùng các bản hit và pha trộn nhiều thể loại

Khi hai nhân vật chính của vở Trương Chi - Mỵ Nương (Nhà hát Kịch Hà Nội) lần đầu cùng hát trên sân khấu, điều khán giả có thể cảm nhận được là mối tình say mê lẫn sự đồng điệu về âm nhạc. Và bản hit Nơi tình yêu bắt đầu vang lên. Bài hát này cũng chính là một tác phẩm của đạo diễn vở - nhạc sĩ Phùng Tiến Minh. Cả Trương Chi và Mỵ Nương cùng hát những ca từ “Này mùa đông ơi xin hãy làm tuyết rơi, để chắn lối em anh về...” và cùng mặc cổ trang. Bài hát làm người xem nhớ đến ngôi sao ca nhạc Bằng Kiều hoặc giọng ca trẻ Bùi Anh Tuấn từng thể hiện thành công bản hit này.
Âm nhạc trong nhiều vở diễn sân khấu gần đây dường như trở nên đa dạng hơn nhờ những sự pha trộn như vậy. Chẳng hạn, vở diễn Ngàn năm mây trắng (Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam) có sự pha trộn của nhiều loại hình âm nhạc dân tộc: cải lương, chèo, hát xẩm, hát văn Huế. Vở diễn Trại hoa vàng (Nhà hát Tuổi trẻ) cũng có các bản hit Thật bất ngờ, Bohemian Rhapsody. Còn tác phẩm Cây gậy thần tới đây của Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ có sự kết hợp giữa xiếc và cải lương. NSƯT Thanh Thanh Hiền cũng bay từ TP.HCM ra để góp giọng với tác phẩm này. “Chúng tôi muốn mang tính giải trí vào sân khấu rõ hơn”, NSND Tống Toàn Thắng - đồng đạo diễn vở Cây gậy thần, nói.
Đạo diễn Lê Ánh Tuyết của Trại hoa vàng cho biết: “Khi xem một vở kịch, âm nhạc trong đó rất quan trọng. Chẳng hạn, Trại hoa vàng chúng tôi hướng tới khán giả trẻ. Khi đến, họ cần thấy những thứ mình yêu thích như bài hát yêu thích, ca khúc hit. Thường để yêu thích một bài hát mới, người ta cần nghe đi nghe lại”. Bà Tuyết chia sẻ thêm: “Khi đã chọn ca khúc thì các ca khúc tôi đều rất thích. Tôi thích hơn cả là Hơn cả yêu và Bohemian Rhapsody. Hơn cả yêu giúp 3 nhân vật chính thể hiện tâm trạng khi yêu của mình. Đoạn diễn có Bohemian Rhapsody có đội hình đẹp, có tính chất nhạc kịch. Mình phải viết lại lời Việt cho ca khúc. Tôi thích ca khúc huyền thoại này từ rất lâu rồi, nó rất truyền cảm hứng”.
Đa dạng âm nhạc cho sân khấu1

Cảnh trong vở Trương Chi - Mỵ Nương sử dụng bản hit Nơi tình yêu bắt đầu

ẢNH: NHÀ HÁT KỊCH HÀ NỘI CUNG CẤP

Đặt hàng nhạc sĩ sáng tác riêng

NSƯT Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cho biết các nhà hát đều vẫn đặt hàng âm nhạc cho vở diễn, trong đó có các bài hát. Trước đây, Hà Nội đêm trở gió là tác phẩm nhạc sĩ Trọng Đài viết cho vở kịch cùng tên của nhà văn Chu Lai, do Nhà hát Kịch Hà Nội dựng. Bản thân ông Tiến khi dựng vở cũng đặt hàng bài hát cho vở diễn. “Mấy vở gần đây tôi vẫn đặt Tường Văn, Tuấn Nghĩa làm. Hoa cúc xanh của tôi là Tường Văn viết nhạc toàn bộ, trong đó có sáng tác ca khúc. Về cơ bản vẫn có xu hướng có ca khúc cho một vở dài”, ông Tiến nói.

Tôi chú tâm tìm những nhạc sĩ trẻ để mời họ sáng tác âm nhạc cho nhạc kịch. Điều đó mang đến yếu tố mới, cảm giác mới cho vở diễn

Nhà sản xuất Hoàng Hường

Trong khi đó, bà Hoàng Hường, nhà sản xuất các vở nhạc kịch Mathilda, Không gia đình, Cô bé bán diêm, nói bà thường tìm những nhạc sĩ trẻ để mời họ sáng tác âm nhạc, trong đó có bài hát cho vở diễn. “Tôi chú tâm tìm những nhạc sĩ trẻ để mời họ sáng tác âm nhạc cho nhạc kịch. Điều đó mang đến yếu tố mới, cảm giác mới cho vở diễn. Hơn nữa, do vở diễn bằng tiếng Anh nên chúng tôi cũng cần người viết nhạc cho kịch bản của mình”, bà Hường chia sẻ. NSND Hoàng Dũng (Nhà hát Kịch Hà Nội) cũng thiên về việc nên có ca khúc mới được sáng tác cho vở diễn, thay vì dùng những sáng tác đã quen thuộc. Ông nói: “Thà rằng có một ca khúc mới, nó có thể chưa hay nhưng của vở diễn này, không gian này. Nếu vở diễn mới cho một bài hát đã nổi tiếng vào, có thể nó lại dẫn khán giả đến việc nghĩ tới một không gian khác”.
Có thể thấy sự đa dạng của âm nhạc trong các vở diễn sân khấu đã tạo nên nhu cầu tìm kiếm bài hát và cả đặt hàng ca khúc từ tác giả nổi tiếng. Nếu các nhà hát công lập chỉ có thể trả cho nhạc sĩ trong nhà hát giá cả vừa phải, đúng ba rem thì ngoài thị trường có thể khác rất nhiều. Chẳng hạn, sân khấu tư nhân Lệ Ngọc trả cho nhạc sĩ Tiến Minh một khoản nhuận bút đủ để chạm vào ô tô khi anh sáng tác nhạc cho vở Tấm Cám. Nhạc sĩ Tiến Minh cũng là người đi đường dài một cách chuyên nghiệp với âm nhạc, bài hát cho sân khấu. Anh từng được huy chương vàng cho âm nhạc trong vở diễn tại Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc vào các năm 2012 và 2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.