>> Phim chiến tranh: Đường mòn đi mãi ?
>> Phim chiến tranh: Đã qua thời khan hiếm
>> Phim chiến tranh đầu tư nhiều vẫn chưa hay
>> Phim chiến tranh Việt chưa hấp dẫn
>> Phim chiến tranh phải thế!
* Tại sao anh luôn bén duyên với phim chiến tranh như vậy?
- Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Có lẽ do phim đầu tay của tôi là chiến tranh. Đời lạ lắm, mối tình đầu thường để lại dấu ấn sâu đậm nên những tình sau thường mang chút hình bóng của tình đầu... Đường thư chưa phải là thành công nhưng chục năm rồi vẫn được chiếu lại, vẫn còn người nhớ, vậy là còn duyên.
* Nếu tự nhận xét về tính cách của mình, anh sẽ nói sao?
- Tôi không hay đánh giá người ta nhưng đôi khi cũng tự nhận xét mình. Tôi nghĩ là tôi hơi ngu ngốc! Thực ra có lúc tôi cũng định khôn ngoan đấy, mà thấy xung quanh tôi nhiều người khôn ngoan quá rồi, sự ngu ngốc của tôi thật là nổi bật. Vậy là cứ ngu ngu luôn cho lành.
* Anh thấy tính cách anh có tác động nhiều tới việc lựa chọn thể loại phim mà anh đeo đuổi không?
- Có chứ! Đối với đạo diễn thì có nhiều cách để thuyết phục người xem tin vào thứ tri thức mà họ đưa ra lắm. Có những dòng phim mập mờ nguy hiểm bắt người xem xác tín vào những chủ thuyết chưa rõ ràng như một thứ tôn giáo mới gọi là dòng phim nghệ thuật... tôi không biết làm vậy. Tôi luôn cố gắng kể câu chuyện của tôi một cách mạch lạc đơn giản nhất mà nếu không hiểu ngôn ngữ trong phim chắc cũng hiểu nội dung. Tôi đề cao tính hấp dẫn và giải trí bằng những thủ pháp kể chuyện. Cho khán giả trải nghiệm những cảm giác họ muốn và đôi khi nếu có cơ hội chạm vào trái tim của họ, tôi cũng biết cách dẫn dụ. Cách nhanh nhất để làm điều đó là hãy thật thà tái tạo mọi thứ trong một phim hành động hoặc chiến tranh.
* Việc nhiều thành viên trong gia đình anh (bố mẹ, anh chị) đều từng khoác áo lính có tác động gì trong quá trình làm phim của anh?
- Họ và đồng đội của họ được tái tạo lại và sống trong nhiều phim của tôi. Tôi thường ghi nhận mọi thứ và ném nó vào ký ức. Một ngày tổng hợp của ký ức sẽ trở thành sự kiện hoặc thành nhân vật trong một phim nào đó.
|
* Đường lên Điện Biên sẽ có gì mới lạ hơn so với 2 phim trước anh đã làm?
- Hai phim chiến tranh trước của tôi là phim chiếu rạp thời kỳ chống Mỹ. Còn Đường lên Điện Biên là phim truyền hình thời kỳ chống Pháp. Thật khó mà có thể tái tạo ra không gian thuyết phục tràn ngập văn hóa của hơn nửa thế kỷ trước. Tôi hy vọng sẽ tạo được một câu chuyện phim hấp dẫn, hiện đại với những cảnh quay trong không gian hùng vĩ, chiến tranh thì tiết tấu nhanh nhưng vẫn phải mang nhiều dấu ấn văn hóa xa rồi... Tôi đang chuẩn bị quay, thật khó để có thể nói về một thứ mình còn chưa bắt đầu làm, phải không?
* Làm phim chiến tranh thường rất kén khán giả, anh có chạnh lòng khi phim mình làm ra dù rất mất công sức hơn so với làm những thể loại phim khác, nhưng khán giả Việt lại không mấy mặn mà?
- Tôi không nghĩ là phim chiến tranh thì kén khán giả! Mấy buổi chiếu ở Hà Nội và Sài Gòn vừa rồi, hiệu ứng khán giả trẻ rất tốt. Chẳng qua là các hãng phim nhà nước rất dở ở khâu phát hành. Tuy nhiên, Những người viết huyền thoại đã được Công ty BHD phối hợp phát hành, dự tính ra rạp vào 10.1.2014 tới. Tôi biết không nhiều khán giả teen thích phim chiến tranh nên không chạnh lòng đâu. Suy cho cùng, tôi cũng đâu chỉ làm phim chiến tranh!
* Những khó khăn và thuận lợi khi làm phim chiến tranh ở VN hiện nay là gì?
- Khó khăn lớn nhất là khâu quảng bá phát hành. Thuận lợi là rất nhiều đơn vị sẵn sàng ủng hộ.
* Anh thường xem phim chiến tranh của nước nào và xin cho nhận xét?
- Tôi thường xem phim Mỹ, thỉnh thoảng có phim Hàn hoặc Trung về chiến tranh mà hay tôi cũng xem. Phim nước ngoài họ đầu tư bài bản, hay bởi sự hoành tráng và chủ nghĩa anh hùng được đề cao. Cảm xúc mạnh nhất là tình yêu tổ quốc và trách nhiệm công dân. Tôi nghĩ nếu Việt Nam mình được đầu tư tốt, chắc cũng làm được như họ.
* Để phim chiến tranh VN hấp dẫn, thu hút được khán giả, theo anh cần những yếu tố gì? Kỹ thuật, kỹ xảo có đóng vai trò quan trọng trong việc làm phim chiến tranh?
- Câu chuyện phim và tầm của câu chuyện, đó là bệ đỡ cho một bộ phim hấp dẫn. Những yếu tố kỹ thuật chỉ là thủ pháp then chốt mà tôi nghĩ Việt Nam mình đã bắt đầu tiếp cận được rồi. Cuối cùng thì hãy đầu tư chất xám cho sự tưởng tượng của mình. Bởi khán giả đâu đến rạp nghe câu chuyện phim, họ tới để xem những nhà làm phim trình diễn phần tri thức của mình, xem mình tưởng tượng được đến đâu và thể hiện điều đó cách nào.
|
Ngọc Bi (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bình luận (0)