>> PHAN CAO TÙNG
Khi “làn sóng” đạo diễn Việt kiều về nước, Nguyễn Quang Dũng vẫn là một trong các đạo diễn trong nước vẫn giữ được phong độ làm phim. Ở đời thường, Nguyễn Quang Dũng là người hiền lành, vui vẻ, cởi mở và luôn có suy nghĩ cấp tiến trong nghề để bắt tay với nhiều đạo diễn trẻ khác góp phần phát triển điện ảnh Việt.
Vì sao anh chọn làm phim Tiệc trăng máu với câu chuyện về những người trung niên, trưởng thành - đề tài vốn không khoanh vùng cho đối tượng ra rạp đông đảo hiện nay là giới trẻ, lứa tuổi teen?
Khi làm bộ phim nào thì tôi phải thích mới làm, nếu trong sự nghiệp của mình đã từng làm dạng phim đó rồi thì sẽ không “máu” bằng. Tiệc trăng máu có những thứ tôi chưa từng làm, ví dụ như một bộ phim toàn những nhân vật trung niên khoảng 40 tuổi, và điện ảnh Việt trước nay cũng chưa có nhiều phim xoay quanh nhân vật trung niên như thế. Phim có kịch bản thông minh, đặt ra nhiều vấn đề hấp dẫn dù chỉ xoay quanh 7 nhân vật trên bàn tiệc. Chỉ trong một bối cảnh nhưng lại bùng nổ những mâu thuẫn thú vị. Tôi tin Tiệc trăng máu người trẻ xem cũng thích thú, còn người lớn tuổi coi sẽ có nhiều suy ngẫm ở một tầng sâu hơn.
Khán giả mới có thói quen ra rạp 10 năm gần đây và những khán giả trẻ thời đó giờ cũng đã trung niên, họ vẫn đến rạp xem phim nhưng có phim trẻ quá, không phù hợp với họ. Thành ra, thị trường phim Việt còn thiếu những bộ phim dành cho lứa khán giả này. Vì thế, cần đổi mới, đa dạng đề tài để khán giả lớn tuổi hơn đến xem. Cuộc sống luôn có nhiều đề tài dành cho nhiều độ tuổi khác nhau, và đối tượng nào cũng có vấn đề, ngóc ngách riêng để đạo diễn khai phá, quan trọng là mình có tìm được chìa khóa để làm nên một bộ phim hay.
Anh có thấy điện ảnh Việt hiện tại có quá nhiều phim giải trí, xem xong rồi quên, không tạo nên màu sắc riêng có giá trị nghệ thuật cho điện ảnh Việt?
Người đạo diễn không thể chờ khi nào có kịch bản phim đậm tính nghệ thuật mới bắt tay làm phim được, vì tuổi đời sẽ qua đi và nhiều khi cơ hội không có. Làm nhiều phim thì mới cọ xát, nâng cao tay nghề được. Cả sự nghiệp của một đạo diễn có 1 - 2 phim khiến người ta nhớ đến tên tuổi đã là thành công. Hiện tại có một tín hiệu vui là điện ảnh Việt có nhiều phim độc lập của các đạo diễn trẻ ra mắt. Điều đó cho thấy một thị trường đa dạng và ngày một phát triển hơn.
Ai làm nghề cũng muốn có phim phá cách nhưng hãy hiểu cho, làm ra một bộ phim rất tốn kém, thậm chí là cả gia tài của một hãng phim, nên mình cũng cân nhắc có làm theo cá tính nghệ thuật “điên rồ” bất chấp sự đón nhận của khán giả hay không. Hãy yên tâm là khi điện ảnh Việt phát triển, các hãng phim “ăn nên làm ra” thì họ sẽ có dư để đầu tư cho phim nghệ thuật, như phim Ròm cũng được nhiều hãng phim giúp đỡ tài chính để hoàn thành, và tôi tin số lượng phim độc lập mang tính nghệ thuật cao sẽ ngày càng nhiều hơn. Riêng tôi sẽ cố gắng tăng tính nghệ thuật cho các phim giải trí của mình và bản thân tôi cũng có những dự án “nặng đô” về nghệ thuật, một lúc nào đó hy vọng có đủ điều kiện để bắt tay làm.
Nguyễn Quang Dũng (bìa trái) cùng diễn viên Tiệc trăng máu là Kiều Minh Tuấn, Thu Trang (ẢNH: C.T)
Nguyễn Quang Dũng (bìa phải), Phan Gia Nhật Linh cùng gia đình nghệ sĩ Trịnh Vĩnh Trinh làm phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (ẢNH: GALAXY)
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trả lời báo giới, truyền thông về các dự án phim (ẢNH: C.T)
Là một đạo diễn thành danh, anh phải trau dồi, học hỏi như thế nào để không bị thụt lùi và có những sáng tạo mới khiến khán giả bất ngờ hơn khi xem phim của mình?
Hiện giờ có nhiều đạo diễn để lựa chọn hơn trước đây, bởi cách đây vài năm thôi, phim tết chỉ có vài cái tên đạo diễn quen thuộc. Giờ thì phim thành công mùa tết cũng không rơi vào các đạo diễn cũ, mà là những cái tên mới như Cua lại vợ bầu của Nhất Trung, Gái già lắm chiêu 3 của Bảo Nhân - Namcito, Hai Phượng của Lê Văn Kiệt... Phải nói, phim thành công hiện giờ không chỉ phụ thuộc vào mỗi tên tuổi đạo diễn nữa mà là cả ê kíp sản xuất, nên thành bại của phim khi ra rạp ngày càng khó đoán. Với góc nhìn của một đạo diễn, tôi thấy không có gì bi quan bởi thị trường điện ảnh rõ ràng đang ngày càng phát triển hơn.
Đạo diễn nào cũng sẽ có phim thắng - thua về doanh thu, không ai thành công mãi được, vì khán giả bây giờ đã khác, họ được tự do xem nhiều phim của các nền điện ảnh lớn trên thế giới hơn nên gu thẩm mỹ, kiến thức cập nhật rất nhanh. Để có thể bắt kịp khán giả, tôi cũng phải theo dõi sự phát triển của điện ảnh thế giới, xem nhiều phim hiện thời hơn. Mình học hỏi về kỹ thuật, theo dõi “trend” (xu hướng) giới trẻ, nhưng điều quan trọng nhất bộ phim làm ra phải là cảm xúc riêng của người đạo diễn chứ không thể bắt chước và đạo diễn nào cũng có những câu chuyện riêng muốn kể bằng góc nhìn của mình.
Cha anh là nhà văn Nguyễn Quang Sáng có phải là người định hướng và giúp anh có được sự nghiệp như ngày hôm nay?
Xưa, cha con tôi thường thích nói về nhạc hơn là phim. Tôi học được nhiều điều từ ba, dù ba tôi không chỉ dạy tôi cách làm phim. Điều may mắn là ba tôi có nhiều bạn bè là văn nghệ sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Nguyễn Duy... hay ghé nhà chơi, tôi được ngồi nghe các cuộc trò chuyện nên ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy, suy nghĩ của tôi. Vì hiểu được những cá tính đặc biệt trong nghệ thuật nên tôi học được cách tôn trọng tính cách riêng của mỗi người.
Ba tôi là người sống không lợi dụng ai cả, làm gì cũng hết mình và biết nghĩ đến người khác chứ không chỉ nghĩ riêng cho mình, nên cách sống đó ảnh hưởng lớn đến tôi trong công việc đạo diễn.
Lúc nhỏ khi nghe câu: “Con nhà văn nhưng dốt văn”, anh có tự ái và cha anh có mắng anh vì những điều phản ánh về cậu con trai nghịch ngợm, hay bị giáo viên phê bình không? Vì sao anh lại quyết định chọn con đường làm đạo diễn?
Ba tôi không có mắng tôi, vì khi ông đi học ở trường, ông cũng là người giỏi toán hơn văn. Mà tôi chỉ bị điểm thấp môn văn trong trường thôi, chứ văn chương tôi cũng lai láng nên sau này tôi mới tự viết ra nhiều kịch bản để làm phim như: Những nụ hôn rực rỡ, Nụ hôn thần chết, Mỹ nhân kế… Nói thật, cách dạy văn trong trường phổ thông chưa làm cho mình yêu thích văn chương khi bắt học sinh cố gắng viết giống văn mẫu thì mới được điểm cao. Tôi không cảm được cách dạy này nên tôi không ham thích học văn trong trường. Cũng khó cho nhà trường vì họ chấm văn theo thang điểm, nên cần chuẩn mực. Nhưng thực sự, văn không phải là toán, lý, hóa với công thức đúng, mà phải có góc nhìn và cảm xúc riêng của từng học sinh.
Sau này, tôi chọn nghề đạo diễn vì bản tính thích đi đây đi đó, mà công việc làm phim giúp thỏa ước mơ này. Bên cạnh đó, tôi tự thấy mình có nhiều kỹ năng làm phim hơn nghề khác, trong đó có máu “tả xung hữu đột”, làm chủ trường quay nếu đảm nhận vai trò đạo diễn.
Tiêu chí nào để anh tuyển chọn diễn viên?
Đầu tiên là nhìn diễn viên đó phải ra chất của nhân vật mà tôi tưởng tượng trong đầu. Thứ hai là diễn xuất phải có cảm xúc, tạo được cho tôi sự bất ngờ trong nét diễn để có niềm tin với lựa chọn của mình. Thứ ba là ở cách làm việc, diễn viên đó phải chuyên nghiệp, đúng giờ giấc, tập trung thời gian cho phim và họ phải có niềm tin với đạo diễn để cả hai cùng thăng hoa hơn trong những sáng tạo cho vai diễn.
Đạo diễn có sống được bằng nghề hay trở nên giàu có không? Với Nguyễn Quang Dũng thì sao?
Làm kinh doanh mới giàu chứ làm đạo diễn không giàu, nhưng “sướng”! Phải khẳng định là tôi không giàu như đại gia, nhưng đủ cho cuộc sống thoải mái. Làm kinh doanh thì sẽ bận rộn, nhiều áp lực; còn tôi có được sự tự do tự tại với cuộc sống của mình.
Dù có nhiều bóng hồng vây quanh nhưng tại sao đến nay 42 tuổi rồi anh vẫn chưa chịu lập gia đình, sinh con?
Tôi thấy mình chưa hoàn toàn “trưởng thành” để lấy vợ. Tôi nói nghiêm túc đó, chứ không phải đùa đâu. Tính tôi còn vô tư, sợ làm khổ người khác, bởi cũng chưa chín chắn trong việc đảm bảo hạnh phúc vững chắc cho người vợ sau này của mình.
Sau Tiệc trăng máu, anh sẽ ra mắt dự án phim nào tiếp nữa?
Phim Em và Trịnh về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà tôi làm nhà sản xuất, Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tới cuối tháng 10 mới bấm máy, dự kiến sẽ ra rạp vào 1.4.2021 - cũng là dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất Trịnh Công Sơn. Một dự án có kinh phí lớn mà tôi đang triển khai để giữa năm sau bấm máy là phim điện ảnh Đất rừng Phương Nam được chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, do chính đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn của bản phim truyền hình Đất Phương Nam ngày trước viết kịch bản và nhà quay phim của Đất phương Nam là Nguyễn Trinh Hoan bỏ vốn sản xuất... Ở bản điện ảnh này, chúng tôi sẽ làm tốt nhất có thể để bộ phim sinh động, đầy đủ màu sắc đất, rừng phương Nam.