Đạo diễn Trần Lực dựng kịch về bi kịch vợ chồng không nhận ra nhau

11/01/2019 10:11 GMT+7

Đối thoại cường điệu về ngôi nhà, chiếc giường chỉ để cặp nam nữ nhận ra mình là vợ chồng, đạo diễn Trần Lực nhấn vào xa cách của từng cá nhân trong chính gia đình.

Nữ ca sĩ hói đầu sẽ được trình diễn tại Viện Pháp tại Hà Nội L’Espace (24 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ 12.1. “Chúng tôi đã mua bản quyền tác phẩm của Eugène Ionesco để được diễn trong 1 năm ở Việt Nam”, đạo diễn Trần Lực cho biết.
Đoàn kịch tư nhân của ông - Lucteam, sẽ là đơn vị trình diễn tác phẩm này. Công diễn lần đầu tại Paris (Pháp) năm 1950, vở kịch đã gây sốt và mở đầu cho trào lưu kịch phi lý của phương Tây.
Đạo diễn Trần Lực cũng cho biết, nhiều người đặt câu hỏi rằng ông có liều quá không khi mang kịch phi lý về Việt Nam. “Tôi nói thật là tôi rất tự tin dựng kịch phi lý, vì nó không khác gì kịch khác. Nó vẫn đặt vấn đề con người, tính nhân văn trong cuộc sống, mối quan hệ người với người. Khi dựng thì tự tin. Nói là liều thì không phải, nhưng tôi tự nhận thấy tôi là người dũng cảm khi đưa ra dựng một dòng kịch chưa bao giờ dựng ở Việt Nam. Nhưng chúng tôi nghĩ nó phù hợp với phương pháp sân khấu của chúng tôi, đó là phương pháp ước lệ biểu hiện”, ông Lực nói.
Ông Lực cũng cho biết, việc Việt hóa kịch bản với ê kíp không quá cầu kỳ. “Kịch nước ngoài vào Việt Nam cũng phải Việt hoá, nhưng chúng tôi đọc xong thì thấy là không phải Việt hoá. Kịch quá hay. Đối thoại và câu chuyện quá chuẩn rồi, và không cần phải thay đổi gì cả. Tuy nhiên, anh Đỗ Chí Hùng đã Việt hóa một đoạn tác phẩm ở cuối kịch. Trong vở có 2 trang, các nhân vật chuyển động và nói những điều họ nghĩ. Kịch Ionesco nói vấn đề của châu Âu, khi diễn ở Việt Nam thì nói các vấn đề Việt Nam”, ông Lực nói.
Trước đó, vở kịch Cơn ghen của Lọ Lem do ông dựng được Việt hóa nhiều hơn. Chẳng hạn, ông đưa câu chuyện kịch từ nước Pháp thế kỷ 17 về câu chuyện Việt Nam thế kỷ 21 với những giáo sư và người chạy xe ôm. Lời thoại cũng gần gũi với bây giờ.
Tuy nhiên, điều lớn nhất đã được Việt hóa, theo ông Lực, chính là việc sử dụng các thủ pháp của tuồng, chèo vào vở diễn. “Việc Việt hoá tự tin nhất là dựng theo phương pháp sân khấu của chúng tôi là theo ước lệ biểu hiện. Ảnh hưởng tuồng, chèo, cải lương, đó là cốt lõi nhất. Đưa câu chuyện phương Tây kể bằng ngôn ngữ sân khấu phương Đông”, ông Lực nói.
Sân khấu vở diễn được dựng như một không gian khép kín, chỉ có 2 ngách thoát nhỏ hai bên. Chiếc tủ dựng giữa sân khấu cũng là một cách mở không gian cho nhân vật lên sân khấu. Theo ông Lực, thiết kế do họa sĩ người Úc George Burchett phụ trách này mang tính ẩn dụ cao.
Vở diễn cũng có một đoạn rap nói về chuyện vợ chồng tuy đồng sàng mà dị mộng, không nhận được ra nhau. Đó cũng là một phần nội dung của vở diễn. Trước đó, cặp nhân vật vợ chồng đều bộc lộ sự trễ nải, uể oải với cuộc sống của mình. Họ cùng sống với nhau, cảm thấy có gì quen quen mà hoàn toàn không hề nhận ra sự gắn bó với người bên cạnh.
Eugène Ionesco là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Pháp gốc Rumani. Những vở kịch của ông như Nữ ca sĩ hói đầuBài họcNhững chiếc ghếNhững nạn nhân của bổn phận hiện vẫn được xem là những vở kịch kinh điển.
Với 61 năm công diễn liên tục tại nhà hát Huchette ở thủ đô Paris, Nữ ca sĩ hói đầu đang giữ kỷ lục là tác phẩm kịch được công diễn với mật độ dày nhất từ trước tới nay.
Nội dung của vở kịch có thể kể ngắn gọn là “không có chuyện gì”, nó chỉ là những sự kiện rời rạc, diễn ra trong một gia đình trưởng giả nước Anh. Thông qua những đoạn đối thoại nhạt nhẽo, lúc mâu thuẫn, lúc vô nghĩa của các nhân vật, Ionesco đã diễu cợt khả năng sử dụng ngôn ngữ trong việc thể hiện tư duy, đồng thời, thông qua các tình tiết phi lý, kỳ dị, nửa thực nửa hư, tác giả muốn phản ánh cái nhỏ bé vô nghĩa lý đến thảm hại của thân phận con người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.