Dựa vào số lượng vé bán ra, nghệ sĩ Tuấn Nam nói: “Khán giả đã tương đối cởi mở”. Tuy vậy, anh vẫn thẳng thắn nhìn vào thực tế: “Số lượng khán giả trong nước nghe nhạc jazz ít hơn những dòng nhạc khác”. Chương trình đánh dấu chặng đường sau 10 năm nghệ sĩ Tuấn Nam trở về với nhạc jazz, nhưng cũng cho thấy sau nhiều năm, sân khấu đại chúng của Hà Nội mới có một đêm nhạc jazz đúng nghĩa, đẳng cấp.
Cách đây 2 năm, chương trình hòa nhạc Jazz & Friends kỷ niệm 5 năm thành lập Khoa Jazz của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã diễn ra. Vé chương trình được phát miễn phí tới công chúng. Theo TS Nguyễn Tiến Mạnh, Phó trưởng khoa Jazz - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, những người tổ chức mong muốn có nhiều người biết đến và yêu thích dòng nhạc vốn được cho là kén khán giả này. Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam gần như là cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp duy nhất có riêng khoa đào tạo nhạc jazz tại Việt Nam.
Theo TS Mạnh, nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc này không chỉ cần có những kiến thức âm nhạc, mà còn luôn phải rất sáng tạo để tạo nên sự ngẫu hứng khi trình diễn. “Đương nhiên, chơi nhạc jazz hay không dễ”, nghệ sĩ Tuấn Nam nhìn nhận. Anh cho rằng có thể dòng nhạc này khó nên kén người học, nghệ sĩ chơi nhạc jazz ở Việt Nam vì thế không có nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có những nghệ sĩ chơi tốt. Nói về thu nhập của nghệ sĩ chơi nhạc jazz, nghệ sĩ Tuấn Nam cho hay: “Sân khấu cho nhạc pop nhiều hơn, bởi vậy thu nhập của nghệ sĩ chơi dòng nhạc này đều đặn hơn so với một nghệ sĩ chơi nhạc jazz. Nhưng không phải vì thế mà cát sê nghệ sĩ nhạc jazz thấp. Có một số nghệ sĩ giỏi, cát sê của họ ở mức hàng nghìn đô la”.
Nghệ sĩ Tuấn Nam cho rằng điều thiếu với nhạc jazz tại Việt Nam hiện tại là những sân chơi, liên hoan, sân khấu… “Nhạc jazz có thể không xa lạ với công chúng Việt, nhưng những người yêu nhạc jazz lại thiếu sân chơi, thiếu những chương trình, concert hay. Chúng ta chưa có nhiều hoạt động, vì thế có rất ít sản phẩm”, nghệ sĩ bày tỏ. Sau 10 năm, Tuấn Nam quyết định trở lại với jazz. “Tôi luôn mong có thể góp phần mở lối để dòng nhạc jazz phát triển, góp sức mình tạo nên “hệ sinh thái” cho nhạc jazz”, anh nói.
Sau concert tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), nghệ sĩ Tuấn Nam đang chuẩn bị cho chuỗi những hoạt động biểu diễn nhạc jazz tiếp theo. Nghệ sĩ nhìn nhận: “Những cuộc chơi, liên hoan, chương trình biểu diễn jazz nếu được diễn ra thường xuyên, tự khắc jazz sẽ được phổ cập, đi vào đời sống thưởng thức của mọi người. Tất nhiên là có khó khăn, nhưng nếu chúng ta không chịu “xây” thì cũng sẽ chẳng có cái “nhà” nào được dựng nên”.
Bình luận (0)