Để công viên địa chất Đồng Văn thành khu du lịch quốc gia

30/01/2018 07:21 GMT+7

Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn vừa được quy hoạch để phát triển thành khu du lịch quốc gia. Mặc dù vậy, việc hiện thực hóa quy hoạch này cũng còn cần chú ý nhiều điểm.

Sức ép 1 triệu khách
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 2057/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, tới năm 2030 đón 1,1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 380.000 lượt, thu về khoảng 5.000 tỉ đồng. Đạt ít nhất 1 triệu khách cũng là tiêu chí để trở thành khu du lịch quốc gia, theo luật Du lịch. Một số sản phẩm du lịch đặc thù được đề xuất bao gồm: Một ngày của Pao, Chợ tình Khâu Vai, Một ngày với vua Mèo tại khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương, một ngày làm nương rẫy với người Mông ở Mèo Vạc, phố đi bộ và phố cổ ở Đồng Văn, du lịch khinh khí cầu.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều điểm cần chú ý khi hiện thực hóa quy hoạch này. Một trong những điều đó là sự đa dạng của văn hóa tộc người ở đây. “Mặc dù Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông nhưng ở đây có tới 17 dân tộc sinh sống. Vì thế, không nên coi văn hóa dân tộc Mông là nền tảng mà có thể bỏ qua văn hóa các dân tộc khác”, PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản (Bộ TN-MT), cho biết. Trước đó, bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, đã có những ngôi nhà kiểu mới mọc lên “át” đi những ngôi nhà tại đây, phá hỏng không gian truyền thống đặc trưng của người Lô Lô. Một dự án du lịch Nhật Bản đã hỗ trợ người dân để họ bảo đảm giữ các đặc trưng văn hóa Lô Lô này.
Theo ông Văn, cần có những cách để giới thiệu đa dạng văn hóa tộc người ở đây với khách du lịch. Chẳng hạn, đồng bào các dân tộc ở đây có truyền thống thích nghi với việc thiếu nước. Ở vùng nổi tiếng khan hiếm nước, họ cũng có những cách khác nhau để canh tác, chăn nuôi những giống loài vật nuôi, cây trồng chịu được việc thiếu nước. “Đây có thể cũng là một nội dung để khai thác, trải nghiệm du lịch”, ông Văn nói. Đây là điều chưa có trong quy hoạch du lịch.
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Bộ VH-TT-DL), lại chú ý việc cần nêu những nguyên tắc rõ ràng về phân bổ khách ở các địa điểm khác nhau trên công viên địa chất này - vốn nằm trên địa giới hành chính của 4 huyện khác nhau của tỉnh Hà Giang (Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn). Để trở thành khu du lịch quốc gia, một trong những tiêu chí là công viên phải đón ít nhất được 1 triệu người/năm. “Tôi nghĩ về nguyên tắc cần phân bổ 1 triệu khách đó dựa trên sức chứa về mặt sinh thái và văn hóa như thế nào. Khu đó là một diện tích quá rộng, nhưng rõ ràng lượng khách cũng sẽ chỉ tập trung về một số điểm”, ông Lương nói.
Lưu ý với hãng lữ hành và khai thác địa chất
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Công ty du lịch Hanoi Red Tours, cho rằng cảnh quan đá là điều đặc sắc của cả 4 huyện. Vì thế, nó sẽ thu hút khách du lịch nghiên cứu văn hóa hơn là tham quan đơn thuần. Cũng có nghĩa là sẽ hút du khách nước ngoài. “Hướng dẫn du lịch ở đó cũng đặc biệt. Lên cao nguyên đá rất ít điểm dừng cụ thể dù cũng có dinh nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, sau này có thêm nhà Pao, phố cổ Đồng Văn... Toàn bộ cung đường chúng ta đi đã là tham quan rồi, bắt đầu vào cao nguyên đá đã bắt đầu tham quan rồi. Khách vừa đi vừa ngắm bức tranh hùng vĩ núi rừng và đá, xen những mái nhà liêu xiêu trên núi”, ông Hoan nói.
Vì thế, theo ông Hoan, muốn phát triển công viên địa chất cần chú ý đến những quy định với hãng lữ hành. Chẳng hạn, với tour của Hanoi Red Tours nơi ông quản lý, công ty không bao giờ để khách đi xe đông. “Mỗi người đều được ngồi cạnh cửa sổ và thuyết minh trên đường đi. Ai lên xe ngủ chờ đến điểm dừng xuống xem thì sẽ không thấy gì cả”, ông Hoan nói.
Cả ông Hoan và ông Văn đều cho rằng không nên quá thụ động chờ vào sức hút từ hoa tam giác mạch. Theo hai ông, đây là loại hoa nhiều nơi có thể trồng được, hơn nữa lại theo mùa. Chính vì thế, cần chú ý đến những giá trị khác của công viên, đặc biệt là giá trị địa chất và văn hóa.
Hiện tại, Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu cũng đang phân quyền để các huyện tiếp nhận các di sản địa chất. Chẳng hạn, mới đây H.Đồng Văn chính thức tiếp nhận quản lý di sản cấp quốc tế “ranh giới địa tầng” và di sản địa chất cấp quốc gia “đá vôi đỏ”. Trong đó, di sản “ranh giới địa tầng” là điểm di sản địa chất cấp quốc tế đánh dấu sự mở đầu của một trong năm sự kiện hủy diệt hàng loạt thế giới sinh vật, một đột biến lớn trong sự phát triển của sinh giới. Bà con dân tộc thiểu số cũng sẽ cùng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên để bảo tồn giữ gìn công viên này.
PGS-TS Trần Tân Văn cho rằng, cần chú ý các dự án có thể can thiệp vào thiên nhiên. Chẳng hạn, theo ông Văn, việc khai thác một số hang động như Lùng Khúy (H.Quản Bạ), hang Mây Tả Lủng hay hang Lũng Lù (H.Đồng Văn) cho thấy người sử dụng không hiểu được sự mong manh của chúng, ảnh hưởng không tốt đến hệ thống hang động cũng như hệ sinh thái trong hang động.
Công viên địa chất là khu tự nhiên, độc đáo, có ranh giới rõ ràng, trong đó chứa đựng tập hợp các di sản địa chất có giá trị nghiên cứu khoa học, phân bổ trong một phạm vi nhất định, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đồng thời chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội, để phát triển kinh tế địa phương thông qua phát triển du lịch và dịch vụ.
Một công viên địa chất có đủ các điều kiện trên sẽ được Hội đồng tư vấn Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu thuộc UNESCO công nhận là thành viên chính thức của mạng lưới. Tính đến 2017, toàn thế giới có 127 công viên địa chất được UNESCO công nhận nằm tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.