Đề xuất xây vườn chữ Quốc ngữ ở Hội An

10/04/2019 06:32 GMT+7

GS Nguyễn Đăng Hưng cho biết sẽ tìm cách kêu gọi cộng đồng để xây khu vườn tôn vinh chữ Quốc ngữ ở Hội An. Điều này giống như người Pháp đã xây vườn Luxembourg để tôn vinh tiếng Pháp.

Sáng tạo chữ Quốc ngữ không chỉ công của một người

GS Nguyễn Đăng Hưng (ĐH Liège, Bỉ) và những người bạn đã cùng hát ca khúc Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy bên mộ của Alexandre de Rhodes - người được cho là đã hình thành chữ Quốc ngữ cho VN. Bài hát có câu “Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui” và “Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi”. “Ca khúc ca ngợi tình yêu tiếng Việt và tình yêu đất Việt”, GS Nguyễn Đăng Hưng nói trong buổi tọa đàm về việc tri ân người sáng tạo chữ Quốc ngữ tại Hà Nội chiều 9.4. Ông Hưng cũng cho biết, ông và bạn bè đã đặt bia tri ân, trên đó ghi khắc công lao với tiếng Việt lên mộ Alexandre de Rhodes trên đất nước Iran. Tấm bia được lấy từ Quảng Nam, nơi lần đầu tiên Alexandre de Rhodes học tiếng Việt.
Tôi nghĩ việc đầu tiên là tri ân người tạo ra chữ Quốc ngữ. Không chỉ mình ông Alexandre de Rhodes, mà là các giáo sĩ Bồ Đào Nha nữa. Người đầu tiên dùng chữ Quốc ngữ là Francisco de Pina, ông là người đầu tiên giảng tiếng Việt
GS Nguyễn Đăng Hưng
Sau khi chứng kiến sự ồn ào đòi cải cách tiếng Việt của GS Bùi Hiền, GS Hưng đã tìm hiểu tiếng Việt nhiều hơn, từ đó muốn tôn vinh những người đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ.
“Tôi nghĩ việc đầu tiên là tri ân người tạo ra chữ Quốc ngữ. Không chỉ mình ông Alexandre de Rhodes, mà là các giáo sĩ Bồ Đào Nha nữa. Người đầu tiên dùng chữ Quốc ngữ là Francisco de Pina, ông là người đầu tiên giảng tiếng Việt. Ông cũng là người không may bị bão đánh chìm thuyền trong một chuyến đi lấy hồ sơ ngoài khơi Hội An. Ba người Việt cùng chuyến đi còn sống sót, còn ngài đã chết đuối do mặc áo thụng. Tuy được chôn cất ở Hội An, nhưng sau 300 năm do nhiều biến động chúng ta chưa tìm thấy mộ. Tôi muốn vinh danh ở đây không chỉ 1 người mà cả nhiều người trong đó có những con chiên VN. Vì nếu không có con chiên góp sức với cố đạo thì khó mà lan tỏa chữ Quốc ngữ được”, ông Hưng nói.
GS Hưng cũng nhắc tới việc cách đây 100 năm vua Khải Định đã ra chiếu bỏ việc dùng chữ Hán, dùng chữ Quốc ngữ trong các văn bản ở VN. Chính vì thế, ông dự kiến tổ chức một hội thảo ở Đà Nẵng vào ngày 28.12.2019. Đây cũng chính là ngày vua Khải Định đã ra chiếu trên. “Sẽ có cả các nhà nghiên cứu quốc tế tới dự. Đó là GS từ Paris và từ Viện Sử học Lisbon, Bồ Đào Nha. Tổng thống Bồ Đào Nha vốn xuất thân từ nhà nghiên cứu sử học nên họ rất quan tâm đến việc này”, ông nói.

Vườn chữ Quốc ngữ

GS Hưng cũng chia sẻ về mong muốn xây dựng một không gian vinh danh chữ Quốc ngữ với tượng Alexandre de Rhodes. “Điều không ai tranh cãi nơi sinh chữ Quốc ngữ là Thanh Chiêm, Quảng Nam. Chỗ họ đã viết chữ Quốc ngữ. Khi bàn với bạn bè, họ nói Thanh Chiêm giờ hoang phế lắm, vậy làm ở Hội An đi”, ông nói. Hội An, theo ông, là chỗ đông khách du lịch. Đặt vườn tưởng niệm ở đó, khách sẽ đặt câu hỏi vì sao lại kỷ niệm như thế rồi đến tìm hiểu lịch sử. GS Hưng cũng đã tính trước sẽ đặt thư viện ở đó. Thư viện gồm nhiều tư liệu, sách vở cổ, tờ báo cũ còn lưu ở cục lưu trữ tại Aix en Provence, Pháp cũng như từ khắp nơi trên thế giới. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu, các sinh viên làm luận văn có thể đọc tham khảo.
Theo hình dung của GS Hưng, khu tưởng niệm sẽ giống như vườn Luxembourg tại Paris. “Vườn Lumxembourg ở Paris là không gian vinh danh tiếng Pháp. Tại đó tạc tượng nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của đất nước này, những người đã cống hiến để tiếng Pháp thành tinh túy của nhân loại ngày nay. Họ có hoa, cây. Nam nữ đến đọc thơ, vinh danh người làm nên giá trị ngôn ngữ Pháp. Tại sao ta không làm vậy. Tiếng Việt được như ngày nay là nhờ Nguyễn Du, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến..., những người đã làm tiếng Việt thâm thúy cao sang. Ở đây, chúng ta làm tượng để mình vinh danh họ, để hãnh diện mình có ngôn ngữ phong phú, để có những buổi ca tụng hát bội, hát chèo”, ông nói. Hiện đã có một doanh nhân tặng 5.000 m2 ở Hội An để ông có thể thực hiện ý tưởng này.
Trong khi đó, TS ngôn ngữ học Đào Tiến Thi cho rằng việc tôn vinh chữ Quốc ngữ còn là câu chuyện khoa học. Vì thế, các thông tin đưa ra cần được chính xác. Chẳng hạn, ông cho rằng nếu nói nhờ chữ Quốc ngữ mà nước VN được hội nhập cách đây 300 năm thì không đúng. Thời kỳ mới ra đời, chữ chỉ nằm trong nhà thờ. Phải chờ tới nửa sau thế kỷ 19 mới xuất hiện nhà văn viết chữ Quốc ngữ và cũng chỉ ở Nam bộ. “Nhưng vì Nam bộ là mảnh đất thưa thớt, không có mấy vai trò về văn hóa với đất nước nên nó không thành công. Phải tới đầu thế kỷ 20 khi tầng lớp tiên phong, các chí sĩ cách mạng như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng muốn truyền bá kiến thức tư tưởng thì mới bùng lên phong trào cổ súy cho chữ Quốc ngữ”, ông Thi nói.
Cũng chính vì thế, ông Thi không đồng ý với việc lấy mốc kỷ niệm chữ Quốc ngữ là chỉ dụ của vua Khải Định về việc không dùng chữ Hán để dạy học nữa. “Chỉ dụ có thật nhưng ít ý nghĩa. Chính quyền nhà Nguyễn chỉ có chủ quyền Trung kỳ mà không có ở Bắc kỳ, Nam kỳ. Chỉ dụ đó dân Bắc, Nam không biết. Điều này lại còn giảm tuổi chữ Quốc ngữ nữa”, ông nói. Theo TS Thi, có thể chọn các mốc khác để kỷ niệm. Chẳng hạn, mốc ra đời báo chữ Quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định báo 1865, hay lấy mốc trường dạy quốc ngữ đầu tiên Đông Kinh Nghĩa Thục…
Trong khi đó, NSND Trần Văn Thủy lại đau đáu với ý tưởng làm một bộ phim tôn vinh Alexandre de Rhodes. “Một người bạn Pháp nói với tôi, ông này công với người Việt rất to. Làm phim về Alexandre de Rhodes là trách nhiệm của người VN. Một đất nước hàng ngàn phim tài liệu trong nam ngoài bắc mà sao không có phim về Alexandre de Rhodes. Tại sao tôi đặt vấn đề như thế? Nếu giờ tôi nói Đài NHK (Nhật) hay một số hãng phim nước ngoài họ sẽ bơm tiền để làm. Nhưng việc này nhà nước VN phải làm. Như là đại lễ, thì người cầm hương cắm nhang phải là người nhà nước này”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.