Di sản quy hoạch trung tâm hành chính đầu tiên ở Sài Gòn

21/10/2018 07:14 GMT+7

Thư viện Quốc gia Pháp hiện còn lưu trữ khá nhiều bản vẽ thiết kế đô thị và bản đồ minh họa quy hoạch Sài Gòn từ những năm 1860, 1880 và 1900.

Có thể thấy người Pháp đã phác thảo và hoàn chỉnh quy hoạch khu trung tâm hành chính cho chính quyền Nam kỳ và Sài Gòn ngay từ thời đó.
Kiểu Pháp nhưng kế thừa quy hoạch sẵn có
Khu này bao gồm các đường phố ngày nay là Nguyễn Đình Chiểu (bắc), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (tây), Lê Thánh Tôn (nam) và Nguyễn Bỉnh Khiêm (đông). Trong đó, đại lộ Gouvernement - Chính phủ (về sau, đổi là Norodom, nay là Lê Duẩn) và đường Impériale - Đế chế (về sau đổi là Nationale, nay là Hai Bà Trưng) là hai con đường trung tâm giao nhau thẳng góc, giống như kiểu thiết kế đô thị phổ biến ở Pháp vào thế kỷ 18. Thực tế khu này chính là khuôn viên và nền đất của thành Quy và thành Phụng của nhà Nguyễn, hay nói cách khác người Pháp đã kế thừa và tận dụng ngay quy hoạch của VN sẵn có.
Trong khu này, góc đông bắc, vì là điểm cao nhất và giáp giới với rạch Thị Nghè (thông ra sông Sài Gòn) được chủ yếu dành cho các cơ quan quân sự. Còn đối xứng với nó là góc tây nam được quy hoạch làm nơi đặt các cơ quan đầu não và các sở chuyên môn hành chính.
Khu phố hành chính
Các cơ quan ở góc tây nam, thể hiện trên bản đồ thành phố 1882 và tranh vẽ minh họa quy hoạch Sài Gòn 1990, được bố trí kế cận nhau, bao gồm lần lượt theo chiều kim đồng hồ:
Dinh Soái phủ Nam kỳ (Hôtel des Amiraux-Gouverneur) tồn tại từ 1861 - 1873, là khu vực nhà gỗ xây cất tạm thời. Đây là khu đất lớn nằm giữa đường Taberd (Nguyễn Du) và La Grandière (Lý Tự Trọng). Sau 1873, nền đất chuyển thành nơi xây dựng Trường Taberd (nay là Trường Trần Đại Nghĩa).
Sở Học chánh Nam kỳ, xây dựng khoảng 1880, bao gồm nhiều tòa nhà. Sau 1955 là trụ sở Bộ Giáo dục, hiện tại nền đất xây dựng Vincom Center và tòa nhà mới của Sở Giáo dục - Đào tạo.
Sở Nội vụ Nam kỳ (Dinh Thượng Thơ, tòa nhà thứ nhất xây xong 1865 và tòa nhà thứ hai - 1875, nay là tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng).
Sở Công chánh Nam kỳ, xây dựng khoảng 1880. Sau 1955 là trụ sở Bộ Quốc phòng, nay là trụ sở Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, số 63 Lý Tự Trọng).
Dinh Thống đốc Nam kỳ (xây xong năm 1890, lúc đầu là Bảo tàng Nông nghiệp, nay là Bảo tàng TP.HCM). Pháp đình (xây xong 1885, nay là Tòa án nhân dân TP.HCM). Khám lớn (xây xong năm 1890, nay là Thư viện Khoa học tổng hợp). Sở Hiến binh Nam kỳ, xây dựng khoảng 1880, sau 1955 là trụ sở quân cảnh chế độ cũ, nay là doanh trại quân đội, mặt tiền cho thuê làm nhiều cửa hàng, nhà hàng ở 38 Lý Tự Trọng. Thư viện và Lưu trữ Nam kỳ, xây dựng khoảng 1900. Sau 1955 là Viện Khảo cổ, hiện tại là Thư viện KHXH thuộc Viện KHXH Nam bộ, số 34 Lý Tự Trọng.
Sở Địa chính Nam kỳ, xây dựng khoảng 1880 (góc Đồng Khởi - Lý Tự Trọng), nay là một bộ phận của Sở Tài nguyên - Môi trường.
Kho Bạc, Sở Tài chính và Sở Thu thuế, xây dựng khoảng 1880 (nay là hai dãy nhà đối diện nhau trên đường Đồng Khởi hiện là cao ốc Metropolitan và Bảo Việt - bên kia là Sở Văn hóa - Thể thao. Sau 1890, khu vực Sở Văn hóa - Thể thao hiện nay lần lượt biến đổi trở thành Sở Mật thám Nam kỳ, còn gọi là bót Catinat.
Dinh Chính phủ (xây xong năm 1873, lúc đầu là soái phủ và rồi Dinh Thống đốc Nam kỳ, sau 1887 trở thành Dinh Toàn quyền Đông Dương, còn gọi là Dinh Norodom). Sau năm 1955 là Dinh Độc Lập, nay là Dinh Thống Nhất.
Sở Bưu chánh (xây xong 1891, Bưu điện Trung tâm ngày nay).
Đặc biệt, tranh minh họa quy hoạch 1880 cho thấy có một vườn cây phía sau Dinh Thượng Thơ, đó chính là đất để dành làm Tòa thị chính thành phố (chính quyền thành phố ra đời năm 1887 nhưng trụ sở đóng tạm trong tòa nhà Wantai, về sau là tòa nhà quan thuế, nay là tòa nhà hải quan). Sau này, Dinh Xã Tây được khởi công xây dựng từ 1898 nhưng vì thiếu kinh phí mãi đến 1909 mới hoàn thành. Tuy nhiên, qua tranh minh họa quy hoạch Sài Gòn 1900, tòa nhà Dinh Xã Tây đã được thể hiện. Đặc biệt, bức tranh cho thấy giữa Dinh Xã Tây và hai tòa nhà Dinh Thượng Thơ không có hàng rào ngăn cách. Trong thực tế, từ 1864 - 1888, Dinh Thượng Thơ đóng vai trò kiêm quản Tòa thị chính của Sài Gòn.
Như vậy, chỉ trong bán kính khoảng 1 km, tất cả các công thự quan trọng của chính quyền Nam kỳ đều tề tựu bên nhau, có thể đi bộ qua lại dễ dàng. Đây chính là Khu phố Hành chính (Civic District) đầu tiên do người Pháp xây dựng ở VN trên nền thành Gia Định trước đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.