Độc đáo nhà 8 mái
Ngôi nhà của Bạch Công tử được xây dựng vào năm 1925 - 1926 với tổng diện tích 322 m2 trên một khu đất rộng hơn 4.000 m2, xung quanh có vườn cây ăn trái. Toàn bộ hệ thống kèo đều làm bằng gỗ quý, đặc biệt nhà có tới 8 mái lợp bằng ngói vảy cá. Tường dày 20 cm, bó nền bằng gạch thẻ, ốp đá da quy, nền lót gạch bông. Trên vòm cửa chính và các vòm cửa bên trái, bên phải đều được chạm nổi, chạm lọng các đề tài rồng, phượng, chim, thú và hoa lá tinh xảo.
Đặc biệt, trên vách tường ở gian tiền sảnh lộ ra 4 bức tranh tường, mỗi bức có kích thước 2,4 m2 hiện đã lu mờ, mất hết chi tiết, màu sắc, vì bị cạo sửa, sơn phết chồng lên sau những lần sửa nhà. Theo ông Ngô Minh Quân, Trưởng phòng VH-TT TP.Mỹ Tho, ở các bức tường của hậu sảnh đều có tranh, trong đó có một bức rất đẹp nhưng đều chịu chung số phận bị vùi lấp như vậy.
Trải qua gần 100 năm tồn tại, ngôi nhà của Bạch Công tử được đánh giá là công trình kiến trúc nghệ thuật mang phong cách châu Âu và cũng là một trong những ngôi nhà cổ độc đáo tại TP.Mỹ Tho. Tiếc là cho đến nay các vật dụng nội thất của ngôi nhà không còn gì. Báo cáo của ban quản lý di tích cho thấy khi được bàn giao thì các vật dụng trong nhà chỉ còn lại... 8 bộ cửa phòng, 14 bộ cửa sổ và 4 bộ cửa chính cùng 5 bức phù điêu chạm khắc hình chim muông, cỏ cây, hoa lá được gắn trên các vòm cửa. Ba bức ảnh của Bạch Công tử và nghệ sĩ Phùng Há treo trên tường mới đây được chép từ trên mạng xuống.
Bộ trường kỷ để ở khu nhà làm việc của Tỉnh ủy Tiền Giang
|
Tìm cách “xin lại” vật dụng ngôi nhà
Sau năm 1975, ngôi nhà của Bạch Công tử được sử dụng làm trụ sở UBND P.3, đến năm 1990 Phòng VH-TT TP.Mỹ Tho tiếp nhận và tiếp tục sử dụng làm trụ sở. Gần đây, trong khuôn viên ngôi nhà còn được xây thêm một hội trường hoành tráng ở phía sau, cùng với dải nhà 2 tầng dùng làm trụ sở Trung tâm văn hóa Mỹ Tho và Phòng VH-TT TP.Mỹ Tho ở bên cạnh.
Theo ông Ngô Minh Quân, năm 1990, khi Phòng VH-TT tiếp nhận ngôi nhà còn duy nhất một bộ ván gỗ. Hiện bộ ván này đang để tại Nhà văn hóa Mỹ Tho. Khi chúng tôi đến Nhà văn hóa Mỹ Tho, người bảo vệ tên Hải cho biết “bộ ván đó đã được tháo ra, bỏ vào kho và để các vật dụng khác chồng lên, không thể xem được”. Ông Quân còn cho biết tại trụ sở Văn phòng Thành ủy và UBND TP.Mỹ Tho hiện còn một số bàn ghế, trường kỷ, tủ thờ xưa cẩn ốc xà cừ... “tương đối phù hợp” với ngôi nhà Bạch Công tử, nhiều lần ông định xin về để trưng bày, nhưng chưa dám.
Theo ông Lê Văn Vũ, Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang, tại khu nhà làm việc của Tỉnh ủy Tiền Giang còn một bộ trường kỷ có nguồn gốc từ ngôi nhà của Bạch Công tử. “Trước đây, anh Nguyễn Quốc Thép, nguyên Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang thời kỳ sau năm 1975 cho biết khi nhận bàn giao tài sản tại Văn phòng Tỉnh ủy, người bàn giao tài sản đã nói bộ trường kỷ đó có nguồn gốc từ nhà của Bạch Công tử. Ngoài ra, ông Dũng, nguyên Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang sau anh Thép, cũng xác nhận với tôi như vậy. Hồi tháng 10.2015, trước Đại hội Đảng bộ tỉnh, tôi vào đó nhiều tháng để làm phòng truyền thống thì thấy vẫn còn để dưới tầng trệt, gần cầu thang. Nó là bộ trường kỷ mười mấy món, bao gồm bàn dài, ghế dựa, ghế đôn... được cẩn đá cẩm thạch. Vì vậy, tôi đã đề nghị UBND TP.Mỹ Tho làm văn bản “xin lại” để trưng bày ở nhà Bạch Công tử nhưng các anh không dám xin”, ông Vũ cho biết.
Chiều 3.8, chúng tôi đã liên hệ với ông Phú, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang, xin được vào xem và hỏi thông tin về bộ trường kỷ. “Để tôi hỏi lại, bởi vì tôi không biết có hay không có bộ trường kỷ như vậy và cũng không thấy có bộ trường kỷ nào đề nguồn gốc từ nhà Bạch Công tử”, ông Phú nói. Tuy vậy mới đây chúng tôi đã có dịp được nhìn bộ trường kỷ này trong khu vực làm việc của tỉnh ủy.
Riêng rạp hát của Bạch Công tử, ông Quân cho biết trước đây Phòng VH-TT đã tham mưu cho UBND TP.Mỹ Tho có văn bản kiến nghị với Sở VH-TT-DL Tiền Giang “xin lại cho TP” để bảo tồn, nhưng không được. Sau đó thì nhà thầu cho máy xúc tới phá vỡ rạp hát để xây siêu thị.
Bạch Công tử Lê Công Phước (còn gọi là George Phước) sinh năm 1895 tại làng Điều Hòa, Q.Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, là một trong hai nhân vật “tay chơi” nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh, cùng thời với Hắc Công tử Trần Trinh Huy ở Bạc Liêu.
Vốn mê cải lương nên ngoài việc xây dựng ngôi nhà, năm 1926 Bạch Công tử kết hợp với ông Nguyễn Ngọc Cương lập gánh Phước Cương, được một thời gian thì Bạch Công tử tách ra và lập riêng gánh Huỳnh Kỳ. Đây là gánh cải lương có quy mô lớn, không thua gì gánh Thầy Năm Tú nổi danh lúc bấy giờ. Cùng thời gian này, Bạch Công tử còn cho xây rạp hát Huỳnh Kỳ liền kề với ngôi nhà của mình để làm nơi biểu diễn thường xuyên.
|
Bình luận (0)