Di tích quốc gia xây thêm tam quan gây tranh cãi

12/03/2018 06:31 GMT+7

Bộ VH-TT-DL đã có thỏa thuận đồng ý về việc xây tam quan ở di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (Bắc Giang). Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại không đồng tình với việc này.

Tam quan không có trong hồ sơ di tích
TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học, đã không thể không lên tiếng về việc chùa Bổ Đà (Bắc Giang) vừa xây xong một tam quan mới. “Trong lịch sử chùa VN có một số chùa không có tam quan. Đây là điểm rất riêng, độc đáo không chỉ về kiến trúc mà cả về tôn giáo - tín ngưỡng. Chùa Bổ Đà, chùa Thầy và chùa Tây Phương là 3 chùa như thế. Không ai nghĩ cần thêm tam quan vào đó làm gì cả”, ông Kiên nói.
Cũng theo ông Kiên: “Được coi là một chốn tổ, tổ tiên nhiều đời chắc chắn không "lơ đễnh" đến mức "quên" không dựng tam quan ở chùa Bổ Đà - Tứ Ân”. Việc không có tam quan, theo ông Kiên, cũng bình thường như việc có nhiều chùa không có sư (như chùa Thầy trước đây và khá nhiều chùa khác hiện nay). Việc xây thêm này, theo ông Kiên: “Là vô minh, không chấp nhận nổi! Khi chùa Tây Phương đã bị thêm cái tam quan kiểu tứ trụ tôi đã rất phản đối. Cứ kiểu này, rồi chùa Thầy cũng sẽ có tam quan?”.
Nhà nghiên cứu Bùi Hoài Mai, người nhiều năm đi lại chùa này, cho biết: “Chùa Bổ Đà có cái hay là nó nhỏ. Bổ Đà vừa là một chùa vừa là một công trình phòng thủ nữa với tường đất xây cao. Nếu muốn xây thêm gì đó thì phải tôn trọng việc giữ tỷ lệ. Xây một cái cổng quá to thì sẽ phá vỡ tỷ lệ đó. Theo tôi, việc xây thêm này rất đáng tiếc vì về mặt thấu thị, thẩm mỹ, nó làm tỷ lệ của chùa cũ bị lệch lạc”.
Mong muốn hay chứng cứ khoa học
Cũng theo ngành VH-TT-DL, việc đồng ý cho xây thêm tam quan dựa trên lịch sử được truyền lại. Theo đó, nhà chùa từ nhiều năm trước đã quy hoạch tam quan nhưng khi mua gỗ lạt vận chuyển về thì lại đắm bè nên việc xây không thành. Việc này đã xảy ra từ lâu, từ khi di tích chưa được xếp hạng. Tất nhiên, không hề có bản vẽ tam quan này từ ngày đó. Mặc dù vậy, thông tin có được lưu trong ghi chép của chùa và lời kể truyền miệng của các đời sư với nhau.
TS Hồng Kiên cho rằng: “Khi công nhận di tích không có tam quan, nay cứ xây thêm tùy tiện như thế thì còn gì là di tích nữa? Ta không cho đưa linh vật ngoại lai vào các di tích nhưng lại làm thêm, làm mới một công trình trước nay di tích không hề có? Việc này không thể được coi là trùng tu - tôn tạo, nhất là đây lại là một di tích quốc gia đặc biệt. Tôi không được biết cấp nào đã thỏa thuận, nhưng từng có hơn 20 năm làm trùng tu di tích, tôi chắc chắn đó không phải là ứng xử đúng. Tôi mong rằng Bộ VH-TT-DL sẽ tổ chức một tọa đàm khoa học để tránh việc tiếp tục xảy ra những xâm phạm di tích tương tự”.
Theo KTS Lê Thành Vinh - một chuyên gia bảo tồn, khi can thiệp vào di tích phải căn cứ vào kết quả nghiên cứu như di tích khi xếp hạng ra sao, trước đấy nó như thế nào, cái gì từng có. “Kể cả trường hợp có thành phần trước đây đã từng có thì giờ làm lại hay không cũng phải cân nhắc. Nếu qua một giai đoạn lịch sử nó đã bị chuyển hóa do quan niệm hay bối cảnh thì cũng cần cân nhắc có nên làm lại không. Nếu thành phần mất đi vô cùng quan trọng với di tích thì ta có thể làm lại. Cũng phải tính đến yếu tố phi vật thể. Chẳng hạn, có chùa không có tam quan là do quan niệm chứ không phải do người ta quên không làm”, ông Vinh nói.
Từ quan điểm đó, ông Vinh cho rằng, việc xây thêm tam quan ở Bổ Đà là không đủ cơ sở khoa học. “Họ có nói đến tâm nguyện nhà chùa. Nhưng có hai cái quan trọng nữa là những quy định pháp luật về bảo tồn di tích và cơ sở khoa học. Ý nguyện của dân và chùa là ý kiến tham khảo thôi. Còn thì việc thiết kế, xử lý di tích phải theo luật và cơ sở khoa học. Rõ ràng nếu chỉ đi theo hai ý kiến tham khảo thì không thể làm cơ sở được”, ông Vinh nói.
Hiện tại, theo thông tin từ Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL), quy hoạch chùa Bổ Đà đang trong giai đoạn được giao cho tỉnh Bắc Giang xây dựng để chờ Bộ VH-TT-DL xem xét, sau đó trình Chính phủ phê duyệt.
“Quy hoạch giờ này còn đang làm chưa xong. Ai cũng biết những vòng tường đất bao kín chùa Bổ Đà là một thành phần nguyên gốc rất độc đáo của di tích này. Làm tam quan mới, chắc chắn một phần của bức tường đó đã bị phá bỏ. Liệu rồi trong quy hoạch kia có buộc phải coi cái cổng mới này là một thành phần nguyên gốc của di tích gốc?”, ông Kiên đặt câu hỏi.
KTS Lê Thành Vinh và TS Nguyễn Hồng Kiên lo ngại việc “cấy” thêm tam quan vô lý ở nhiều nơi. Chẳng hạn, tam quan chùa Kim Liên được nhân bản ở nhiều chùa quanh hồ Tây. Tam quan chùa Láng được nhân bản lên tại đình Kim Liên và đền Voi Phục...
KTS Đoàn Đức Thành, nguyên ủy viên BCH Hội KTS VN, cho rằng tam quan chùa Tây Phương đã nhái lại tam quan chùa Láng. “Nếu nó là độc bản thì rất đẹp. Nhưng nếu cứ xây thêm tam quan như thế này thì lại thành ra không hay”, một nguyên ủy viên Hội đồng di sản quốc gia nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.