Những nhân vật không thể bỏ quên
Hội thảo “Xây dựng danh mục nhân vật truyền thông” cho Bộ địa chí quốc gia Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) tổ chức sáng 10.6. Tại hội thảo, những nhân vật trước đây luôn có dấu hỏi bên cạnh được đề cử như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh… Họ là những người có làm việc cho chính quyền thực dân, tuy nhiên, giờ đã được nhìn nhận cởi mở hơn. “Khi làm bộ địa chí này thì có các thuận lợi. Lựa chọn nhân vật báo chí bây giờ không còn quá khó khăn như trước nữa. Bảo tàng báo chí là nơi có những chiêm nghiệm quan trọng. Giới nghiên cứu nói về báo chí không còn e dè như mấy chục năm trước”, GS Đỗ Quang Hưng, người nhiều năm nghiên cứu lịch sử báo chí, cho biết.
GS Đỗ Quang Hưng cũng nói nhiều đến những nhân vật không nên bị bỏ quên khác trong lịch sử báo chí truyền thông Việt Nam. Ông Hưng cho rằng: “Nếu chọn nhân vật truyền thông, thì không chỉ người làm báo, lãnh đạo báo chí, mà còn cả hệ thống truyền thông, công nghệ truyền thông. Chúng ta có thể nói về tổ hợp báo chí trước 1945, những người tư sản làm truyền thông. Không có những người như cụ Nguyễn Doãn Vượng thì làm sao có báo Phong hóa”.
Ông Hưng cũng nhắc tới mảng báo của người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó bao gồm cả báo chí Cách mạng Việt Nam ở nước ngoài. Ông cũng nhắc tới những người nước ngoài làm báo ở Việt Nam. “Nói đến báo chí trước 1945 mà không nói tới ông Nguyễn Thế Truyền (người thuộc phong trào chống Pháp của trí thức Tây học, chống Pháp trên báo chí tiếng Pháp tại Paris - NV) thì tiếc lắm. Nếu không có người nước ngoài làm báo như Jean-Baptiste Lamarck thì làm sao có Tiếng chuông rè (La Cloche Fêlée) của cụ Nguyễn An Ninh được”, ông Hưng nói. Từ góc độ chọn nhân vật truyền thông, ông Hưng cũng cho rằng cần cân nhắc những người liên quan đến kỹ thuật, công nghệ truyền thông để đưa vào địa chí nữa.
Chỉ nêu mong muốn, song bà Nguyễn Thị Thái Thông, Bộ Ngoại giao, cũng nhắc đến những người “truyền thông hình ảnh Việt Nam” như nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao ông Nguyễn Cơ Thạch. Đó đều là những người phát ngôn rất nổi tiếng về đất nước trên trường quốc tế, nhất là trong thời kỳ kháng chiến.
|
Chọn tiêu chí để tìm nhân vật
PGS-TS Trần Viết Nghĩa, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng có thể căn cứ 4 tiêu chí để xác định nhân vật truyền thông tiêu biểu đưa vào địa chí quốc gia. “Thứ nhất, họ là trí thức lớn. Thứ hai, có ảnh hưởng chung tới sự phát triển của báo chí Việt Nam. Ví dụ Trương Vĩnh Ký đi tiên phong trong phát triển báo chí tiếng Việt; Hoàng Tích Chu mở đầu cho lối viết ngắn nhưng rõ ý của báo chí Việt Nam; Nguyễn Ái Quốc mở đầu cho báo chí cách mạng; Phan Khôi dấy lên những tranh luận trên báo chí; Phạm Quỳnh phát triển quốc văn, quốc ngữ. Thứ ba, có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam. Lương Khắc Ninh có ảnh hưởng tới sự phát triển tư duy kinh tế Việt Nam; Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh, Phạm Quỳnh… có ảnh hưởng tới sự phát triển văn hóa; Đào Trinh Nhất, Phan Khôi ảnh hưởng tới phát triển xã hội. Thứ tư, có ảnh hưởng đến phong trào giải phóng dân tộc. Những nhà báo đã sử dụng báo chí để chống Pháp như Nguyễn An Ninh, Nguyễn Ái Quốc…”, ông Nghĩa dẫn một loạt tên tuổi.
PGS-TS Nguyễn Văn Dững, Học viện Báo chí tuyên truyền, cũng đề xuất về bộ tiêu chí: “Thứ nhất là phải yêu nước. Tiêu chí yêu nước thì những người như Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh cũng yêu nước… Thứ hai, phải có đóng góp cho báo chí. Thứ ba, phải có tác phẩm, phải có công chúng, vì nhà báo nói chuyện với công chúng qua tác phẩm. Phan Khôi chẳng hạn, Phan Khôi là cây bút chính luận sắc sảo. Thời kỳ đó, ông là nhà báo duy nhất phê bình thể chế”.
TS Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng đề xuất 3 nhóm tiêu chí để lựa chọn gồm: Thứ nhất, các nhà báo sáng lập các tờ báo tiêu biểu, ghi dấu ấn trong lịch sử báo chí truyền thông. Chẳng hạn, Hồ Chí Minh sáng lập Báo Thanh Niên, mốc mở đầu cho báo chí cách mạng Việt Nam. Thứ hai, các nhà báo có tác phẩm báo chí tiêu biểu. Ví dụ, Trường Chinh với bút danh Sóng Hồng là tác giả của nhiều bài báo sắc bén như Cuộc biểu tình vừa qua đã dạy cho chúng ta những gì, Cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương. Thứ ba, các nhà báo, nhà truyền thông có uy tín nghề nghiệp. Ví dụ, Nguyễn Tường Tam với bút danh Nhất Linh; Vũ Đình Long với nhà in Tân Dân, đồng thời cũng là chủ nhiệm và quản lý tờ Tiểu thuyết thứ bảy.
PGS-TS Đặng Thị Thu Hương, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết trường và Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến từ hội thảo, sau đó lên danh mục các tiêu chí lựa chọn cũng như các danh sách nhân vật được lựa chọn. Những danh sách này sẽ còn tiếp tục được thảo luận thêm để có thể chốt lại trước khi triển khai viết trong Bộ địa chí quốc gia .
Bình luận (0)