Dịch thơ Việt ra tiếng nước ngoài

05/01/2010 23:45 GMT+7

Lâu nay, việc giới thiệu thơ Việt ra nước ngoài chủ yếu là tự phát, hoặc thông qua cá nhân, hoặc thông qua một số nhà xuất bản (NXB), một số liên hoan thơ quốc tế. Đây là lần đầu Hội Nhà văn VN có kế hoạch để giới thiệu văn học Việt (trong đó có thơ Việt) ra nước ngoài. Đó là điều đáng làm, tuy không dễ.

Trong bài này, tôi chỉ nói riêng về việc giới thiệu thơ Việt. Ai cũng biết, các NXB khắp thế giới chứ không riêng ở VN, đều không mặn mà trong chuyện in thơ. Nhưng, NXB nào cũng  giới thiệu những tập thơ, những tác giả thơ mà họ thấy cần, hoặc lọt vào “mắt xanh” của họ. Giới thiệu thơ như thế còn là hoạt động ngoại giao - văn hóa, vì để cung cấp tài liệu cho sinh viên bản địa tiếp xúc với nền thơ của những nước khác, qua những ngôn ngữ khác nhau.

Vì thế, nói như nhà thơ Hữu Thỉnh: “Giới thiệu văn học VN ra nước ngoài chính là một hoạt động ngoại giao - văn hóa”. Đã là hoạt động ngoại giao, thì cần phải có ngân sách. Khi đã có tiền, thì việc chọn những dịch giả xứng đáng để chuyển ngữ thơ Việt ra các ngôn ngữ khác là vô cùng quan trọng.

Theo dõi một số hoạt động dịch thơ Việt ra ngôn ngữ nước ngoài lâu nay, tôi thấy cách làm việc theo nhóm, tốt nhất là nhóm từ hai đến ba người, trong đó có ít nhất một người Việt, là nhà thơ am tường tiếng Việt và thơ Việt. Lại phải có ít nhất một nhà thơ nước ngoài am tường ngôn ngữ mà thơ Việt được dịch ra, khi đó việc dịch thuật sẽ thuận lợi, và khả năng có những bản dịch thành công sẽ cao hơn.

Cách phối hợp lâu nay giữa nhà thơ Nguyễn Đỗ (nhà thơ Việt đang sống ở Mỹ) và nhà thơ Mỹ Paul Hoover để giới thiệu thơ Việt từ cổ đại tới đương đại ra tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ, theo tôi là hoạt động khá thành công. Ở các NXB nước ngoài, nhất là các NXB lớn, chi nhánh của họ có ở nhiều nước phát triển, thông qua nhiều ngôn ngữ lớn trên thế giới. Vì thế, khi một tập thơ Việt được dịch ra tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ, nó đồng thời cũng sẽ xuất hiện tại nhiều nước ở châu u, Bắc Mỹ và Úc. Nếu bản dịch tiếng Anh ấy thành công, có chất lượng cao, nó sẽ được sử dụng ngang với bản gốc, và sẽ là bản nguồn cho những bản  dịch ra các ngôn ngữ khác.

Nhưng làm sao để có bản dịch ra tiếng Anh (chẳng hạn) có chất lượng cao, tới chuẩn “tín - đạt - nhã” là cả một vấn đề. Ở đây, “ngoại giao - văn hóa” của Hội Nhà văn phải vào cuộc, phải tài trợ các dịch giả trong quá trình chuyển ngữ, và hợp tác cùng các dịch giả tìm đầu ra cho bản dịch tại các NXB. Có một kênh rất quan trọng có thể liên kết được, đó là các trường đại học, nhất là các đại học ở Mỹ. Ở đó thực sự có nhu cầu về các tác phẩm dịch thơ Việt, và họ có đầu ra, chính là các sinh viên, là hệ thống thư viện của họ để tiêu thụ bản dịch thơ Việt.

Một khi Hội Nhà văn VN đã chủ động, thành tâm, và quan trọng hơn là có ngân sách để lo cho hoạt động ngoại giao - văn hóa này, thì chỉ cần tìm đúng địa chỉ cần tìm, khuyến khích những nhóm dịch giả tham gia dịch, và công tâm tìm được những tác phẩm thơ xứng đáng để dịch ra ngôn ngữ nước ngoài thì công việc sẽ trôi chảy hơn.

Bởi không phải thơ Việt nào cũng có thể dịch ra tiếng nước ngoài mà vẫn bảo đảm chất lượng gần như nguyên tác được. Chẳng hạn thơ Tố Hữu, rất hay với người Việt, nhưng lại khó hay khi dịch sang ngôn ngữ khác. Trong khi đó, thơ Nguyễn Trãi tuy cách chúng ta 600 năm nhưng đã được nhóm nhà thơ - dịch giả Nguyễn Đỗ - Paul Hoover chuyển ngữ ra tiếng Anh khá thành công.

Trong hoạt động cần nhiều kiên nhẫn và say mê này, thì sự khuyến khích từ Hội Nhà văn sẽ góp phần giúp các dịch giả đủ kiên trì để theo đuổi công việc. Bởi dịch thuật cũng rất cần những cảm hứng, và có thể coi những dịch giả cũng là đồng tác giả của những tác phẩm thơ Việt được dịch ra tiếng nước ngoài.

Nhiều người thường có vẻ quá bi quan hay lạc quan khi đề cập chuyện dịch thơ Việt ra tiếng nước ngoài. Tôi lại nghĩ đây là chuyện nên làm và có thể làm được. Còn chất lượng bản dịch thơ Việt tới đâu, thì hãy để người đọc các tác phẩm qua ngôn ngữ dịch ấy có ý kiến sau.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.