Khi PGS-TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL, nói chuyện với những người bán nước ở cổng chùa Bổ Đà, họ gần như không biết gì về bộ kinh quý đang được lưu giữ trong chùa này. “Nếu như chính những người ở ngay cộng đồng quanh đó không biết đến di sản thì làm sao di sản có thể phát huy giá trị được”, bà nói. Trong khi đó, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là di sản tư liệu thế giới ở châu Á - Thái Bình Dương.
Những mật chú cầu siêu
|
|
PGS-TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, cũng cho biết mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có những câu mật chú để cầu siêu. Đây là những mật chú cần có để người mất biết tìm đường về chốn cực lạc. Người dân cũng có nhu cầu về những câu mật chú như vậy. “Họ dùng mộc bản in ra và dẫn vong. Những người đội dải lụa, mà vẫn gọi là đội cầu để dẫn vong sẽ dán cái đó lên dải lụa, sau đó thì đốt. Tôn giáo lo cho con người từ lúc sinh ra đến lúc cuối đời, mất đi là như thế”, ông Tuấn nói. Hiện tại, người dân vẫn có nhu cầu về những câu mật chú đó, phải đến chùa xin.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, trên mộc bản ở chùa Bổ Đà còn có các hình khắc Đức Phật Tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán... Các họa tiết này mang lại giá trị thẩm mỹ cao, nét đẹp hài hòa giữa chữ và tranh, góp phần làm tăng thêm ý nghĩa Phật giáo và có tác động trực diện đến việc truyền thụ, tiếp nhận Phật giáo. Theo TS Nguyễn Sử (Viện Nghiên cứu tôn giáo), những hình khắc này khi in ra cũng rất đẹp và gần gũi với người dân.
GS-TS Vũ Đức Nghiệu (ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết trong mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có những nội dung khuyến thiện, giới hạn cái ác như bản khắc sách Kính tín lục được in phổ biến trong dân gian để làm phúc. Ở cuối sách là phụ lục 4 phương thuốc: Quyên tử đọa thai dị báo, Cứu cấp ngũ tuyệt lương phương, An thai thôi sinh phương, Bất xuất thiên hoa kinh nghiệm kỳ phương. 4 phương thuốc này được đưa vào phụ lục sách để truyền bá kinh nghiệm nhằm cứu người. Sách Kính tín lục không phải sách y học nhưng có một số nội dung về y học.
|
Để người dân tự chạm mẫu mộc bản
“Làm sao người ta có thể thấy mộc bản gần gũi khi hoàn toàn không đọc được những gì viết trên đó”, bà Lý nêu câu hỏi. Đúng là người dân đang thấy mình xa lạ với những câu chữ trên mộc bản do không hiểu điều gì viết trên đó. Tuy nhiên, theo bà Lý, nếu kể cho họ về quá khứ thì câu chuyện sẽ gần gũi hơn. Chẳng hạn, người dân sẽ rất muốn xem cả quá trình mộc bản đã được đục, được in, được vá khi rơi rụng chữ như thế nào. Từ đó, hoàn toàn có thể xây dựng khu tương tác, để người dân tự chạm mẫu mộc bản theo ý mình rồi mang về. Theo TS Nguyễn Sử, một số nội dung mộc bản hoàn toàn có thể in cho người dân, hoặc làm bản khắc giống hệt để họ tự in.
Việc trải nghiệm ngay trong chùa cũng có thể được xây dựng. Theo PGS-TS Lương Hồng Quang, chùa Bổ Đà lặng lẽ và kín tiếng, giống với một thiền viện hơn một chùa làng. Vì thế, đó là một trải nghiệm rất riêng trong hệ thống các chùa VN. Cũng theo ông Quang, bên cạnh các tour du lịch còn có thể hình thành các lớp tu tập cho tăng đồ trong và ngoài nước tới hai ngôi chùa này.
Bình luận (0)