Dở khóc dở cười vì MC

17/07/2017 06:30 GMT+7

Gần đây, do các chương trình truyền hình thực tế, giao lưu ngày càng tăng, những “thảm họa” gây ra bởi các MC cũng ngày càng nhiều.

Không phải đến khi một MC vừa bị khán giả dọa tẩy chay nếu xuất hiện trong chương trình truyền hình mới cho thấy những chuyện dở khóc dở cười với người dẫn chương trình. Gần đây, do các chương trình truyền hình thực tế, giao lưu ngày càng tăng, những “thảm họa” gây ra bởi các MC cũng ngày càng nhiều.
Mới đây, tại một lễ trao giải thưởng được truyền hình trực tiếp, khán giả đã phì cười, còn nam nghệ sĩ không khỏi ngượng ngùng khi MC bông đùa rằng nghệ sĩ này “không có bà xã đi theo” trong khi anh đã ly hôn và vẫn chưa tái hôn. Đó là chưa kể, MC này còn liên tục quên tên đề cử giải thưởng, giới thiệu nhầm hạng mục trao giải, có khi chen ngang vào lời phát biểu của khách mời, khiến lễ trao giải trở nên lủng củng, luộm thuộm.
“Xin một tràng pháo tay” chia sẻ mất mát của đồng bào!
Vừa qua, ca sĩ - diễn viên Rocker Nguyễn nhận không ít “gạch đá” từ khán giả bởi phần dẫn chương trình kém duyên của anh khi giao lưu cùng nữ ca sĩ Hàn Quốc Jessica Jung (cựu thành viên nhóm SNSD). Trong buổi giao lưu, Rocker Nguyễn liên tục “nhảy bổ” vào phần trả lời của khách mời, nhắc lại những scandal của nhóm SNSD và cứ “xáp” lại gần nữ ca sĩ này. Buổi giao lưu được livestream trên một fanpage, sau đó được chia sẻ trên các kênh khác và bị nhiều fan phản ứng dữ dội. Một khán giả nước ngoài thẳng thắn chỉ trích: “Tại sao anh ta thô lỗ như vậy, liên tục cắt ngang câu trả lời và dường như cố chạm vào cô ấy”… Một nam MC khác là người mẫu Hữu Vi khi dẫn chương trình họp báo The Face cũng bị chê bai khi gần như ngồi trên bàn trả lời phỏng vấn của báo giới; còn khi dẫn chính thức trong show truyền hình thực tế này thì bị cho là quá nhạt và thiếu kiến thức chuyên môn.
Trước đó, trong một chương trình truyền hình thực tế được phát sóng trực tiếp, cũng là thời điểm người dân miền Trung hứng chịu nhiều thiệt hại, tang thương do siêu bão gây ra, vậy mà một MC trẻ đã vô tư xin “một tràng pháo tay” của khán giả để chia sẻ mất mát với đồng bào miền Trung. Một MC trẻ khác khi giới thiệu khách mời là trưởng ban văn hóa văn nghệ một tờ báo đã đọc thành “Trưởng ban văn hóa Việt Nam”!
Ca sĩ Thảo My từng bị cho là “kém tinh tế” khi dẫn chương trình Vietnam Idol nhí 2016. Ảnh: B.H.D
Những hạt sạn trong dẫn chương trình đó hiện nay có thể dễ dàng bắt gặp ở rất nhiều chương trình, ở nhiều MC. “Theo tôi, một MC tốt cần hội tụ đủ các yếu tố: trí tuệ, duyên dáng, hoạt ngôn, khéo léo. Nhưng nếu soi chiếu vào các MC xuất hiện trong các chương trình truyền hình hiện nay, số MC đạt đủ các yếu tố kia rất ít”, TS mỹ học Nguyễn Thế Hùng nhìn nhận.
Cần tôn trọng khán giả
Những năm gần đây, các chương trình truyền hình thực tế, các cuộc thi hát, thi sắc đẹp, các cuộc giao lưu, biểu diễn nghệ thuật… nở rộ ở cả trên sóng truyền hình lẫn các sân khấu, tụ điểm, dẫn tới nhu cầu về MC cho các sự kiện này rất lớn. Ngoài các MC chuyên nghiệp, có tên tuổi “chạy sô” liên tục, các nhà sản xuất còn mời những nghệ sĩ, người mẫu trẻ nổi tiếng làm MC để đảm bảo tiến độ sản xuất, phát sóng và tăng sức hút cho chương trình. Trong số họ có người thành công, có người mờ nhạt, không để lại dấu ấn, và không ít người gây ra những tình huống “khó đỡ”.
Dưới góc độ sản xuất, anh Nguyễn Minh, Giám đốc Công ty truyền thông Bee, chia sẻ: “Việc những văn - nghệ sĩ nổi tiếng làm MC cũng có nhiều cái hay, góp nhiều sắc màu cho hoạt động giải trí. Thực tế có nghệ sĩ khi chuyển qua làm MC rất ổn và thú vị, như Quyền Linh, Đại Nghĩa hay Ngô Kiến Huy, có thể vì họ nhạy cảm, hiểu được nghệ sĩ và khán giả nên tương tác tốt. Do đó, nghệ sĩ nếu không tham lam, biết chọn đúng show phù hợp với mình sẽ ổn”.


Một MC tốt cần hội tụ đủ các yếu tố: trí tuệ, duyên dáng, hoạt ngôn, khéo léo. Nhưng nếu soi chiếu vào các MC xuất hiện trong các chương trình truyền hình hiện nay, số MC đạt đủ các yếu tố kia rất ít

TS mỹ học Nguyễn Thế Hùng

MC Kiều Hải Chuyên, giải nhất Người dẫn chương trình 2004, tỏ ra thông cảm với những MC “lấn sân”. “Tôi nghĩ sự cố có thể xảy ra với bất kỳ ai làm nghề nói. Ngay trong đội ngũ được cho là MC chuyên nghiệp cũng không ít người đã từng va vấp, nên đối với các MC trẻ hay nghệ sĩ lấn sân làm MC, chuyện xử lý kém duyên là khó tránh”, chị nói. Tuy vậy, chị cũng thẳng thắn chỉ ra những lý do dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười của các MC này: “Nhiều người trong số họ không có sự chuẩn bị - trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết của công việc này mà làm việc theo bản năng và sự tự tin của mình. Không chỉ vậy, nếu dẫn chương trình mà thiếu sự cảm thông và quan tâm đến cảm xúc của người đối diện, hoặc mong muốn thể hiện mình nhưng chưa đủ tinh tế thì rất dễ làm tổn thương nhân vật”.
TS mỹ học Nguyễn Thế Hùng khẳng định việc đầu tư đào tạo cho những người dẫn chương trình chuyên nghiệp chính là thể hiện sự tôn trọng khán giả của các nhà sản xuất và đài truyền hình, chứ không thể kéo dài mãi tình trạng “ăn xổi ở thì” như hiện nay. “Đài truyền hình cần phải thể hiện sự tôn trọng khán giả bằng cách tuyển chọn, liên tục đào tạo người dẫn chương trình, chứ không thể làm một cách dễ dãi, hay phó mặc cho các nhà sản xuất. Bản thân MC cũng cần hiểu rõ vai trò của mình để tự học hỏi và trau dồi”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.