Dời di sản 200 năm để xây dự án!

30/03/2018 07:19 GMT+7

Dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang gây nhiều bức xúc khi kiến nghị di dời các công trình văn hóa hàng trăm năm tuổi ra khỏi làng chài này để lấy mặt bằng xây dựng.

Đưa di tích làng ra “mặt phố” ?
Dù chưa được xếp hạng di tích nhưng 3 công trình mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh làng biển Nam Ô: dinh Cô hồn, lăng Ông và miếu Bà Liễu Hạnh đã có tuổi đời hàng trăm năm. Ông Trần Ngọc Vinh (69 tuổi), Trưởng ban tổ chức lễ hội lăng Ông, cho biết lăng được xây dựng từ năm 1823, thờ Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần (hay còn gọi là thần Nam Hải). Nhiều tài liệu ghi, vào năm Tự Đức thứ 4 (1850), lăng Ông được tôn tạo bề thế, đến năm Bảo Đại thứ 10 (1934), lăng được tôn tạo thêm lần nữa như hiện trạng ngày nay.
“Suốt gần 200 năm qua, cứ vào dịp rằm tháng 2 âm lịch, người dân địa phương mở lễ tế rất long trọng”, ông Vinh nói rồi chỉ tay sang dinh Cô hồn nằm bên phải lăng, tiếp lời: “Dinh này cũng rất quan trọng trong đời sống làng biển Nam Ô”. Dinh Cô hồn được lập nên dưới thời vua Tự Đức nhằm thờ cúng những nghĩa sĩ đồn Nam Ô và tấn biển Cu Đê trận vong trong buổi đầu kháng Pháp (1858 - 1860). Về sau, dinh được dân làng thờ thêm thập loại chúng sinh, cô hồn không nơi nương tựa... Miếu Bà Liễu Hạnh thì gắn với tục thờ mẫu của cư dân Đại Việt trên đường nam tiến.
Ông Vinh cho hay khi triển khai khu du lịch sinh thái Nam Ô, chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy giữ nguyên di tích dinh Cô hồn và lăng Ông. Người dân cũng đồng ý di dời miếu Bà Liễu Hạnh về bãi đất giữa để lập nên cụm di tích. “Cách đây 3 tháng, địa phương mời ngư dân họp và thông báo việc chủ đầu tư đề nghị di dời 3 công trình này về mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành. Chúng tôi đã phản đối việc này và muốn giữ nguyên trạng, đồng thời bảo vệ làng nghề nước mắm Nam Ô nổi tiếng cả nước. Chủ đầu tư có tiền nhưng không phải muốn làm gì thì làm... Chúng tôi nhất quyết không di dời”, ông Vinh nhấn mạnh.
Hiện di tích lăng Ông đang thờ phụng khoảng 40 bộ hài cốt cá ông
Xem xét lại quy hoạch
Cuối tháng 11.2017, sau khi nhận được công văn của Sở Xây dựng tham vấn ý kiến, Sở VH-TT Đà Nẵng đã có văn bản trả lời “không thống nhất” việc di dời cả 3 công trình cổ nói trên về mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành theo đề xuất của Công ty Trung Thủy. Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP, nêu lý do 3 công trình đánh dấu và gắn liền với quá trình nam tiến, mở đất, lập làng của các thế hệ trước. Nếu chuyển đến vị trí mới sẽ làm mất đi giá trị nguyên gốc của công trình.
Vì vậy, Sở VH-TT đề nghị Sở Xây dựng tham mưu UBND TP giữ lại vị trí hiện trạng các công trình, đồng thời chỉ đạo Công ty Trung Thủy lưu ý trong quá trình triển khai phải đảm bảo sự hài hòa trong tổng thể dự án để bảo tồn và phát huy giá trị các công trình này. Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu, cho biết: “Chúng tôi vừa có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy và UBND TP kiến nghị việc mở lối xuống biển. Đề nghị UBND TP quy hoạch tại 2 vị trí là di tích dinh Cô hồn và miếu Bà Liễu Hạnh hiện nay”. Theo ông Hưng, quy hoạch này đồng nghĩa với việc sẽ giữ nguyên hiện trạng các di tích, đồng thời tạo lối xuống biển để người dân có thể bảo vệ, tôn tạo các di tích này. Về việc di dời miếu Bà Liễu Hạnh về vị trí gần lăng Ông, ông Hưng cho rằng việc di dời là không cần thiết và tốn kém nên chính quyền địa phương xác định bảo vệ tại chỗ và sử dụng nguồn kinh phí thay cho di dời để trùng tu di tích này.
Trả lời Thanh Niên vào ngày 28.3, ông Võ Công Chánh, Quận ủy Liên Chiểu, nói đã có báo cáo tình hình các di tích tín ngưỡng làng Nam Ô gửi Thành ủy Đà Nẵng. Ông Chánh nhận định lịch sử mảnh đất Nam Ô có ý nghĩa rất lớn với hệ thống di tích lịch sử khá phong phú, vì thế việc phát triển du lịch sinh thái làng Nam Ô nên gắn liền với du lịch tâm linh. “Thường trực Quận ủy đề xuất giữ lại vị trí hiện trạng các di tích có ý nghĩa nói trên. Đề xuất của Thường trực Quận ủy Liên Chiểu đã được sự thống nhất giữa Tập đoàn Trung Thủy và UBND quận tại cuộc họp sáng 26.3 và chờ quyết định của UBND TP”, ông Chánh nói và đề nghị Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo quy hoạch lại dự án khu sinh thái Nam Ô chừa lối đi để người dân đến chăm sóc, giữ gìn các di tích và du khách đến tham quan.
Quy hoạch ban đầu không dành quỹ đất cho di tích
Năm 2010, khi dự án được giao cho Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy, UBND TP.Đà Nẵng đã 2 lần điều chỉnh quy hoạch dự án. Cụ thể, tháng 12.2010, dự án này được điều chỉnh từ 43 ha xuống còn hơn 36 ha. Riêng đất khu resort từ hơn 10 ha còn hơn 6,4 ha, đất biệt thự từ hơn 2,2 ha tăng lên 4 ha; đất ghềnh đá Nam Ô từ 4,6 ha điều chỉnh tăng lên 4,9 ha. Tháng 3.2014, UBND TP.Đà Nẵng tiếp tục điều chỉnh quy hoạch dự án, trong đó đất resort từ hơn 6,4 ha đã không còn, trong khi đó đất biệt thự lại tăng lên đến 6,3 ha. Quy hoạch ban đầu của dự án này không có quỹ đất lăng miếu, mộ tiền hiền Nam Ô. Sau 2 lần điều chỉnh quy hoạch, quỹ đất này mới được lưu ý với diện tích chỉ hơn 2.000 m2.
Miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa nơi mõm Hạc
Mõm Hạc thuộc làng Nam Ô ngày nay được người làng trân trọng gìn giữ, bởi nơi đây còn có miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa. Khu “rừng cấm” Nam Ô chính là nơi dừng chân, trú ngụ cuối cùng của công chúa trước khi về Đại Việt. Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu Đàm Quang Hưng đánh giá: “Đây là khu rừng được người dân Nam Ô tự giác bảo vệ nguyên vẹn từ nhiều đời nay. Việc tác động mạnh đến tự nhiên trong khu vực này sẽ có nguy cơ phản ứng tiêu cực từ cộng đồng”. Do vậy, ông Hưng đã có văn bản đề nghị UBND TP phê duyệt với mục đích tôn tạo phục vụ du lịch sinh thái, hạn chế tối đa việc chặt phá cây rừng nguyên sinh, làm thay đổi hiện trạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.