Ngày 7.1, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế và Hiệp hội Bảo tồn di sản văn hóa phi lợi nhuận, Fulda, CHLB Đức (GEKE) đã phối hợp tổ chức lễ bàn giao công trình bảo tồn và phục hồi cổng, bình phong và non bộ kết hợp với đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại Điện Phụng Tiên, Đại nội, Huế.
Dự án có tổng kinh phí 4,2 tỉ đồng, trong đó Bộ Ngoại giao CHLB Đức tài trợ hơn 3,4 tỉ đồng (hơn 135 ngàn Euro) cùng với nguồn vốn đối ứng của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Dự án gồm 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 bao gồm bảo tồn, phục hồi cổng, bình phong tại Điện Phụng Tiên kết hợp với đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho 7 học viên gồm thợ kép, họa sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư, thợ nề ngõa (vôi vữa) truyền thống được tuyển chọn từ các công ty tu bổ di tích tại Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô, các thợ địa phương.
Sau khi được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, các kỹ sư, kiến trúc sư, thợ nề ngõa, nghệ nhân của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiếp tục giai đoạn 2 của dự án bao gồm phục hồi, tôn tạo non bộ, bể cạn tại Điện Phụng Tiên. Công trình sắp đặt phong thủy có thiết kế đặc sắc này đã được phục hồi, tôn tạo hoàn chỉnh, đảm bảo tính nguyên gốc và sử dụng các phương pháp chống thấm an toàn.
Điện Phụng Tiên là một trong năm miếu, điện quan trọng của triều Nguyễn, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829), có diện tích khá rộng và quy mô. Điện Phụng Tiên là nơi nữ giới trong Hoàng gia được phép tham dự các cuộc lễ tế và chăm sóc hương khói, thờ tự tổ tiên triều Nguyễn hằng ngày.
Trải qua hơn 180 năm, Điện Phụng Tiên đã được tu bổ nhiều lần qua các thời kỳ lịch sử. Trong thời kỳ chiến tranh, vào tháng 2.1947, công trình này đã bị hủy hoại hoàn toàn, chỉ còn lại hệ thống tường thành, cổng chính, bình phong... nhưng trong tình trạng hư hại nhiều, làm mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có.
Với kỹ thuật bảo tồn chuẩn mực và khoa học, dự án đã đoạt giải ba tại Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên-Huế và giải ba tại Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2018.
Đặc biệt, kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi tươi mang lại những lợi ích lớn cho các hoạt động bảo tồn sau này. Một mục tiêu khác của dự án là xây dựng năng lực cho công tác bảo tồn bền vững các công trình di sản của Việt Nam. Vì vậy, các phương pháp bảo tồn và phục hồi, bao gồm cả các kỹ thuật mới, đã được giảng dạy cho các học viên.
Bình luận (0)