Dựng kịch kinh điển hướng đến khán giả trẻ

04/01/2019 08:46 GMT+7

Đoàn kịch tư nhân đầu tiên của phía bắc Lucteam của đạo diễn Trần Lực chuẩn bị ra mắt vở kịch kinh điển của dòng kịch phi lý Nữ ca sĩ hói đầu từ kịch bản của nhà viết kịch nổi tiếng thế giới người Pháp Eugène Ionesco.

Sau hai vở Quẫn (tác giả Lộng Chương) và Cơn ghen của Lọ Lem (tác giả Molière), đây là vở diễn thứ 3 của Lucteam. Đạo diễn Trần Lực chia sẻ, Lucteam không chỉ hướng đến đối tượng khán giả từ trung niên trở lên mà cả khán giả trẻ (18 tuổi). “Chúng tôi muốn ngôn ngữ kịch của Lucteam khác biệt so với kịch hiện thực của sân khấu VN nói chung hiện nay. Sân khấu VN trong thời điểm hiện tại quá cũ kỹ về ngôn ngữ, sự cũ kỹ khiến sân khấu đánh mất khán giả của mình”, anh nhìn nhận. Nữ ca sĩ hói đầu được dàn dựng theo ngôn ngữ sân khấu biểu hiện - ước lệ. Âm nhạc của vở kịch do nhạc sĩ Trọng Đài phụ trách, thiết kế do họa sĩ người Úc George Burchett đảm nhận. Trong phần cuối của vở, lời thoại của nhân vật được Việt hóa, với những vấn đề của VN, gần gũi với người trẻ.
Sau hơn 30 năm, một trong những kịch bản được xếp vào hàng kinh điển kịch VN là Tin ở hoa hồng của tác giả Lưu Quang Vũ được NSƯT Chí Trung dàn dựng lại trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ. Dự kiến, vở diễn ra mắt khán giả vào tháng 3.2019. “Từ những năm 1985, tác phẩm đã mang đến những thành công lớn với phần dàn dựng của đạo diễn - NSND Lê Hùng. Sau hơn 30 năm, chúng tôi có trách nhiệm truyền tải niềm tin đó - tin ở hoa hồng đến với mọi người”, NSƯT Chí Trung chia sẻ. Anh cho biết, vở diễn sẽ được làm với format mới để phù hợp với lứa tuổi từ 13 - 19. Thay cho phông sân khấu “truyền thống”, “tấm phông” của vở diễn Tin ở hoa hồng phiên bản mới là màn hình LED hiện đại. Những hiệu ứng hình ảnh được xử lý với kỹ thuật hiện đại sẽ được khai thác. Bên cạnh đó, những trang trí trên sân khấu chỉ như những đạo cụ để diễn viên biểu diễn chứ không trang trí theo lối thông thường. Đạo diễn - NSƯT Chí Trung cũng muốn tiếp cận khán giả trẻ qua phần âm nhạc với những sáng tác của Tiến Minh, nhạc sĩ có nhiều ca khúc được giới trẻ yêu thích.
Trên cương vị Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Chí Trung nhìn thẳng vào tình trạng nhiều hàng ghế khán giả đã trống. “Chúng tôi không thay đổi cho mình oai, cho mình quan trọng hơn. Câu nói “thay đổi hay là chết” đúng với Nhà hát Tuổi Trẻ cũng như sâu khấu VN nói chung. Cần phải đổi mới mình bằng những phương tiện, phương thức, bằng cách biểu hiện, bằng tâm huyết sức lực”, anh chia sẻ. Và một trong những nỗ lực thay đổi đó hướng đến việc tìm cho nhà hát những khán giả trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.