Dung nhan gây choáng váng của vua Quang Trung qua bức vẽ họa sĩ nhà Thanh

20/03/2020 13:09 GMT+7

Bức chân dung thể hiện gương mặt khá hom hem, tiều tụy của vua Quang Trung do họa sĩ nhà Thanh vẽ được in trong cuốn Đi tìm chân dung vua Quang Trung của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính có thể gây sốc cho độc giả.

Trong cuốn sách Đi tìm chân dung vua Quang Trung do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa phát hành, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính – cựu sinh viên Quốc gia hành chính Sài Gòn, Thạc sĩ Quản lý hệ thống Thông tin Mỹ - đã đưa ra nhiều kiến giải thú vị, qua các tư liệu trong và ngoài nước, về một huyền thoại kiệt xuất của dân tộc.

Hình vua Quang Trung trên giấy bạc 200 đồng tại miền Nam trước năm 1975

Ảnh: T.L

Ai đóng thế vua Quang Trung?
Về chuyện ai đã từng đóng thế vua Quang Trung trong phái đoàn Đại Việt viếng thăm Trung Hoa năm Canh Tuất 1790, tác giả cuốn sách mới xuất bản cho biết: "Tin đồn về việc triều đình Tây Sơn đánh tráo người cầm đầu sứ đoàn và người sang Trung Hoa không phải là vua Quang Trung được ghi lại trong nhiều văn bản, hầu hết dưới dạng ngoại sử được thực hiện trong thời Tây Sơn, tuy nhiên nhân thân các tác giả không mấy rõ rệt".
Trước đây, trong Tây Sơn thuật lược từng nói người đóng giả vua Quang Trung là đô đốc Nguyễn Hữu Chấn, Lê quý dật sử viết Tư Mã Chấn, Nghệ An Ký là Nguyễn Chấn, Lê Triều dã sử cho là Ngô Văn Tàng (Ngô Văn Sở). Chuyện giả vương này được ông Nguyễn Duy Chính lý giải: “Tựu trung, khi thấy ông Đô đốc Chấn (Đại tư mã Ngô Văn Sở) không có mặt ở Bắc Hà nên đã cho rằng ông chính là người đóng thay vua Quang Trung. Chúng ta cũng không loại trừ giả thuyết chính triều đình vua Quang Trung cũng dùng tin giả vương như một màn khói để ngăn ngừa vọng động từ thành phần còn luyến tiếc nhà Lê”.
Còn thêm một người cũng từng đóng thế vua Quang Trung là Phạm Công Trị, cháu gọi vua Quang Trung bằng cậu. “Chi tiết này được ghi trong Đại Nam thực lục chính biênLiệt truyện. Vì xuất phát từ sử triều đình nên các sử gia đều chấp nhận, không bàn cãi”, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính lý giải.

Tượng đài vua Quang Trung - Nguyễn Huệ

Ảnh: T.L

Hình vẽ vua Quang Trung trên Đông Thanh tạp chí (theo ghi chú của tập san Sử Địa số 9-10 phát hành tết Mậu Thân 1968) và được in lại trên nhiều ấn phẩm khác

Ảnh: T.L tác gải Nguyễn Duy Chính in trong sách

Phát hiện mới này của tác giả cuốn sách Đi tìm chân dung vua Quang Trung đã được TS sử học Trần Đức Anh Sơn rất đồng tình: “Việc cho rằng có người đóng thế vua Quang Trung sang Thanh đình dự lễ Bát tuần khánh thọ của vua Càn Long (1790) như nhiều sử liệu Việt Nam ghi nhận từ trước đến nay đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính dùng các sử liệu đầu tay của nhà Thanh, của sứ thần Triều Tiên, đối chiếu với các sử liệu của các học giả phương Tây từng hiện diện ở Bắc Kinh thời đó và các phân tích rất khách quan, xác thực về hoàn cảnh lịch sử và bối cảnh chính trị hai nước Việt - Thanh lúc đó..., để đưa ra những kiến giải mới rất thuyết phục. Đồng thời qua Đại Việt quốc thư của VN, hay văn thư liên lạc giữa vua Quang Trung với Nguyễn Thiếp, di cảo của ba văn thần Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn và Đoàn Nguyễn Tuấn cử theo vua, sứ thần Triều Tiên và tư liệu đời Thanh là Thanh Vũ ký, Việt Nam tập lược, Thanh sử cảo, kết hợp với tài liệu thời cận đại thì thấy phù hợp".

Đi tìm chân dung vua Quang Trung công bố những thông tin thú vị về vị vua áo vải cờ đào

Hình ảnh pho tượng đi hài chân trong, chân ngoài được cho là vua Quang Trung tại một ngôi chùa ở Hà nội đã bị phản bác

Ảnh: T.L

Chính sự nỗ lực sưu tầm tài liệu gốc, phân tích và đối chứng nhiều tài liệu từ các bên khác nhau và phân tích nội tình đất nước, quan hệ đối ngoại lúc đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính khẳng định đích thân vua Quang Trung đã sang Thanh đình vào năm 1790. Chuyến đi này là một sự kiện nổi bật, được tài liệu đầu tay của Thanh triều ghi nhận.
“Trên thực tế, phái đoàn của vua Quang Trung đã được vua Càn Long tiếp đón trọng thị. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử bang giao giữa Đại Việt và Trung Hoa thời phong kiến, là một thắng lợi rất vẻ vang về ngoại giao của vua Quang Trung mà các triều đại trước đó chưa có được. Chuyến đi này đã thúc đẩy một loạt các hoạt động tiếp theo giữa hai nước: mở cửa thông thương, thiết lập hòa bình, thúc đẩy cho việc hình thành một trật tự mới ở vùng Đông Á lúc bấy giờ”, TS Trần Đức Anh Sơn nhận định.
Thời gian qua, cũng có nhiều chính sử và ngoại sử đề cập đến dung mạo, hình dáng và y phục của Nguyễn Huệ nhưng khẳng định cụ thể thì chưa. Chỉ biết trong Đại Nam chính biên liệt truyện ghi chép: “Nguyễn Văn Huệ là em của Nhạc, tiếng vang như chuông, mắt sáng như ánh điện, mưu lược thiện chiến, người người đều kinh sợ”.
Về điêu khắc, Quang Trung được nhìn thấy qua hình ảnh pho tượng đi hài chân trong, chân ngoài tại một ngôi chùa ở Hà nội. Tuy nhiên, vào năm 1990 nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh nêu lên những bất ổn và kết luận đây chỉ là tượng Đế Thích được thờ phụ trong các chùa chiền mà thôi.
Còn tranh vẽ, mọi người quen thuộc với hình ảnh một võ tướng cưỡi ngựa, xuất hiện trên Đông Thanh tạp chí số 1 năm 1932 và in lại ở nhiều ấn phẩm khác.
Tuy nhiên sau khi nhà nghiên cứu Trần Quang Đức công bố bức tranh trong catalogue của công ty đấu giá Sotheby’s gây choáng váng về vua Quang Trung thì mọi việc đã thay đổi. Tác giả Nguyễn Duy Chính kể lại: “Ngày 16.3.2018, tiến sĩ Trần Huy Bích và tôi có đến Bảo tàng viện Paul Getty tại Mỹ mượn được cuốn catalogue này, theo danh bạ thì bức tranh được ghi giá ban đầu 400 – 600 bảng Anh), sau phiên đấu giá đã được mua 1.300 bảng Anh”.

Vua Quang Trung - một anh hùng kiệt xuất của dân tộc

Ảnh: T.L

Hình ảnh oai phong lẫm liệt của vua Quang Trung trong tranh vẽ

Ảnh: T.L

Hình vua Quang Trung theo bản vẽ của nhà Thanh (do tác giả Nguyễn Đình Chính chụp lại từ catalogue đấu giá của công ty Sotheby’s)

Tác giả Nguyễn Duy Chính thông tin thêm: “Căn cứ vào Thanh cung Nội vụ phủ Tạo biện xứ đáng án tổng hối (trang 30-34), ba bức hình vua Quang Trung được vẽ đều là nửa người (bán thân kiểm tượng), tên họa gia thực hiện là Mậu Bính Thái và một họa sĩ phụ tá là Y Lan Thái, rất nổi tiếng trong cung đời Thanh Cao Tông. Công việc thực hiện khoảng từ ngày 20 tháng tám năm Canh Tuất đến khoảng 13 tháng mười cùng năm. Ngày 20 tháng tám chính là ngày vua Quang Trung tâu với vua Thanh xin từ biệt về nước. Đúng như sử ta chép, dịch trạm đã đuổi theo trao cho phái đoàn nước ta khi gần đến Nam Quan”.
Đồng nghiệp của ông Nguyễn Duy Chính là nhà nghiên cứu nổi tiếng tại TP.HCM hiện nay - Lê Nguyễn nhận xét: “Từ lâu nay tại cả hai miền Nam - Bắc, hình tượng vua Quang Trung được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: tượng, tranh vẽ, tiền giấy… tất cả toát lên sự rắn rỏi, kiêu hùng của một dũng tướng. Vì thế, khi nhìn thấy bức chân dung được cho là của vua Quang Trung do họa sĩ nhà Thanh vẽ, cảm giác chung của công chúng đa phần đều hụt hẫng, giữa một bên là hình ảnh kiêu hùng được vẽ theo trí tưởng tượng của các họa sĩ để tưởng nhớ, tôn thờ một anh hùng dân tộc, một bên là chân dung được cho là của một họa sĩ nhà Thanh, vẽ theo thủ pháp hội họa của thế kỷ 18 tại Trung Hoa. Tôi cho rằng việc làm này sẽ góp phần làm sáng tỏ một vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung từ lâu nay”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.