Dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý và xét xử?

27/04/2020 06:33 GMT+7

Ngành tòa án vừa có văn bản về việc chọn mẫu tượng vua Lý Thái Tông để đặt trong khuôn viên như biểu tượng của công lý và xét xử. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc dựng tượng vua Lý Thái Tông ở tòa án chưa phù hợp.

5 lý do

Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) vừa có Văn bản 141 về việc lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. Văn bản có nêu ngày 5.2.2020, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử VN. Cũng trong Văn bản 141, bản thuyết minh tượng Lý Thái Tông (1028 - 1054) nêu 5 lý do TANDTC chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng này.
Thứ nhất, vua Lý Thái Tông đã ban hành luật Hình thư - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử VN, khai mở nền pháp luật thân dân VN.
Thứ hai, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng, rõ ràng góp phần đưa xã hội phát triển ổn định, công bằng và văn minh.
Thứ ba, trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị hoàng đế rất mực yêu thương dân.
Thứ tư, đúc chuông lớn đặt ngay trước cửa chính điện Thiên An để người dân trong nước nếu có oan ức thì đến đánh chuông, bày tỏ để được thấu xét.
Thứ năm, chăm lo rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương (cũng là Thái tử Lý Nhật Tôn - NV) trở thành vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi lên ngôi Hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông; để lại bài học thành công trong đào tạo người thi hành pháp luật, bảo vệ công lý cho thời đại.
Văn bản 141 cũng cho biết việc lấy ý kiến của các thẩm phán, cán bộ công chức trong hệ thống tòa án được thực hiện đến 28.4.

Dựng tượng ở Quốc hội hợp hơn ?

Th.S luật học Trần Anh Đức (ĐH Paris-Sud, Pháp) phân tích: “Sử chép rõ vì trước đó luật hình phiền nhiễu, khó hiểu khiến quan lại câu nệ lời văn, xét xử khắc nghiệt làm dân chúng oan uổng quá đáng. Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) chép. Vì thế, vua thương xót mà sai soạn luật “để xem dễ hiểu, dân lấy làm tiện”. Vậy trước hết, đây là công tác lập pháp đảm bảo tính minh bạch (thống nhất, rõ ràng, dễ tiếp cận) của pháp luật, không phải xét xử. Thành ra nếu dựng tượng thì dựng ở Quốc hội, không phải tòa”, ông Đức phân tích.

Những “ứng viên công lý” khác

Th.S luật học Trần Anh Đức đưa ra thêm những ứng viên khác là các vị quan chính trực hoặc xử kiện tài giỏi nổi tiếng trong lịch sử. Chẳng hạn, Hồng Thánh đại vương Phạm Cự Lạng, được thờ tại đền Lương Sử (gần Văn Miếu Hà Nội). “Lương sử có thể hiểu là ngự sử tốt, thời quân chủ ngự sử là người có chức trách xét xử. Điều thú vị là chính vua Lý Thái Tông đã ra lệnh dựng đền và phong tước cho Phạm Cự Lạng vào năm 1037. Như vậy, ông vốn đã chọn thần công lý cho đất nước mình từ nghìn năm trước.
Ông Đức cũng nêu chuyện Bùi Cầm Hổ xét vụ cháo lươn thời Lê Thái Tổ. Người chồng ăn cháo lươn chết, vợ bị khép ngoại tình giết chồng. Bùi Cầm Hổ ra chợ mua một mớ lươn, bắt vài con làm thịt trước mắt quan rồi nấu cho chó ăn. Chó chết ngay. Hóa ra đó là rắn độc. Người đàn bà trắng án. Bùi Cầm Hổ sau làm đến chức quan Ngự sử ở triều Lê Thái Tông, nổi tiếng ngay thẳng chính trực. Ngoài ra còn có Phạm Công Trứ (1600 - 1675), Tham tụng dưới thời chúa Trịnh Tạc cũng có tài xét kiện mà Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục từng ghi rõ việc ông đã xử kẻ chôn đá (để lấn mốc giới làng bên) làm mốc sai bằng cách đem phơi nắng…
 
Ông Đức cũng cho rằng việc nói vua trực tiếp xử nhiều vụ án nổi tiếng với “tấm lòng bao dung, nhân từ”, “rất mực thương dân” chưa rõ căn cứ. Ông Đức cho rằng Toàn thư chép triều đại kéo dài 26 năm 6 tháng chỉ chứng kiến Thái Tông đích thân xử đúng một lần vụ án tướng Nguyễn Khánh làm phản, xử tử bằng cách xẻo thịt chặt xương - hình phạt dễ hiểu nhưng tàn khốc. “Thế thì không nhiều vụ án, càng không thấy bao dung, nhân từ, rất mực thương dân”, ông Đức nêu. Ông Đức còn dẫn chứng việc rèn dạy Thái tử Lý Nhật Tôn (sau là vua Lý Thánh Tông) khi giao toàn bộ việc xử kiện tụng, thì việc này cũng có tranh cãi. Theo Toàn thư, sử thần Ngô Sĩ Liên đã phê bình đây không phải chức phận của người nối ngôi mà là của các quan tòa.
Chỉ có lý do ông Đức thấy ổn là việc vua sai đúc chuông lớn đặt ở sân chính hoàng cung cho dân đến đánh kêu oan. “Có mỗi lý do này là phù hợp với công lý tư pháp. Sau này nhà Nguyễn tiếp thu bằng cái trống đăng văn trước cửa Tam pháp ty ở Huế”, ông nêu.
Một PGS-TS lịch sử pháp luật của ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Đúng là việc soạn Hình thư là việc của lập pháp. Hơn nữa, việc làm chuông để dân đến đánh lại gần với việc của dân nguyện. Vì thế, nếu làm tượng Lý Thái Tông ở Quốc hội lại hợp hơn tòa án”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.