Đường đến sách hay

28/12/2019 07:15 GMT+7

Theo PGS-TS Phạm Xuân Thạch, có thể thấy nền dân trí tốt hơn khi nhìn vào số lượng và chất lượng sách gần đây.

Những cố gắng nhiều năm liên tục

PGS-TS Vương Xuân Tình, Viện Dân tộc học Việt Nam, đã viết lời cảm ơn đồng nghiệp sau khi bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam do ông chủ biên nhận giải B - giải thưởng Sách quốc gia 2019. Bộ sách 4 tập, dày gần 5.000 trang, có sự tham gia của 104 lượt tác giả nghiên cứu, biên soạn và 63 lượt tác giả ảnh. Sách cũng thuộc chương trình Tổng kết nghiên cứu về tộc người của Viện Dân tộc học giai đoạn 2012 - 2015.
Đường đến sách hay

Hai bộ sách được giải A

Ảnh: Trinh Nguyễn

Theo ông Tình, sau hơn 40 năm bộ sách Các dân tộc ít người ở Việt Nam (2 tập) được xuất bản, đến nay mới có bộ sách phản ánh đầy đủ 54 dân tộc ở Việt Nam. Riêng phần kết luận của chủ biên là hơn 250 trang, nhìn lại các vấn đề cơ bản về tộc người, về quốc gia - dân tộc và mối quan hệ của tộc người với quốc gia - dân tộc từ bối cảnh thế giới đến trường hợp ở Việt Nam.
Trong khi đó, cuốn Phác họa nghê - gã linh vật bên lề của TS Trần Hậu Yên Thế, giải C, là kết quả của nhiều năm nghiên cứu vốn văn hóa cổ. “Điều quan trọng là qua cuốn sách ta hiểu hơn về nghê Việt. Từ đó, chúng ta sử dụng linh vật này trong di tích của chúng ta, công trình của chúng ta chứ không dùng linh vật ngoại lai nữa”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình nói.
Bộ Tranh truyện lịch sử Việt Nam (giải B) của nhóm tác giả Tạ Huy Long, Lê Phương Liên, Nam Việt, Minh Hiếu, Hà Ân, An Cương, Nguyễn Việt Hà cũng là một bộ sách qua nhiều thế hệ. Trong đó, có người làm truyện tranh lịch sử từ rất lâu như tác giả Hà Ân, có người vẽ truyện tranh với phong cách rất hiện đại như Tạ Huy Long.
Tác phẩm Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển (giải B) lại là kết quả 8 năm thanh xuân của TS Trần Trọng Dương. Giờ đây, tác phẩm đã kéo các điển cố xưa gần lại với công chúng. “Đối tượng chủ yếu là các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, hướng tới sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ học, ngành văn học. Nguyễn Trãi là một tác gia quan trọng nên nếu cuốn này được phát hành tốt thì có thể đến tay giáo viên cấp ba. Cuốn này tôi hướng tới nhiều mục đích, ngoài đối tượng học giả, tôi cũng hướng tới học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo”, ông Dương nói. Đặc biệt, là một từ điển thưởng lãm, từng chữ, từng nghĩa, từng câu, từng bài có phân tích các hình tượng, biểu tượng khác nhau.
Đường đến sách hay

Bộ sách Tranh truyện lịch sử VN nhận giải B

Ảnh: Trinh Nguyễn

Muôn nẻo làm sách

Cần dự án sách dài hơi chứ không phải chỉ kỷ niệm

Đường đến sách hay
Có thể thấy từ những đề tài nghiên cứu lớn chúng ta có thể có sách hay. Chẳng hạn, những bộ sách được giải A năm nay như Động vật chí VN (từ tập 26 - 31) và Thực vật chí VN (từ tập 12 - 21), bộ sách Vùng đất Nam bộ quá trình hình thành và phát triển đều là những đề tài nghiên cứu.

Tuy nhiên, không phải từ đề tài nghiên cứu nào cũng có thể có sách hay. Có những đề tài mới chỉ là tài liệu thô và cần phải gia cố thêm nhiều để có sự tinh lọc, nâng tầm diễn giải phân tích cao hơn. Có những cuốn in ra thấy sự hời hợt. Chẳng hạn, có nhiều sách nghiên cứu không đạt chuẩn quốc tế, đến phần Index cũng không có. Vì thế, nên có những dự án sách, hỗ trợ nhà nghiên cứu về kinh phí để có thể làm được những cuốn sách giá trị. Đó phải là dự án dài hơi chứ không phải chỉ là đầu tư kiểu nhân ngày kỷ niệm.

GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội)
PGS-TS Phạm Xuân Thạch (thành viên ban giám khảo) cho biết ông vô cùng xúc động vì những cuốn sách nghiên cứu trong giải thưởng. “Sách trong giải thưởng cho thấy mặt bằng dân trí rất tốt. Có những cuốn tốt như Tư liệu về cải lương hương chính thời Pháp thuộc của Trung tâm lưu trữ quốc gia làm chẳng hạn. Đó là công trình mà dù có được giải hay không cũng cho thấy tay nghề làm sách. Là người nghiên cứu, tôi rất mừng vì có nhiều cuốn như vậy”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh đó là một đặc điểm của thị trường sách gần đây, có nhiều cuốn sách nghiên cứu thu hút.
Ông còn xúc động hơn vì cố gắng của các nhà xuất bản để đem sách tới với công chúng. “Nhiều nhà sách như Nhã Nam, Phanbook hay Tao Đàn làm chúng ta ấm lòng. Các nhà sách cũng đồng hành với tác giả trẻ, với người nghiên cứu”, ông Thạch nói.

Có những hỗ trợ xuất bản sách minh bạch

Có những hỗ trợ xuất bản sách minh bạch
Đúng là chúng ta cần chính sách đãi ngộ với sách nghiên cứu. Nhưng không nên theo hướng có sắc thuế đặc biệt với việc xuất bản sách nghiên cứu. Hướng nên theo là có những sách nhà nước đặt hàng và việc đặt hàng hiệu quả. Chẳng hạn, chúng ta có những dự án sách đặt hàng mà sau đó lại chất đống, cũng không ai đọc và bán cân. Vì thế, chúng ta nên có cơ chế đặt hàng mà nhà nghiên cứu có thể ứng cử sách công khai minh bạch, số lượng in được tính toán cẩn thận. Như thế sẽ hỗ trợ người làm sách hay hiệu quả.

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên
Riêng với bản sách của TS Trần Trọng Dương, sự “hy sinh” của tác giả, nhà xuất bản và nhà sách còn lớn hơn. TS Dương đã thỏa thuận với các bên để đưa bản mềm sách lên mạng. GS Charler Muller của Đại học Tokyo và GS Lee Collins (Mỹ) đã viết riêng một phần mềm để lọc lỗi cho cuốn từ điển này. “Nó khó quá không ai mua nên tôi up lên mạng. Đấy cũng là một việc công ích với cộng đồng. Tôi cũng có lời trước với nhà sách và nhà xuất bản là tôi miễn phí về bản quyền, ai cũng có thể sử dụng online. Trang web là của Mỹ, đối tượng học giả quốc tế khai thác cũng rất rộng”, ông Dương cho biết.
Ông Thạch cũng mừng vui vì bên cạnh những chuyên gia đầu ngành, sách của các tác giả trẻ cũng rất hay và nhắc đến tác giả Vũ Hiệp được giải B với cuốn Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật. “Tác giả là thạc sĩ kiến trúc ở Saint Peterbourg. Bạn ấy viết về lịch sử và lý luận nghệ thuật rất tốt, với cái nhìn rất bình thản. Qua đó thấy giáo dục cơ bản của Nga quá tuyệt vời. Đó là một phát hiện của giải thưởng”, ông Thạch nói.
Tuy nhiên, sách văn học năm nay lại không xuất sắc. “Sách văn học không có tác phẩm nào xuất sắc thì nó cũng phản ánh qua giải thôi. Hơn nữa, tác giả văn học cũng có các giải thưởng bên Hội nhà văn”, ông Thạch nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.