(TNO) Quả thật không muốn phải mở đầu bài viết này với một so sánh tít bài, nhưng cũng không thể làm ngơ trước sự tương đồng một cách kỳ lạ của UREM- Người đang mơ (NXB Trẻ) với tiền bối của nó: Eragon.
|
Tác giả Phạm Bá Diệp đã thực sự thành công trong việc xây dựng hai thế giới tồn tại song song để đem lại cho độc giả cuộc phiêu lưu kỳ thú đủ sức níu tay người đọc lật giở tới những trang sách cuối cùng.
Bắt đầu từ hội chứng UREM (Unlimited Rapid Eye Movement), lần lượt từng người trên thế giới rơi vào một giấc ngủ kỳ lạ và không thể thức dậy cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Với khả năng kỳ lạ có thể giữ được tỉnh táo ngay khi đang ngủ, người anh hùng của câu chuyện - Kiên - bắt đầu cuốn vào một cuộc du hành xuyên không gian - thời gian giữa hai thế giới, với mục tiêu giữ an toàn cho những người yêu thương của mình, anh đã vô tình gánh luôn trọng trách chặn đứng sự diệt vong của cả thế giới thực và xứ sở trong mơ
Điểm tương đồng lớn nhất của Eragon với UREM - Người đang mơ là tuổi đời của hai tác giả đều rất trẻ khi bắt đầu truyện đầu tay. Christopher Paolini khởi đầu Eragon khi 15 tuổi và Phạm Bá Diệp với tuổi 20. Dù rất trẻ, nhưng cả hai tác giả đều thể hiện khối lượng kiến thức khổng lồ và trí tưởng tượng đến từng chi tiết nhỏ nhất trong tác phẩm. Để làm được điều này, các tác giả phải có thời gian nghiên cứu vô vàn tài liệu để có thể xây dựng nên một thế giới tưởng tượng.
Giống như J.R.R Tolkien đã mất nhiều năm nghiên cứu để có thể xây dựng một vùng Trung Địa đầy đủ đến từng chi tiết (Chúa Nhẫn), Phạm Bá Diệp đã “làm bài tập về nhà” một cách khá kỹ lưỡng khi những kiến thức tâm lý học được trình bày trong UREM rất khoa học và logic. Nếu không biết, độc giả ắt sẽ lầm tưởng tác giả phải học ngành tâm lý học, đặc biệt trong những phần lý giải về giấc mơ.
|
Một điểm tương đồng nữa của hai cuốn sách đó là cách phát triển của nhân vật chính và tuyến truyện chính - phụ. Nhân vật của chúng ta bắt đầu một cách cổ điển với cốt truyện ba hồi. Tập đầu của UREM chủ yếu tập trung vào nhân vật Kiên và những sự chuẩn bị cho một hành trình dài hơi của anh sau này. Tuy nhiên vào những chương cuối, một tuyến nhân vật phụ đã bắt đầu phát triển một cách độc lập, mang lại sự đa dạng cho không gian câu chuyện hơn. Cũng phải đến tập hai của Eragon, những nhân vật tưởng chừng như phụ lại được phát triển lên và chiếm một phần không nhỏ trong nội dung. Những chi tiết tình cảm lồng ghép trong truyện tạo sự thú vị cho độc giả và giảm tải không khí nặng nề đen tối của cả câu truyện. Điều này khiến cho độc giả bớt cảm thấy căng thẳng khi theo dõi hơn 500 trang của UREM - Người đang mơ.
UREM có thể nói là một bộ sách kỳ ảo “đúng chuẩn”, mê hoặc và lôi kéo khán giả “đúng chuẩn”. Nhưng có vẻ vì sự “đúng chuẩn” đó nên những tình tiết, thắt nút - mở nút đều khá dễ đoán với một người đọc truyện fantasy “kỳ cựu”. Không khí trong UREM khiến người ta dễ liên tưởng đến Tây Âu thời trung cổ, một số tên nhân vật cũng mang âm hưởng của nhiều vùng đất khác nhau như Nhật Bản, Ả Rập, Celtic, thậm chí Hy Lạp cổ đại. Di sản văn hóa thế giới là một nguồn cảm hứng bất tận để sáng tạo nên những câu chuyện kỳ ảo, nhưng ắt hẳn những người hâm mộ fantasy ở Việt Nam vẫn mong chờ một ngày nào đó có thể thấy chính lịch sử và văn hóa nước mình được thuật lại trong một bộ truyện phiêu lưu kỳ thú.
Có thể nói, tài năng và trí tưởng tượng của tác giả Phạm Bá Diệp qua tập đầu của bộ UREM - Người trong mơ là hoàn toàn không thể chối cãi. Kết thúc bằng hình ảnh nhân vật chính dong buồm trước một chuyến phiêu lưu mới, tập đầu của UREM hứa hẹn như một sự mở đường cho dòng văn học kỳ ảo Việt Nam.
Bạch Tùng
>> Hội sách của NXB Trẻ
>> NXB Trẻ quyết liệt chống nạn xâm hại bản quyền
>> Từ tiểu thuyết kỳ ảo đến phim
>> GS. Ngô Bảo Châu kể về thế giới kỳ ảo của những con số
>> Chuyện tình trong tiểu thuyết võ hiệp kỳ ảo Tru Tiên
>> Phát hành bộ truyện võ hiệp kỳ ảo Tru Tiên
Bình luận (0)