Giám định mỹ thuật ba không?

19/07/2019 06:27 GMT+7

Việc giám định mỹ thuật hiện tại được xác định là phải “đi để thành đường” vì nó đang bằng không: không có giám định viên, không có đủ điều luật, không có lưu trữ mạnh trong quá khứ.

Ám ảnh tranh giả

Chủ gallery Tôi yêu Hà Nội, bà Thu Hằng, kể câu chuyện tranh thật tranh giả mà bà biết rất nhẹ nhàng. “Một nhà sưu tập Hàn Quốc có bộ sưu tập lớn tranh VN. Trong câu chuyện ông ấy nói đến một số tên tuổi lớn của VN như Bùi Xuân Phái. Ông ấy nói Hằng có biết không, cuối năm 1980, 1990, tôi đã đến VN mua hết tranh Bùi Xuân Phái rồi. Họ nói với tôi là giờ đến Hà Nội mà mua tranh ông Phái thì không còn nữa đâu”, bà Thu Hằng kể trong hội thảo Giám định tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VT-TT-DL) tổ chức ngày 18.7, tại Hà Nội.
Bên cạnh giả tranh họa sĩ nổi tiếng, tốc độ và khả năng giả tranh cũng phức tạp. Việc đạo, nhái xảy ra nhiều và công khai đến mức nhà sưu tập Lê Hải Phong cho biết ông còn không dám khoe tranh ông sưu tập. “Tôi chơi tranh mà không dám đưa lên khoe, vì sợ đưa lên mạng sẽ bị chép. Mà chép xong thì không biết nổi ai thật ai giả”, ông nói. Tất cả những điều đó cho thấy nhu cầu giám định tranh là có thật.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho biết ở nước ta, giám định tác phẩm mỹ thuật nhiếp ảnh là công việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, chưa có máy móc kỹ thuật. “Tất cả chỉ là con số không, trong khi thị trường đã bắt đầu phát triển, hoạt động mua bán kinh doanh tác phẩm mỹ thuật trong và ngoài nước ngày càng phát triển”, ông Thành nói. Và đó là lý do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đứng ra mở Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật nhiếp ảnh để làm nhiệm vụ này. Đây là một “ca” lạ nếu đặt trong so sánh với các nước có thị trường mỹ thuật. Các tổ chức hoạt động giám định đều là đơn vị phi chính phủ hoặc tư nhân. “Không có nước nào công tác giám định tác phẩm mỹ thuật lại do nhà nước thực hiện. VN có lẽ là nước duy nhất trên thế giới mà việc giám định tác phẩm mỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện”, ông Thành nói.

Lấp khoảng trống giám định viên tư pháp

Bà Bùi Thị Thanh Mai, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN, cho rằng ở các nước, tham khảo hồ sơ nghệ sĩ thường là bước đầu tiên trong quá trình thẩm định tác phẩm mỹ thuật của các nhà sưu tập, đại lý nghệ thuật, bảo tàng và nhà đấu giá khi xem xét tác phẩm mỹ thuật. Trong hồ sơ có tất cả các loại bằng chứng vật lý về lịch sử triển lãm, tên của các chủ sở hữu trước đó, ngày sở hữu, nơi lưu giữ và cách thức mua bán, trao đổi như giấy chứng nhận, ảnh chụp, hóa đơn, thư từ, hồ sơ, catalogue triển lãm, giấy mời triển lãm, danh mục tác phẩm, tem sưu tập... “Chúng ta cần nghiên cứu và xuất bản hồ sơ nghệ sĩ”, bà Mai nói.
Ông Hoàng Minh Thái lại nói về truyền thống lưu trữ của các họa sĩ nói chung còn yếu. Vì thế, khi chứng minh một tác phẩm là tác phẩm thật của một họa sĩ, nhiều khi rất khó khăn. “Mọi người phải tự cứu lấy mình thôi, phải xây dựng lấy cho mình thôi. Ít nhất là lưu trữ từ ngày hôm nay, các nghệ sĩ đương đại ấy”, ông Thái nói. Ngoài ra, theo ông Thái, Trung tâm giám định của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cần quảng bá mạnh hơn để mọi người có thể đến để giám định vì hiện việc giám định ở trung tâm này mới chỉ lác đác. Trong đó, hợp đồng lớn nhất là của UBND TP.Đà Nẵng muốn giám định một bộ sưu tập được trao tặng gồm hơn 300 tác phẩm. Tuy nhiên, nhu cầu giám định là có thật. Đại diện của nhà đấu giá Chọn cũng cho biết đơn vị mình cũng như giới kinh doanh nghệ thuật rất cần việc giám định này.
Được mời phát biểu tại hội thảo, PV Báo Thanh Niên đặt vấn đề Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật hiện nay chưa có giám định viên tư pháp, trong khi các tiêu chuẩn này đã được chuẩn hóa trong thông tư liên quan do chính Bộ VH-TT-DL ban hành năm 2012. Cần lấp khoảng trống này bằng cách đào tạo giám định viên tư pháp. Ông Vi Kiến Thành cho biết: “Hiện nay, chúng ta có một quy định về giám định viên tiêu chuẩn. Nhưng cũng phải nói là chúng ta có rất ít giám định viên tư pháp đủ tiêu chuẩn theo quy định, phục vụ cho tòa án, điều tra của công an. Cả Bộ VH-TT-DL mới có 4 - 5 người được công nhận”.

Có cần giám định trước cấp phép ?

Một vấn đề được Thanh Niên đưa ra tại hội thảo là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm có cần phải chịu trách nhiệm về việc mọi tác phẩm được cấp phép triển lãm đều là tranh thật hay không. Liệu Cục có thể chịu trách nhiệm được việc đó khi khả năng làm tranh giả đạt đến mức siêu giả, và có những bức siêu giả sẽ được mang từ nước ngoài về. Việc giám định tranh tại Trung tâm giám định của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm với chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, liệu có làm khó khi đội phí cho nhà tổ chức. Chưa kể, nó có thể làm các triển lãm bị ngưng trệ. Về việc này, ông Vi Kiến Thành cho rằng, trong văn bản pháp luật hiện hành có điều luật quy định không được cấp phép tổ chức cho triển lãm có tác phẩm vi phạm hoặc tranh chấp về bản quyền. “Việc tranh giả chỉ là một bộ phận của vấn đề bản quyền, nên Cục vẫn phải chịu trách nhiệm khi đặt bút ký giấy phép”, ông cho biết.
Mặc dù vậy, ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT-DL), lại cho rằng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm không thể chịu trách nhiệm 100% tranh triển lãm là tranh thật. Ông cho rằng khi cấp phép, cục này chỉ cần yêu cầu ban tổ chức cam kết về tác phẩm. “Điều đó có thể được thực hiện qua các giấy cam kết trong hồ sơ xin cấp phép triển lãm. Cần làm một “phom” chuẩn để cam kết về điều đó”, ông Thái chia sẻ bên lề hội thảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.