Giữ vẻ đẹp xưa của chợ Bình Tây

16/11/2018 06:29 GMT+7

Sáng 15.11, công trình tu sửa chợ Bình Tây , một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố có tuổi đời gần 100 năm, nơi giao thương buôn bán sầm uất của Sài Gòn - TP.HCM, đã được khánh thành sau thời gian dài thi công khẩn trương với tổng kinh phí 104 tỉ đồng.

Flycam: Chợ Bình Tây sau ngày khoác áo mới

Chợ có 1.446 sạp (698 sạp tầng trệt và 748 sạp tầng lầu) là đầu mối bán sỉ hàng hóa lớn của TP.HCM, kết nối đưa hàng về miền Tây và xuất sang Campuchia. Đây cũng là điểm tham quan của du khách nước ngoài khi đến TP.HCM. Chợ Bình Tây nằm trong khuôn viên 25.000 m2, giữa 4 tuyến đường Tháp Mười - Lê Tấn Kế - Phạm Văn Khỏe - Trần Bình (Q.6), có 12 cổng, kiến trúc hình bát quái, được xây dựng vào năm 1928 bởi một thương gia người Hoa. Năm 2015, chợ được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật tại TP.HCM.
Ng.Nga
Theo tài liệu của Ban Quản lý chợ Bình Tây: “So với chợ Tân Kiểng của người Việt thì chợ Sài Gòn (khu vực Bưu điện Chợ Lớn ngày nay) lớn hơn nên mới có tên gọi là Chợ Lớn. Tuy nhiên, do đời sống ngày càng sung túc, cư dân khắp nơi tìm đến mưu sinh lập nghiệp nên ngôi chợ dần trở nên chật hẹp. Chính quyền tỉnh Chợ Lớn thời đó dự định xây dựng chợ ở nơi mới nhưng chưa tìm được đất. Khi hay tin này, thương gia Quách Đàm đã bỏ tiền ra mua mảnh đất sình lầy rộng trên 25.000 m2 ở thôn Bình Tây và cho san lấp bằng phẳng, hoàn thành chợ mới bằng bê tông cốt thép đem tặng lại cho nhà nước. Có thể nói, đây là ngôi chợ đồ sộ, quy mô hiện đại bậc nhất ở Nam kỳ thời bấy giờ. Để ghi nhớ công lao của Quách Đàm, sau khi ông mất, tượng ông được dựng lên vào năm 1930 trên bệ cao, dưới chân tượng có kỳ lân chầu và rồng phun nước ngay trong khu vực trung tâm của chợ Bình Tây”.
Qua gần một thế kỷ hoạt động và chịu bao mưa nắng, chợ Bình Tây gần đây đã xuống cấp nặng nề. Một số hạng mục bị thấm dột, hỏng nặng, gây ảnh hưởng tới hoạt động buôn bán của tiểu thương. Mặc dù đã nhiều lần được nâng cấp nhưng lần tu sửa thứ ba này mới là đợt tu sửa lớn và bài bản nhất, vừa mang lại một không gian sạch đẹp, hiện đại cho tiểu thương và người dân mua bán, vừa bảo tồn được một di tích có kiến trúc độc đáo, hài hòa giữa các phong cách Pháp, Trung Quốc và VN. Toàn bộ rui và ngói lợp của chợ được thay mới hoàn toàn theo mẫu cũ.
Ông Ngô Thành Luông, Chủ tịch UBND Q.6, cho biết: “Trước khi tu sửa, chúng tôi đã quyết tâm gìn giữ lại toàn bộ đường nét, chi tiết kiến trúc cổ nhưng vẫn đúng với quy hoạch chỉnh trang đô thị, dưới sự giám sát chặt chẽ của 12 cơ quan sở, ngành. Toàn bộ kiến trúc, đường nét khi sửa chữa hay phục chế đều được Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP.HCM và Sở VH-TT TP.HCM kiểm định, xét duyệt thông qua thì quận mới cho thực hiện”. Để đảm bảo an toàn cho chợ hoạt động, ở lần trùng tu này, hệ thống phòng cháy chữa cháy lắp đặt khắp các góc chợ, còn camera giám sát được lắp trên trần.
Ông Ngô Thành Luông cho biết, cùng với các chợ ở trung tâm TP.HCM thì chợ Bình Tây là đầu mối cung cấp hàng hóa sỉ đi cả nước, sang Lào và Campuchia… Chợ cũng được Sở Du lịch TP chọn là điểm đến của du khách nên đóng góp của chợ vào nguồn thu của quận là rất lớn. “Với hệ thống cảnh quan “trên bến dưới thuyền” tấp nập, hy vọng sau khi cải tạo xong, hệ thống kênh Hàng Bàng, Lò Gốm sẽ cùng với chợ Bình Tây hình thành nên trục thương mại - dịch vụ hoàn thiện, góp phần vào việc phát triển kinh tế, du lịch và văn hóa của Q.6 nói riêng và TP.HCM nói chung”, ông Luông chia sẻ.
Hiện nay, các tiểu thương bắt đầu di chuyển hàng hóa về chợ để buôn bán trở lại bình thường. Anh Đức Phan, một Việt kiều Mỹ, vô cùng bất ngờ khi đến mua sắm đúng vào thời điểm chợ Bình Tây vừa được khánh thành. “Tôi rất vui vì đất nước mình đã giữ gìn được một di sản kiến trúc đẹp như chợ Bình Tây. Việc bảo tồn cho những thế hệ sau những công trình văn hóa như thế này bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, theo tôi thật đáng hoan nghênh và rất cần được nhân rộng”, anh Đức Phan nói.
Nhiều di tích đang được trùng tu
Ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP.HCM, cho biết: Hiện TP.HCM có nhiều di tích đang trong quá trình tiến hành trùng tu gồm: các đình Phú Xuân (H.Nhà Bè), Thông Tây Hội (Q.Gò Vấp), Phú Thạnh (Q.3), Hanh Phú (Q.12), trụ sở TAND TP.HCM, nhà thờ Đức Bà (Q.1). Các di tích cũng đang lập hồ sơ xin sửa chữa có: Trường Marie Curie (Q.3), nhà thờ Cha Tam (Q.5), đình Phong Phú và Bót dây thép (Q.9). 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.