Google vinh danh hoạ sĩ Bùi Xuân Phái gắn liền với tranh phố Hà Nội

01/09/2019 09:54 GMT+7

Từ 0 giờ ngày 1.9, trên trang chủ tìm kiếm tiếng Việt của Google có hình ảnh họa sĩ Bùi Xuân Phái , đằng sau lưng là những bức tranh vẽ phố Hà Nội của ông.

Đúng 0 giờ ngày 1.9, Google đã đưa biểu tượng Google Doodles mới lên trang chủ tìm kiếm bằng tiếng Việt. Đó chính là hình ảnh họa sĩ Bùi Xuân Phái, đằng sau là những bức phố Phái nổi danh.
Hôm nay cũng chính là ngày kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông. Đây là lần thứ 2, Google Doodles vinh danh một người Việt Nam, trước đó là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông.
Ngay sau khi Google thay đổi biểu tượng, con trai cố họa sĩ Bùi Xuân Phái - họa sĩ Bùi Thanh Phương đã gửi lời cảm tạ của gia đình trên fanpage mang tên Bùi Xuân Phái.

Google Doodle vinh danh 'danh họa phố cổ' Bùi Xuân Phái

Trước đó, để thiết kế biểu tượng này, ông Phương cũng đã cung cấp cho Google nhiều tư liệu về cha mình, trong đó có các bức tự họa. “Gia đình chúng tôi xin chân thành cảm tạ Google, tập đoàn công nghệ thông tin đa quốc gia của Hoa Kỳ, đã dành tình cảm và vinh danh Bùi Xuân Phái, cha chúng tôi, nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông (1.9.1920 - 1.9.2019)”, ông Phương viết.

Chân dung Bùi Xuân Phái thập niên 1980

Ảnh John Ramsden - nguyên Tùy viên văn hoá Đại sứ quán Anh quốc tại Hà Nội

Ông Phương cũng chia sẻ qua lời cảm tạ: “Bùi Xuân Phái là một người yêu quê hương, yêu Hà Nội và là một tên tuổi trong ngành hội họa tại Việt Nam, với những tác phẩm đặc trưng góp phần vào sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Sự kiện Google tôn vinh ông với Doodle thiết kế đặc biệt nhân ngày sinh của ông là một hoạt động ý nghĩa không chỉ với gia đình mà còn đối với những người mến mộ ông, những người yêu văn hóa Việt Nam qua hình ảnh con phố cổ”.

"Từ khi có Bùi Xuân Phái, tôi chưa thấy ai vẽ Hà Nội mà không vướng vào anh"

Về sự gắn bó vừa tha thiết vừa mang tính biểu tượng giữa ông Phái với phố Hà Nội và tranh phố Phái, cố nhà phê bình Thái Bá Vân từng viết: “Hà Nội - phố của anh đội khi lớn, nặng, lâu bền, vượt ra ngoài cuộc đời tác giả. Chúng là giọt máu của cả nền văn hiến Thăng Long mà trong đó anh là một sắc mặt thì đúng hơn. Từ khi có Bùi Xuân Phái tôi chưa thấy ai vẽ Hà Nội mà không vướng vào anh. Còn tính hội họa của anh đã đến một mẫu số chung nhỏ nhất rồi”.
Chính vì thế, tác phẩm cuối cùng mà Bùi Xuân Phái vẽ cũng chính là phố. Sau đó, bức vẽ được treo ở bàn thờ của danh họa. Ông Vân cho biết bức sơn dầu cuối cùng này vẽ vào tháng 4.1988 vẽ Ngõ Huyện, bức tranh “tạt qua mấy căn nhà lặng lẽ là nóc Nhà thờ Lớn Hà Nội”. 

Chân dung Bùi Xuân Phái do họa sĩ Văn Thơ vẽ

Ảnh Trương Nhuận

Tư liệu của cố nhà phê bình Thái Bá Vân cũng cho biết thêm: “Ở đám tang Bùi Xuân Phái, tôi rất để ý một vòng hoa lớn, chưa từng thấy ở những cuộc chia tay long trọng khác. Vòng hoa ấy ký tên “Những người yêu nghệ thuật”. Anh Phái thật là sang, Hà Nội thật là sang”.

Danh họa Bùi Xuân Phái sinh năm 1920 tại làng Kim Hoàng, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông học trường Mỹ thuật Đông Dương và gắn bó với phố cổ Hà Nội. Phố Phái là mảng đề tài nổi tiếng của ông.
Bên cạnh đó, tranh chèo, tranh nude của ông Phái cũng rất đẹp. Ông được trao tặng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, bao gồm Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 1996; Giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1946 và 1980; Giải thưởng đồ họa Leipzig (Đức).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.