Hà Nội có cần bảo tàng?

21/05/2020 05:55 GMT+7

Các chuyên gia đều không hiểu vì sao lại cần xem xét xây dựng phương án điều chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ VH-TT-DL. Trong khi hiện tại, phương án trưng bày do chuyên gia Pháp tư vấn sẽ thi công vào tháng 8 tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Dương Minh Ánh tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về việc quản lý, sử dụng công trình Bảo tàng Hà Nội, về lý do điều chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ VH-TT-DL.
Tại văn bản trả lời, Thủ tướng Chính phủ cho biết công trình Bảo tàng Hà Nội khánh thành từ năm 2010, nhưng phải bổ sung, điều chỉnh lớn, gần như cấu trúc lại hoàn toàn nội dung trưng bày, do việc mở rộng phạm vi hành chính của thủ đô, nên đến nay vẫn chưa hoàn thành trưng bày nội thất để có thể chính thức mở cửa đón khách tham quan. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VH-TT-DL, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa (trong đó có hệ thống bảo tàng) chủ trì, phối hợp với UBND TP.Hà Nội nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình Bảo tàng Hà Nội.
Trước đó, vào tháng 9.2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký Văn bản số 8196 về đề án chuyển đổi mô hình quản lý, tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Làng văn hóa du lịch các dân tộc VN. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, giao UBND TP.Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ VH-TT-DL xây dựng đề án chuyển làng này từ Bộ về Hà Nội. Thủ tướng cũng giao Bộ VH-TT-DL chủ trì xây dựng đề án chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ.
Hà Nội có cần bảo tàng ?

Đầu rồng bằng đất nung của Bảo tàng Hà Nội

Hà Nội xứng đáng và cần có bảo tàng

PGS-TS Phạm Mai Hùng, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, là người đã gắn bó rất lâu với Bảo tàng Hà Nội. Chuyên gia lịch sử và bảo tàng này đã được mời tham vấn từ khi bảo tàng tìm kiếm thiết kế, xây dựng trưng bày, cho rằng Bảo tàng Hà Nội là nguyện vọng của công dân thủ đô, một thủ đô ngàn năm văn hiến. “Xét theo bề dày lịch sử, hiếm có thủ đô nào có bề dày như thủ đô Hà Nội, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Nên rất xứng đáng và cần có một bảo tàng”, ông Hùng nói.

Xét theo bề dày lịch sử, hiếm có thủ đô nào có bề dày như thủ đô Hà Nội, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Nên rất xứng đáng
và cần có một bảo tàng

PGS-TS PHẠM MAI HÙNG, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN

Ngoài ra, theo ông Hùng, luật Di sản văn hóa quy định các địa phương cần có bảo tàng. Việc Hà Nội có bảo tàng riêng cũng đã được ghi vào Quy hoạch xây dựng hệ thống bảo tàng VN cho đến năm 2020. “Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch này, trong đó có các bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Tự nhiên, Bảo tàng Hà Nội”, ông Hùng nói.
Chính vì thế, theo ông Hùng, căn cứ vào khía cạnh pháp lý và tiềm năng lịch sử văn hóa thì Hà Nội xứng đáng có một bảo tàng. Việc điều chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ VH-TT-DL khiến các văn bản trước đó trở nên không khớp. “Làm như thế là phải thay đổi những cái đã quy định trong pháp định rồi, ví dụ như thay đổi quy hoạch của Thủ tướng đã phê duyệt”, ông Hùng phân tích.

Điều chuyển sẽ mất thêm 10 năm nữa...

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cho rằng theo luật Di sản văn hóa, mỗi tỉnh có một bảo tàng là chuyện đã được công nhận. “Nếu bây giờ chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ thì 5, 10 năm sau lại sẽ phải xây một bảo tàng khác”, ông Huy nói.

10 năm chậm trễ do chỉ đạo của Hà Nội

Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, chuyện 10 năm không xong trưng bày bảo tàng là do lỗi chỉ đạo điều hành của cơ quan chủ quản - UBND TP.Hà Nội. TP.Hà Nội đã thay 3 tư vấn: từ New Zealand, sang đến Nhật, sang đến Pháp. Chưa kể, thời kỳ đầu, nội dung trưng bày còn được giao cho Sở Xây dựng (chủ đầu tư xây dựng bảo tàng) thực hiện. Sau này, phần nội dung mới được giao cho Sở VH-TT Hà Nội, và sau cùng mới giao cho bảo tàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, cho biết hiện tại bảo tàng vẫn đang dọn dần mặt bằng để chuẩn bị thi công trưng bày. “Việc thi công trưng bày theo kế hoạch của UBND TP.Hà Nội sẽ diễn ra vào tháng 8 tới và kéo dài 10 tháng. Như vậy, tới tháng 6 là có thể tạm hoàn thành trưng bày. Nhân viên bảo tàng cũng đang tham dự các khóa học để vận hành trưng bày, sản xuất các sản phẩm lưu niệm, du lịch”, ông nói.
PGS-TS Phạm Mai Hùng cho rằng cho tới nay, hệ thống kho bảo quản hiện vật của Bảo tàng Hà Nội cơ bản đã đủ hiện vật để đáp ứng nhu cầu trưng bày. “Việc trưng bày cũng được chuẩn bị chu đáo. Ít có bảo tàng nào ở VN từ khi khởi dựng tới làm nội dung, lại huy động được sự tham gia đóng góp của các nhà khoa học như thế”, ông Hùng nói.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh: “Nếu về Bộ VH-TT-DL, lại làm lại từ đầu thì có khi 10 năm nữa mới có trưng bày”. Điều quan trọng hơn, theo ông Huy, Bảo tàng Hà Nội đã đi rất gần đến đích là trưng bày cho riêng mình rồi. Đề cương trưng bày đã xong để cho trưng bày năm 2021 thành hiện thực.
Cũng theo ông Huy, nhóm chuyên gia làm đề cương thực hiện trưng bày cũng là nhóm chuyên gia Pháp, Việt đã làm với ông và VN trong 20 năm nay. “Họ đã làm thành công Bảo tàng Dân tộc học. Họ đã làm thành công khi đổi mới Bảo tàng Phụ nữ. Họ đã làm thành công Bảo tàng Đắk Lắk. Họ đã làm thành công khi chuyển đổi giới thiệu Dinh Độc Lập. Tất cả đều là những điểm đến bảo tàng được thế giới đánh giá cao. Đấy là kết quả của nhóm làm việc và hiện nay chúng ta phải tin tưởng”, PGS Huy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.