Mâm cỗ cổ truyền
Khi nàng xuân đang dạo gót trở về, người Hà Nội cũng vội vã hoàn thành các công việc cuối năm để chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Cuộc sống hiện đại khiến cho cái tết của người Hà Nội cũng thay đổi nhiều. Người Hà Nội không còn tất tả ngược xuôi sắm từng món như xưa, mà giờ đây họ có thể dễ dàng tìm thấy mọi thứ nơi cửa hàng, siêu thị…
Nhưng ở Hà Nội vẫn còn đó những gia đình thích tự tay mình làm mứt tết, gói bánh chưng vì đây cũng là dịp đem lại niềm vui cho con trẻ. Và có lẽ họ còn muốn lưu giữ nếp sống riêng, một nét đẹp văn hóa của người Hà thành.
Ngày xưa, cứ mỗi khi tết đến, người Hà Nội lại làm bánh cổ truyền bằng gạo nếp. Các bà, các chị thường làm các loại bánh chè lam, bánh vẽ, huê cầu… Bây giờ, những món ăn đó có lẽ chỉ còn hiện diện trong câu chuyện ngày tết của nhiều gia đình Hà Nội.
Tôi vô cùng ấn tượng với cách bày biện mâm cỗ tết của những gia đình sống lâu đời ở Hà Nội. Người làm cỗ và bày cỗ muốn gửi gắm vào đó cái tâm thành kính đối với ông bà, tổ tiên. Thế nên, mâm cỗ thường có đủ các món đặc trưng được bày biện rất đẹp mắt với màu sắc hài hòa. Chính cách bày biện ấy, hương vị ấy cứ quấn quýt mãi trong tôi. Để rồi mỗi khi xa Hà Nội, tôi lại nhớ đến, nhắc đến như một sự tự hào về vùng đất, con người.
Giao thừa bên hồ Gươm
Đặc biệt ấn tượng hơn cả là đêm giao thừa của người Hà Nội. Ấy là khoảnh khắc thiêng liêng, kỳ diệu nhất trong năm. Giao thừa - năm tròn chuyển mình sinh hạ, phút giao hòa giữa trời đất với con người nên ở nơi đâu cũng linh thiêng, lòng người nơi đâu cũng mang nhiều cảm xúc.
Dưới trời mưa xuân giăng giăng mỏng manh sương khói, người người đổ về hồ Gươm để hòa mình vào không khí náo nhiệt xem bắn pháo hoa và lặng im nghe mình hồi tưởng hôm qua, nâng niu thực tại, hy vọng ngày mai.
|
Đêm ba mươi, tháp Rùa hiện lên thật lung linh, huyền ảo dưới ánh đèn màu. Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn cũng khoác lên mình tấm áo muôn sắc. Với những ai từng được đón giao thừa bên bờ hồ này hẳn sẽ có cảm giác hồi hộp, xúc động lâng lâng, nhất là khi nhìn thấy những chùm pháo hoa đầu tiên vút lên cùng tiếng chuông đồng hồ thong thả buông từng tiếng văng vẳng bên tai. Ngước nhìn lên bầu trời đêm Hà Nội, người người vui sướng, hân hoan trước những sắc màu bung nở rực rỡ.
Đó cũng là lúc mọi người cùng bắt tay nhau, mừng tuổi nhau, cùng chen nhau trong khoảng không gian chật chội nhưng không một ai thấy cảm giác vội vã hay tức bực trong lòng. Mọi nụ cười nở trên môi, mọi lời nói ra đều là những câu vui vẻ, cùng mong sự may mắn, hạnh phúc, yên lành. Hòa trong dòng người ấy, tôi thấy khuôn mặt ai cũng ánh lên niềm vui, sự thanh thản.
Những con phố tĩnh lặng
Sau mỗi đêm giao thừa linh thiêng và vội vã, cầm trên tay những cành lộc xuân ươm đầy mầm xanh ước vọng, người Hà Nội trong lòng náo nức trở về nhà để xông đất và vui cùng gia đình. Những con phố dần thưa vắng, chìm sâu trong yên lặng. Thoang thoảng giữa không gian là mùi hương trầm thơm ngọt từ trong các nhà đưa lại.
Buổi sáng ngày mùng một tết, khi bước chân ra đường, năm nào tôi cũng có cái cảm giác ngạc nhiên đến thú vị bởi thành phố vắng lặng, thoáng đãng vô cùng. Đó cũng là buổi sáng tĩnh lặng duy nhất trong năm. Trong những ngôi nhà, tôi thấy mọi người đã thức dậy nhưng phố xá như vẫn đang chìm trong giấc ngủ.
Nếu các buổi sáng bình thường, phố phường Hà Nội đều đông vui, nhộn nhịp đến mức ùn tắc thì sáng mùng một tết, thỉnh thoảng mới bắt gặp một chiếc xe phóng qua hoặc một ai đó đang thong thả tản bộ trong cái rét ngọt của mùa xuân. Những tất bật, vội vã đã hoàn toàn biến mất, nhường vào đó là sự trầm mặc, cổ kính của một thủ đô ngàn năm văn vật.
Đi trong cái se lạnh của ngày xuân, tôi tự hỏi mình: không biết bắt đầu từ khi nào một năm mới của người Hà Nội luôn khởi đầu bằng sự linh thiêng và trong lành như vậy? Những con đường trở nên mênh mông, vỉa hè rộng thênh thang. Người Hà Nội lúc này không còn lo tắc đường, khói bụi. Bất giác tôi chợt nhận ra một Hà Nội bao dung là miền đất hứa mang thương mến trong trái tim mọi người.
Tâm hồn Hà Nội đã tưới mát những hạnh phúc ấm no, an vui cho bao người dân tỉnh lẻ. Và rồi mỗi lần tết đến, họ lại trở về quê tận hưởng niềm vui sum vầy, đoàn tụ bên gia đình để mặc cho Hà Nội sống giữa nỗi cô đơn, vắng vẻ.
Bồi hồi trong xúc cảm về tết, về phố phường Hà Nội, tôi thấy những mảng màu ấy đã vô tình dệt nên cho Hà Nội một tấm áo rất riêng của mình.
|
Bình luận (0)