Sáng 7.1, thông tin từ Viện Khảo cổ học cho biết 3 hố khai quật có 27 cọc gỗ cổ được cho liên quan đến chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 đã được san lấp.
Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu, Viện Khảo cổ học cho biết: “Việc san lấp nhằm mục đích bảo tồn tốt hơn các cọc gỗ đã được khai quật. Trước khi lấp, bãi cọc đã được quét 3D, vẽ lại bình đồ để phục vụ nghiên cứu và tham quan sau này”.
Như Thanh Niên đã đưa tin, Ngày 1.10, trong quá trình đào vườn thuộc cánh đồng Cao Quỳ, ông Nguyễn Tuân Triệu (ngụ thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) phát hiện 2 cọc gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm. Người dân cho rằng đây có thể là cọc gỗ liên quan đến các trận đánh trên sông Bạch Đằng nên báo cơ quan chức năng. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sau đó có quyết định cho khai quật, khảo cổ tại nơi phát hiện các cọc gỗ.
|
Sau 2 tháng, đoàn khảo cổ đã khai quật được 27 cọc gỗ tại 3 hố. Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần thứ 3, năm 1288.
Đến ngày 21.12, thành phố Hải Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị công bố kết quả khai quật bước đầu tại bãi cọc vừa phát lộ. Các nhà khoa học, giáo sư lịch sử tham dự hội nghị đều thống nhất rằng bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần với đế quốc Nguyên Mông.
Theo các nhà khoa học, bãi cọc Cao Quỳ đã làm thay đổi nhận thức về chiến dịch Bạch Đằng năm 1288. Chính vì vậy, thành phố Hải Phòng cần tiếp tục có những nghiên cứu, khai quật mở rộng hơn.
|
Bên cạnh đó, các đại biểu tại hội nghị cũng đề xuất sớm có biện pháp bảo vệ cọc cổ trước tác động của tự nhiên và con người. Chính vì vậy, trong thời gian chờ lập phương án bảo tồn tốt nhất bãi cọc cổ thì việc lấp đất lại là cần thiết.
Bình luận (0)