Hàng triệu người tiếc thương trước sự ra đi của tác gia kiếm hiệp Kim Dung

31/10/2018 09:30 GMT+7

Ngày 30.10, Kim Dung trút hơi thở cuối cùng tại Hồng Kông, để lại một gia tài văn chương đồ sộ và sự tiếc nuối, xót thương của biết bao thế hệ người hâm mộ.

Nhà văn có sức ảnh hưởng nhất Trung Quốc
Đó là nhận định của hàng loạt tờ báo ở Trung Quốc và quốc tế khi nói về vai trò của nhà văn Kim Dung cũng như các tác phẩm kiếm hiệp nổi danh của ông. Sau thông tin cây đại thụ của văn học hiện đại Trung Quốc qua đời, báo chí trong nước và quốc tế đồng loạt chia sẻ tin buồn đồng thời khẳng định vị trí của nhà văn đối với văn hóa Trung Hoa.
Trong bài đăng ngày 30.10, South China Morning Post gọi Kim Dung là “người khổng lồ” dùng cả đời để cống hiến cho văn học Trung Quốc. Trang này tôn vinh tác giả tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ là nhà sử thi vĩ đại nhất trong thế kỷ 20, một người vẽ nên thế giới muôn hình vạn trạng của võ thuật, văn hóa Trung Hoa thông qua từng dòng truyện, trang sách.
Trong khi đó, bài viết mới nhất của trang BBC tiếng Trung lại ca ngợi Kim Dung là “một hiện tượng văn học kiệt xuất của Trung Quốc”. “Ông dường như là một người đại diện riêng cho một thể loại văn học - tiểu thuyết kiếm hiệp. Từ Hồng Kông đến Đại Lục, từ khán giả xem truyền hình đến độc giả đọc báo, từ tầng lớp bình dân đến những nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước, từ những nhà trí thức trong nước đến các học giả Âu-Mỹ, không ai có thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng của Kim Dung đối với nền văn học hiện đại của nước nhà”, BBC nói về vai trò của cố nhà văn trong bài viết mới nhất về ông. Trang này cũng trích dẫn một câu nói truyền miệng nổi tiếng của người Trung Quốc khi nói về vị trí của Kim Dung trong văn hóa đại chúng: “Bất cứ ở đâu có người Trung Quốc, có một khu phố Tàu, ở đó có tiểu thuyết võ thuật của Kim Dung”.
Nhiều tờ báo nổi tiếng xứ Trung nhận định rằng dù đã được ra đời cách đây hơn 40 năm, những tác phẩm văn học của Kim Dung vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Trung Quốc nói riêng và độc giả khắp châu Á nói chung. Đến tận bây giờ, những sản phẩm gắn với cái tên Kim Dung vẫn giữ một sức sống và sức hút mạnh mẽ đối với công chúng trong nước lẫn khu vực châu Á. Tiểu thuyết của ông đã vượt qua mọi rào cản chính trị, địa lý và ý thức hệ để đến với hàng triệu độc giả Trung Quốc và khắp thế giới. Không chỉ bán được hơn 300 triệu bản trong suốt sự nghiệp sáng tác, thông qua những tác phẩm có một không hai của mình, Kim Dung đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa tiêu biểu của Trung Quốc ở thế kỷ 20.
Đương thời, tác giả tiểu thuyết Tuyết sơn phi hồ cũng nhận được rất nhiều sự ca ngợi đến từ truyền thông quốc tế. Báo chí quốc tế nhiều lần ca ngợi "cha đẻ" của Thần điêu đại hiệp là tác giả ăn khách nhất tại Trung Quốc. Tờ The New Yorker từng khen ngợi những tác phẩm của cây bút sinh năm 1924 là thế giới mới lạ, đầy mê hoặc của văn hóa Trung Quốc. Những tác phẩm của ông là mang một nét văn hóa riêng biệt nhưng cuốn hút và có sức lan tỏa mãnh liệt tương tự như Harry Potter hay Star Wars của phương Tây.
Từ trước đến nay, hiếm có tiểu thuyết gia Trung Quốc nào nhận được sự kính trọng và ngưỡng mộ của đông đảo khán giả như "cha đẻ" của Thiên long bát bộ Ảnh: Sina
Báo The New York Times của Mỹ từng có bài viết về tầm ảnh hưởng của nhà văn Kim Dung tại Trung Quốc. Tờ này gọi ông là một cây bút tiêu biểu cho thể loại truyện kiếm hiệp Trung Hoa. Những tác phẩm phong trần và tự do của cố nhà văn có sức mê hoặc từ những người nông dân chân chất đến tầng lớp trí thức rồi giới học giả trong và ngoài nước.
Ông Dong Naibin, Giám đốc Viện Văn học Bắc Kinh nhận định: “Tác phẩm của ông ấy rất sinh động và đầy mê hoặc. Phong cách văn học của nhà văn này khó có thể tìm thấy ở bất kỳ tác giả nào khác”.
John M. Minford, giáo sư tại Đại học Auckland, New Zealand nói về những tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Trung Quốc: “Đó là một thế giới võ thuật phong phú, hoàn chỉnh mà Kim Dung đã tạo ra bằng ngòi bút xuất sắc và trí tưởng tượng vô biên của mình. Những tiểu thuyết của ông là một phần không thể thiếu của nền văn hóa truyền thống Trung Quốc. Bạn sẽ gặp rất nhiều trải nghiệm kỳ lạ, lý thú và tuyệt vời khi đọc tác phẩm của nhà văn này”.
Sự ra đi để lại tiếc thương của hàng triệu người hâm mộ
Bày tỏ trước sự ra đi đột ngột của tác giả tiểu thuyết kiếm hiệp xuất sắc nhất thế kỷ 20, tỉ phú Jack Ma đã chia sẻ: “Đó là một mất mát lớn cho người dân Trung Quốc trên khắp thế giới. Ngài ấy sẽ sống mãi trong trái tim của chúng tôi”.
Là một người đam mê võ thuật và hâm mộ tiểu thuyết gia Kim Dung, ông John Tsang, cựu viên chức cấp cao chính quyền Hồng Kông đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước tin tức về nhà văn: “Đây thật sự là một tin sốc đối với tôi. Tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình nhà văn. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn đối với nền văn hóa Hồng Kông, Trung Quốc và thế giới. Kim Dung có lẽ là tác giả sử thi vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta”.
Tiểu thuyết của Kim Dung là nguồn cảm hứng cho các nhà sản xuất phim và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của nền văn hóa ở Hồng Kông, Trung Quốc trong những thập niên qua. Các tác phẩm được chuyển thể thành phim của cây bút gốc Chiết Giang đã trở thành bệ phóng cho nhiều diễn viên tên tuổi.
Lưu Đức Hoa, nam ngôi sao nổi tiếng nhờ vai Dương Quá trong Thần điêu đại hiệp (1983), xúc động nhớ lại: “Thầy Kim Dung là tiểu thuyết gia võ hiệp hàng đầu thế giới. Tôi là người may mắn khi có cơ duyên đóng vai Dương Quá và trở nên nổi tiếng với nó. Năm đó, cũng nhờ tác phẩm ăn khách này mà tôi thành danh. Nghe tin ông qua đời mà tôi xót xa quá!”.
Nữ diễn viên Lý Nhược Đồng, người từng vào vai Tiểu Long Nữ bồi hồi: "Tôi bàng hoàng khi nghe tin ông qua đời. Nhờ nhân vật Tiểu Long Nữ, nhà văn Kim Dung đã mang đến cho tôi tất cả mọi điều… Cảm ơn ông đã tạo nên những nhân vật tuyệt vời. Mong thầy yên nghỉ nơi chín suối”.
Ngoài ra, những ngôi sao từng góp mặt trong các bộ phim có nguyên tác từ tiểu thuyết Kim Dung như: Lữ Tụng Hiền, Hồ Quân, Vương Lực Hoành, Huỳnh Hiểu Minh, Trương Tấn, Lưu Diệc Phi, Trần Nghiên Hy… đều cho biết họ thật sự bất ngờ và tiếc thương trước sự ra đi của một nhà văn mà mình luôn kính nể.
Tin tức nhà văn Kim Dung qua đời cũng thu hút sự chú ý của đông đảo người hâm mộ. Trên các trang mạng xã hội xứ Trung, rất nhiều người đã chia sẻ những cảm nhận của mình về nhà văn, về những tác phẩm nổi tiếng của ông và gửi lời tạm biệt đến tác giả mà họ luôn ngưỡng mộ. Không ít người yêu mến tác giả Ỷ thiên đồ long ký nhận định rằng cái kết của cuộc đời nhà văn này dường như cũng là sự kết thúc của một thời đại văn học võ thuật đầy hào hoa.
“Lâu nay chúng ta vẫn thường tranh luận: Trương Vô Kỵ và Độc Cô Cầu Bại ai mới là người mạnh hơn? Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc trong ba huynh đệ này ai võ công cao cường hơn? Giờ thì không còn người trả lời cho những câu hỏi đó nữa rồi”, một người hâm mộ bày tỏ sự tiếc nuối.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.