Hiến kế để văn hóa Việt thành sức mạnh mềm

13/12/2018 06:26 GMT+7

Theo nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, cần làm thế nào để văn hóa trở thành sức mạnh mềm của đất nước? Cũng theo ông, văn hóa vẫn bị xem là thứ yếu trong khi nó là nguồn gốc sức mạnh dân tộc.

Điểm danh sức mạnh văn hóa
TS Park Nark Jong, chuyên gia của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN, trình bày rất nhiều bảng biểu tại hội thảo quốc tế Sức mạnh mềm văn hóa VN trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Hội thảo do viện này và UNESCO tổ chức ngày 12.12 tại Hà Nội. Những bảng biểu của ông Park dựa trên các thông số thống kê của Cục Nội dung sáng tạo Hàn Quốc (Bộ Văn hóa - Thể thao Hàn Quốc), cho thấy rõ sức mạnh văn hóa của Hàn Quốc khi biến thành tiềm lực kinh tế và các con số khác trong khu vực.
Cụ thể, Hàn Quốc hiện có công nghiệp game đứng thứ 4 thế giới, điện ảnh đứng thứ 9 thế giới. Tổng cộng, đất nước này nằm trong top 10 thế giới về sức mạnh mềm. Tuy nhiên phát triển mạnh nhất trong nước của quốc gia này lại là xuất bản và thư viện, cao hơn cả công nghiệp game (doanh thu chiếm 10,8% của GDP). Hàn Quốc cũng rất nổi tiếng về Kpop nhưng doanh thu chỉ chiếm 4,2% GDP. “Nói đến công nghiệp sáng tạo Hàn Quốc, đa số mọi người ở đây đều nghĩ đến Kpop. Điệu nhảy Gangnam style ai cũng nghe qua rồi phải không ạ. Chúng tôi còn có ban nhạc BTS là ban nhạc trẻ nổi tiếng toàn thế giới, là ban nhạc đầu tiên của Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc Billboard”, TS Park nói.
Cũng theo thống kê mà vị TS này đưa ra, hiện tại, công nghiệp văn hóa ở VN còn khiêm tốn. Chẳng hạn, mảng thư viện xuất bản của VN thua xa so với Hàn Quốc. “Điều này đáng chú ý vì tôi cho rằng mảng thư viện xuất bản chính là nền tảng cho các mảng văn hóa khác. Chính vì thế, các bạn cần đẩy mạnh phát triển nó hơn. Hơn nữa, người tiêu dùng văn hóa ở VN lại sử dụng sản phẩm nước ngoài nhiều mà chưa chú ý dùng sản phẩm nội địa”, ông cho biết.

Làm thế nào để văn hóa trở thành sức mạnh mềm của đất nước. Trước nay, văn hóa vẫn bị xem là thứ yếu trong khi nó là nguồn gốc

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan

Từ cái nhìn trong nước, bà Nguyễn Phương Hòa, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), cho biết hiện tại ngân sách nhà nước chi cho phát triển công nghiệp văn hóa và sức mạnh mềm còn ít. TS Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cũng chia sẻ về việc chính trên địa bàn thủ đô đang thiếu nhiều nhà đầu tư cho công nghiệp văn hóa. “Trên địa bàn cũng thiếu các doanh nghiệp, doanh nhân dám đầu tư vào công nghiệp văn hóa, nghệ thuật vốn có nhiều rủi ro. Nếu so sánh đầu tư này ở TP.HCM mạnh hơn và nhiều người Hà Nội thành danh lĩnh vực này. Chưa kể ở Hà Nội tìm tài trợ dự án nghệ thuật khó nhưng tài trợ dự án tâm linh có khi đến vài trăm tỉ”, ông Phong nói.
Văn hóa không tách rời kinh tế
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng chúng ta có những nguồn lực với sức mạnh mềm. Chẳng hạn, vị trí địa chính trị và lịch sử cũng như văn hóa phi vật thể… Tuy nhiên, điều quan trọng là cần xác định điểm mạnh để tận dụng. “Làm thế nào để văn hóa trở thành sức mạnh mềm của đất nước. Trước nay, văn hóa vẫn bị xem là thứ yếu trong khi nó là nguồn gốc”, ông Vũ Khoan nói.
Bà Phạm Thanh Hường, chuyên gia UNESCO, cho rằng cho tới nay chúng ta nói về công nghiệp sáng tạo mới chỉ xoay quanh du lịch. “Công nghiệp văn hóa là phương diện VN vẫn còn sơ khai”, bà Hường nói. Mặc dù vậy, bà cho biết VN cũng đã có chiến lược công nghiệp văn hóa tầm nhìn 2030.
Bà Danielle Labbé, chuyên gia từ Montreal (Canada), cho biết cần tạo ra các tiếp cận từ trên xuống, biến công nghiệp văn hóa, sức mạnh mềm văn hóa thành mối quan tâm của Chính phủ. Cũng cần xây các khu sáng tạo. Bà cũng lấy ví dụ ở quận Fo Tan (Hồng Kông), 70 khu nhà xưởng công nghiệp trước đã trở thành các studio sáng tạo thu hút khách. “Trong khu vực này có chiến lược xây dựng trung tâm sáng tạo. Họ hỗ trợ và thúc đẩy trung tâm này xây dựng trung tâm mới để tạo môi trường thu hút người dân”, bà nói.
Đại sứ Vũ Bình, đại diện Bộ Ngoại giao VN cho biết Bộ đã có khảo sát về các cơ quan ngoại giao văn hóa trên thế giới với khoảng 50 nước và vùng lãnh thổ. Chỉ một vài nước là không có cơ quan chuyên trách ngoại giao văn hóa. “Số còn lại đều quan tâm ngoại giao văn hóa. Mỹ, Đức và Bỉ không có cơ quan điều phối T.Ư nhưng đặc biệt coi trọng ngoại giao văn hóa. Pháp dành 1 tỉ USD qua các trung tâm văn hóa ngôn ngữ văn minh, trường quốc tế…”, ông Vũ Bình nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.