Cao Việt Quỳnh bắt đầu viết cuốn sách này khi lên 9 tuổi và hoàn thành vào năm 11 tuổi. Hiện, em đã viết xong tập 2 và đang viết tiếp tập 3.
“Chúng tôi không để ý đến tuổi của tác giả, mà chỉ quan tâm đến chất lượng bản thảo để quyết định thỏa thuận bản quyền và xuất bản cuốn sách. Nội dung sách rất phù hợp với tiêu chí của dòng sách fantasy - vốn là dòng sách chủ đạo của chúng tôi. Nhân vật trong truyện có những đặc trưng riêng, thú vị, đa dạng nhưng không hề bị trộn lẫn. Câu chuyện hấp dẫn với nhiều chướng ngại khó khăn mà các nhân vật dần phải tháo gỡ với những nút thắt bất ngờ tăng tình tiết hồi hộp”, dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty Chibooks (đơn vị xuất bản và phát hành cuốn sách của Cao Việt Quỳnh), lý giải.
Theo thông tin từ đơn vị này, sau gần 1 tháng ra mắt, số lượng sách Người sao chổi: Cuộc chiến vòng quanh thế giới bán ra không thua kém tác phẩm của những cây viết “người lớn”. Cách làm việc với tác giả nhí dù khác so với thông thường khi đơn vị xuất bản phải ký hợp đồng bản quyền với mẹ của Cao Việt Quỳnh, nhưng chế độ dành cho cây viết nhí này cũng không khác với những tác giả khác.
Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang, mẹ của Cao Việt Quỳnh, cậu bé Quỳnh bắt đầu đọc sách sau khi vào học lớp 1, với những thể loại như sách vũ trụ, khoa học, địa lý, viễn tưởng… Khi Quỳnh 8 tuổi, em bắt đầu viết truyện kèm tranh minh họa trong vở ô ly. Đến khi Quỳnh 10 tuổi, em đã viết truyện trên máy tính. Nhà văn Quỳnh Trang cho hay, chị không phải là người khuyến khích con viết lách, thậm chí còn ra điều kiện và chỉ khi con hoàn thành điều kiện đó, thì mới cho phép con ngồi vào máy tính viết truyện.
Nhìn nhận về Cao Việt Quỳnh, dịch giả Nguyễn Lệ Chi cho rằng: “Việc một cậu bé 9 tuổi bắt tay vào viết sách và tự tạo ra một thế giới tưởng tượng cho riêng mình đã thể hiện được đầy đủ nội tâm phong phú và quá trình trưởng thành về tư duy của cậu”. Tuy nhiên, việc ứng xử với những tác giả nhí như Cao Việt Quỳnh, người lớn không thể áp đặt.
“Với các tác giả nhí, mọi thứ nên để thuận tự nhiên là điều tốt nhất. Điều đó mới giúp các em được thoải mái và không chút áp lực. Bởi việc sáng tác văn với các em cũng như việc bước vào một trò chơi mới mẻ và đầy sáng tạo. Nếu chúng ta muốn đồng hành thì chỉ có thể "chơi cùng", chứ không thể "dạy dỗ". Sự khuyến khích, động viên là cần thiết nhưng không nên thái quá, tránh gây cho trẻ cảm giác áp lực”, dịch giả Nguyễn Lệ Chi nói.
Cũng theo dịch giả này: “Nhân sinh quan và thế giới quan của con trẻ hoàn toàn khác với của người lớn. Vì vậy, chúng ta giúp tác giả nhí sự tự do thể hiện được nhân sinh quan và thế giới quan của chính tác giả, chứ không phải là sự áp đặt tư duy của người lớn”.
Bình luận (0)