Hóa bướm - Truyện ngắn của Trần Huyền Trang

03/03/2019 06:12 GMT+7

Thành phố của những người xưa cũ sẽ không còn nữa, vào một ngày không xa.

Tin đến trong một buổi chiều nắng réo rắt trên giàn bông giấy khoe những chùm bông lúc nào cũng hực lên thứ màu giòn rụm kiêu hãnh. Dụ nghe tin mà thấy mệt mệt trong mình. Chỉ trong buổi chiều mà nó gây nên một cơn địa chấn với độ sang chấn kinh thiên động địa, rung lắc dữ dội đến mức ai nấy đều cảm giác mình đang quay mòng mòng trong ảo giác cực mạnh.
Dụ nằm đong đưa trên võng mắc giữa hai cây cột cái trong nhà, thả một tiếng thở dài vào thinh không. Bên ngoài, hàng xóm hoang mang bình luận, lẫn trong những lo âu cũng có vài ba nỗi hoan hỉ chợt lóe lên. Giọng bà Ba Hề cười khùng khục, mặt thư thái lạ lùng, trong khi những khuôn mặt còn lại hầu như đều biến dạng vì những nếp hằn cáu kỉnh, hờn giận có căn cứ.
- Hơi đâu lo chi mau già mấy ông mấy bà ơi! Họ giải tỏa thì phải đền bù, mình lấy đó mà mua nhà chỗ khác ở cho nó sướng. Tiếc chi cái chốn lập lòe này!
Ba Hề quả không hổ danh là người lạc quan nhất xứ này. Chuyện gì qua “lăng kính” của bà từ đục ngầu đều trở thành trong veo lung linh lóng lánh. Nhưng không phải ai cũng có trí óc “trời quang mây tạnh” như bà. Cả xóm náo loạn cả lên. Những cái miệng bài hãi loan tin đi khắp nơi với những dị bản được thêm mắm dặm muối cho đậm đà vào.
Nơi được ngẫu nhiên mặc định là khu phố đẹp nhất của những “người xưa” tồn tại an nhiên qua bao nhiêu năm, nay bỗng dưng chỉ còn là một bãi rác dưới con mắt phàm trần. Đâu chỉ có những người thân thích với những di thể còn sót lại dưới kia biết xót cho một kiếp người. Xóm ngụ cư của Dụ, dù chỉ là những phận bần hàn, từ phu hồ đến bần cố nông tụ lại, cũng đều rưng rưng một nỗi niềm tiếc nhớ ray rứt khôn nguôi khi chứng kiến thời huy hoàng của “khu phố người xưa” đang lịm tàn như bóng tà phía xa thành phố.
Dụ không có người thân nào đang ở tình cảnh “dưới ba tấc đất là nhà” trong khu nghĩa trang rộng lớn này. Ông bà già của Dụ đã mất từ hồi chiến tranh, năm Dụ còn chưa đầy mười tuổi. Trong một bữa Dụ đang lăn lê ngoài rẫy khoai mì chơi cướp cờ bằng mớ cành khoai mì mới nhổ cùng lũ bạn trong xóm thì đạn pháo nổ rung trời. Cả đám nhanh chóng nhảy xuống hầm dã chiến trong rẫy khoai ẩn nấp, bịt hai lỗ tai, nhắm tịt hai con mắt, miệng lầm rầm cầu trời khấn Phật cho con được sống.
Dụ được ơn trên thương, che chở nên vẫn sống đến hôm nay. Nhưng ông bà già Dụ thì không được phước lành như vậy. Trận bom đó bằm nát mái nhà ba gian của Dụ thành những mảnh vụn. Ông bà già Dụ cũng hóa khói trong đám cháy. Những giấy tờ quan trọng chỉ còn là vụn tro tàn. Trên Dụ còn một ông anh Hai, đẹp trai nhất nhà. Nhưng luẩn quẩn đến năm mười tám tuổi anh cũng bước lên chuyến tàu sinh tử bị gài mìn, rồi đi mải miết không về nữa. Dưới Dụ là một cô em gái khờ khạo, ngày đói chỉ biết đi nhặt nhạnh những thứ rơi vãi từ các sạp hàng bông ngoài chợ chồm hổm đầu làng, khát thì khum tay hứng nước dưới ao mà uống.
Cái thời loạn lạc lấy hầm làm nhà, lấy bòn bon khoai sắn thay cơm, ra đến chỗ tụ tập đông đúc Dụ chỉ biết đảo mắt tìm thứ gì có thể thó được rồi luồn vào lưng quần để dành cho hai anh em trám miệng. Có khi Dụ bị đám côn đồ xóm đánh thừa sống thiếu chết chỉ vì giành nhau miếng khoai sượng bà bán khoai thảy ra đất. Cũng trong một trận đòn tương tự như thế sau này, khi Dụ cố kiếm con cá tươi về cho đứa em đang thèm thuồng, sau nhiều năm không biết nạc cá mùi gì, Dụ lạc mất em gái. Khoảnh khắc Dụ bị quay cuồng trong những nắm tay cố thoi vào hõm ngực sâu hoắm của mình, mắt hoa lên chỉ thấy xung quanh toàn những màu đỏ tươi như máu, lâu lâu lại thẫm đen như món thịt cháy trên bếp, thì em gái Dụ biến mất không dấu vết. Sau, Dụ cố dò hỏi từng người trong xóm, có ai chứng kiến trận đòn của Dụ hôm đó, có ai nhìn thấy em tui lần cuối cùng hôm đó, có ai không?
Bẵng đi vài chục năm, không ai có câu trả lời cho Dụ. Những người già lần lượt kiễng chân về xứ khác an cư. Thanh niên trai tráng cũng nhón gót chân sang xứ khác làm ăn, kiếm tìm một tương lai nên hình nên dạng hơn ở cái xứ mờ mịt tăm tối này. Dụ còn neo đậu mảnh đất này là vì còn muốn tìm em gái. Những anh thợ hồ ở nhà thầu mà Dụ xin một chân culi nói, thôi đừng tìm em nó nữa, biết ở chân trời góc bể nào mà tìm. Giờ, hãy tìm một cô vợ, gửi gắm phần đời còn lại cho cô ấy, để sau này còn có những đứa con mà cậy nhờ, nương tựa.
Nói vậy mà Dụ đi thật. Mảnh đất cũ sau nhiều năm vắng chủ đã trở thành đất công quỹ. Nhiều người nói Dụ khờ, có đất mà không ở, lại đi đâu cho cực thân. Tại người ta không phải Dụ, làm sao người ta thấu cái cảnh mỗi tối nằm chèo queo nghe muỗi vờn bên tai, nhớ người thân đến mức nhắm mắt thấy họ chập chờn trước mặt. Dụ mất ngủ đã bao nhiêu đó năm, vậy chưa đủ để rời đi và tìm một duyên cớ khác hay sao?
Dụ ăn nhờ ở đậu ở mép đất của cái nghĩa trang này ngót nghét hơn hai mươi năm. Mảnh đất rộng lớn này xưa chỉ là một vạt rừng tràm, đến mùa là hoa tràm lại bung nở rực rỡ, bướm vờn quanh rập rờn như một vườn hoa khổng lồ. Nhưng hoa tràm không thơm, mùi hăng hắc, ngửi nhiều sẽ ngã ngửa ra mà say, cái đó người ta gọi là ngộ độc mùi hương. Cũng may, về sau những cây tràm khổng lồ lần lượt bị đốn hạ, thay vào đó là những khối đất ong màu nâu đỏ cổ kính. Càng về sau càng nhiều khối đất ong được tạo tác nên, rồi nó thành khu phố nhộn nhịp của những người xưa cũ. Đàn bướm rồi cũng tan tác rời đi khi không còn chốn dung thân. Dụ và những người hàng xóm thường khề khà với nhau trong những đêm trăng, tiếng dế kêu ri ri như đang tấu nhạc cho cư dân “thành phố buồn” thưởng thức. Chỉ cách đô thành hoa lệ dăm ba cây số, mà mấy ai biết có thể nghe tiếng dế tưởng chỉ còn trong huyền thoại.
Nhưng tiếng dế không phải thứ duy nhất níu chân Dụ lâu đến vậy. Còn một thứ khác có sức ghì ghê gớm, đó là một lời hứa, với một người không máu mủ ruột rà.
***
Ông già ấy, mỗi năm Dụ chỉ được gặp đúng một lần, vào những ngày cuối cùng của tháng chạp, khi khu phố này chộn rộn tiếng người, tiếng cuốc xẻng, khói hương nghi ngút bốc lên thành những lùm to. Đó là ngày mà người thân dù bận việc mấy cũng phải quay về tảo mộ, dọn dẹp “chỗ ở” sạch sẽ cho người đang nghỉ ngơi dưới kia vui lòng.
Mỗi năm là mỗi lần Dụ thấy ông khác đi rất nhiều. Không phải vì những nếp nhăn lần lượt in hằn chồng chéo trên khuôn mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi, mà mỗi năm dường như ông càng kiệm lời hơn.
Dụ nhận trách nhiệm chăm sóc ngôi mộ này giúp ông ngay từ khi mới tập tễnh gia nhập xóm ngụ cư. Thật lạ là, xóm vài chục người hành nghề tảo mộ thuê, những thanh niên thường ngày làm thợ hồ, đến cuối năm, hết công trình, ngồi nhà chờ người đến thuê đi tảo mộ đầy ra đó nhưng ông chỉ chọn mỗi Dụ. Chắc vì Dụ có khuôn mặt ưa nhìn, hiền, thật thà, nhìn cái là có niềm tin ngay. Năm nào ông cũng đặt vào tay Dụ một phong bì đàng hoàng mà chỉ cần nhìn qua là Dụ biết vợ con sẽ được phần sung sướng gần như hết năm. Dụ không biết tại sao ông đối đãi với mình như một người họ hàng, một người thân lâu ngày gặp lại như thế. Anh luôn hàm ơn người từng chìa tay ra khi anh đang loạng choạng tìm một thứ có thể níu mình nấn ná lại cõi người.
Đó là những tháng ngày mà Dụ nhìn đâu cũng ra bóng đêm mờ mịt, khi vợ Dụ lịm người trong những cơn đau. Khối u không ngừng nhô lên trong khối tế bào, tiêu diệt từng mầm sống mong manh trong cơ thể nhỏ bé. Nhiều đêm Dụ nhìn vợ xuyên qua ánh đèn, chỉ thấy một thứ màu xanh trong suốt, xanh tê tái. Rồi Dụ nhìn lại đôi tay mình, không khá khẩm hơn. Dụ cố kìm nén những tiếng thở dài, để lại khuôn mặt rầu rĩ của mình bên ngoài bậc cửa. Trên chiếc phản kê sát vách tôn nóng hầm hập, ánh mắt vợ Dụ vẫn hắt lên thứ ánh sáng ngời ngời, như là cô ấy đã tìm ra nguồn sáng hy vọng mà vịn vào.
- Anh nhớ ông chủ mộ không? Ông ấy là người tốt. Không lẽ ông ấy sẽ ngoảnh mặt khi chúng ta thật sự cần?
Dụ bối rối rít một hơi thuốc dài, rồi búng nhanh cán thuốc xuống đất, dụi dụi chân dập đốm lửa.
- Nhưng ông ấy sẽ nghĩ gì? Mình đã chịu ơn người ta nhiều rồi. Để anh nghĩ cách khác.
Nhưng Dụ xoay mãi vẫn không ra cách. Có ở vào tình cảnh này mới thấy thật chua chát khi ngồi kiểm lại các mối quan hệ đều làng nhàng, bạn bè xóm giềng đều phải sấp ngửa lo miếng ăn hằng ngày như Dụ, thì giúp anh bằng cách nào?
Ông già nhìn Dụ hồi lâu, rồi đặt bàn tay run run lên vai Dụ, xoa xoa:
- Đã có tôi ở đây, cậu đừng lo!
Dù có lúc Dụ đã mắng cuộc đời sao chua chát, nhưng ngay lúc khốn cùng nhất, cuộc đời vẫn tỏ ra bao dung với anh. Ông già như một quới nhân, một con người vô cùng tử tế mà có lẽ anh đã tu vài kiếp mới có duyên gặp gỡ. Bao lâu nay Dụ sống bên cạnh những người im lặng, là những con người tử tế, ít ra là khi họ nằm ngoan ngủ ngon ở phía yên bình kia. Dụ giao tiếp với họ qua những ánh sáng nhấp nháy của bầy đom đóm dạo chơi bên trong khu phố hằng đêm, nơi mà bà Ba Hề mở miệng ra là mỉa mai nó bằng hai tiếng “lập lòe”. Từ khi đàn bướm và rừng tràm biến mất, bầy đom đóm lại sinh sôi nảy nở, như một sự hoán đổi tự nhiên hoàn hảo.
Dụ rất quý ông, bao nhiêu tâm sự đều kể ông nghe không sót một đoạn nào. Nhưng bao nhiêu đó dường như vẫn chưa đủ thuyết phục ông kể cuộc đời mình cho anh nghe. Chỉ biết ông từng là lính, từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, rồi mất ngủ triền miên sau di chứng chiến tranh. Mắt ông giờ đã mờ hơn trước, tay nổi rõ những nếp nhăn già nua, đồi mồi.
- Tôi sẽ kể cậu nghe, vào một dịp thích hợp.
Ông giữ đúng lời hứa. Trong những ngày cận kề phải thực hiện di dời theo lệnh giải tỏa, ông đã đưa Dụ đến một ngôi chùa nhỏ ở vùng ven ngoại ô. Ông muốn nhờ Dụ đưa người thân của ông về đây. Đây là nơi ông hay lui tới, sẽ tiện cho việc thăm nom.
- Anh cũng sẽ thường xuyên tới đây chứ, được không ?
Dĩ nhiên, Dụ sẽ làm, dù không biết người mà mình chăm sóc cho mộ phần hằng năm là ai, có thể là vợ ông, hoặc cha mẹ người thân nào đó của ông. Bao năm qua, dù chỉ chăm sóc cái chỗ nằm cho họ, anh cũng thấy thân thuộc như người nhà của mình. Ông và những người khác còn may mắn hơn anh là có thể gặp gỡ và chăm sóc người thân đã khuất của họ. Bao năm qua Dụ vẫn đau đáu một nỗi niềm, em gái anh đang ở đâu, sống chết thế nào, sung sướng hay vất vả.
Dụ gật đầu, nhìn đôi tay run run gỡ chiếc nón trên đầu một cách cẩn trọng, thấy tim mình nhói lên cảm giác tiếc nuối, hẫng hụt. Ông đang cố truyền cho anh một thông điệp nào đó, mà tay cứ run run quẹt lên khóe mắt nhăn nheo.
- Tôi phải nói cậu nghe điều này, nhưng cậu hãy hứa sẽ tha lỗi cho tôi nhé?
Dụ ngạc nhiên nhìn sững ân nhân. Tha thứ điều gì kia chứ?
- Có lẽ cậu chưa từng biết tôi là ai. Nhưng tôi biết rõ về cậu, và cả em gái cậu.
Em gái ư? Dụ bật dậy, xoay lấy tay ông, khẩn thiết:
- Ông biết em tôi sao? Em ấy ở đâu? Còn ông, ông là ai?
- Tôi là người mà nếu biết cậu sẽ không ngừng nguyền rủa.
Cuộc đời như một cuốn phim đang tua chậm lại trước mắt Dụ, qua giọng kể khàn đục run run của ông.
Cậu biết không, đến tận bây giờ, cảm giác hèn mọn vẫn còn đeo bám mãi không buông tha tôi. Cứ chợp mắt là tôi lại thấy em gái cậu, ánh mắt con bé mở to tròn xoe như đang oán hận, không ngừng trách cứ. Giá như tôi bớt ích kỷ, có lẽ con bé vẫn còn sống, và hôm nay cậu có cơ hội chăm sóc cho em mình bằng xương bằng thịt, không phải chỉ là những mảnh vụn vô tri vô giác dưới kia.
Mồ hôi rịn ra từ trán Dụ mỗi lúc một nhiều. Những cơ mặt anh co thắt liên tục, giật nháy theo từng lời một đang tuôn chảy đều đều từ ông.
Tôi gặp con bé trong trận chiến khốc liệt của mùa xuân năm đó, cái năm mà chỉ nhắc đến ai cũng không thể chặn những ký ức về nó tuôn trào. Trong một buổi chiều chập choạng, đội chúng tôi phải băng qua hai quả đồi trọc để vào làng, đánh động cho mọi người di tản sớm trước khi có pháo kích. Đó là những ngày cuối năm, dù trong hoàn cảnh khốc liệt nhưng nhìn đâu cũng có vài cụm mai vàng rực rỡ bên hiên nhà. Những đòn bánh tét treo trên giàn bếp còn bốc khói nghi ngút trong ánh mắt háo hức của lũ trẻ đói ăn. Dĩ nhiên, chỉ có những nhà có điều kiện mới có được món ngon khiến nhiều kẻ phải thèm thuồng. Nhìn những thứ ấy, chúng tôi nhớ nhà khôn tả. Cậu biết rồi đấy, lính mà, luôn ở giữa lằn ranh mong manh nhất của cuộc đời. Chúng tôi thèm nhiều thứ vô cùng bình dị nhưng lại là điều xa xỉ vào lúc bấy giờ. Nỗi thèm thuồng rất bản năng lại làm chúng tôi có chút xao nhãng, và chính nó trở thành ám ảnh suốt đời lính tráng. Chúng tôi bị mật phục, đánh từ tứ phía, không kịp trở tay. Tôi đã nhìn thấy con bé đứng tần ngần bên chái bếp, nơi có cây sào treo bánh tét của ngôi nhà nọ. Có vẻ nó rất đói và đang mệt lả người. Nhưng con bé cũng rất thính tai, chừng như nó phát hiện điều gì đó đang đe dọa tất cả, nó không ngừng phẩy tay ra hiệu cho chúng tôi ẩn nấp nhưng không kịp. Tiếng đạn pháo loạn xạ trên đầu, tôi chỉ kịp nhảy phốc vào bụi chuối rậm rạp ẩn mình. Đồng đội có người đã bị thương. Con bé chìm trong đám người rầm rập tháo chạy, tiếng trẻ con khóc thét xé toạc tim mình. Con bé lầm lũi cô độc, ánh mắt dáo dác kiếm tìm, nhìn bộ dạng đó, tôi biết nó là đứa trẻ lạc. Thời buổi đó, tìm lại được người thân chỉ có thể nhờ phép màu. Tôi đã định sẽ bò lại gần chỗ nó, kéo nó đi tìm một chỗ ẩn nấp an toàn. Nhưng đồng đội tôi đang bị thương rất nặng và chúng tôi không được phép bỏ rơi người vào sinh ra tử với mình trong bất kỳ tình huống nào. Tôi cõng cậu ấy vượt làn đạn về căn cứ và nhanh chóng trở lại tìm con bé.
Cậu biết gì không? Con bé nằm yên chỗ đó, ôm đòn bánh trong lòng, ánh mắt vẫn tròn xoe ngơ ngác như hỏi rằng tại sao mình còn chưa kịp được ăn miếng bánh. Tôi đã làm đủ mọi cách để giữ lại được hình hài của nó, nhờ người tìm ra được nơi con bé từng thất lạc. Có người quen của anh nhìn thấy, và đã giúp tôi trông coi con bé. Mãi đến khi chiến tranh kết thúc, tôi mới có thể mang nó đến đây, sau khi tìm anh khắp mọi nơi. Nhưng hãy tha lỗi cho tôi, nỗi giày vò quá lớn khiến tôi có cố gắng mấy cũng không dám mở lời.
Dụ nắm tay ông không rời. Không, chẳng ai có lỗi, ngay cả khi cuộc đời bất công nhất, thì cuối cùng cội rễ của những nỗi buồn cũng có thể được bứng sạch khỏi tâm trí ta. Như mỗi năm trôi qua đều mang theo những hỉ nộ ái ố rất phàm trần, thì cuối cùng hoa vẫn nở, mùa xuân vẫn hé môi cười.
Ông không có lỗi, mà chính ông đã tái sinh cuộc đời giúp vợ Dụ được sống thêm lần nữa. Ông không có lỗi vì ông là một người tử tế.
À, tôi quên kể ông nghe, từ khi đưa em gái về chùa, ngày nào cũng có một con bướm sặc sỡ đậu lên bậc cửa nhà tôi, rồi lại bay. Có lẽ, em về thăm mà tôi không biết.
Có phải con bướm màu vàng với những đốm trắng rất to trên cánh không? Đêm nào tôi cũng thấy, cứ chợp mắt là tôi thấy, có khi nó còn đậu trên tay tôi thật lâu, như an ủi, vỗ về, cậu à!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.