Hoàng Đôn Vân - như ánh sao băng

24/09/2021 06:58 GMT+7

Quân Pháp bao vây và xông vào lục soát hãng xưởng Brossard Mopin và nhà riêng của Hoàng Đôn Vân. Ngay lập tức chúng bắt nhốt Hoàng Đôn Vân vào khám lớn Catinat và tịch biên gia sản.

Ngày 23.9.1945, gần một tháng sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền, ở Sài Gòn, dựa vào 5 vạn quân Anh, thực dân Pháp làm chính biến đánh chiếm dinh Đốc lý, Phủ Toàn quyền và hầu hết các trọng điểm hành chính.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp (1907 - 1995) kể lại: “Sau khi phát hiện nhà Hoàng Đôn Vân và hãng xưởng là nơi có hệ thống tổ chức cách mạng lật đổ chính quyền, giặc Pháp bao vây, bố ráp, lục soát và bắt Hoàng Đôn Vân. Chúng dán áp phích hài tội Hoàng Đôn Vân chống nhà nước bảo hộ khắp nơi, tuyên bố tử hình”.

TỔng hành dinh của công nhân Sài Gòn

Sách Lịch sử Sài Gòn thời kỳ 1945 - 1975 (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2006) ghi lại sự kiện ngày 25.8.1945, gần một triệu người đổ về trước Phủ Toàn quyền (nay là dinh Thống Nhất), tuần hành trên các đường phố trung tâm Sài Gòn, biểu tình thị uy và mừng Cách mạng Tháng Tám thành công.
Sau đó, biển người đổ về phía dinh Đốc Lý (nay là UBND TP.HCM). Từ ban công của dinh, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch long trọng công bố danh sách Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ gồm: Trần Văn Giàu (Chủ tịch), Nguyễn Văn Tạo (Ủy trưởng Nội vụ), Phạm Ngọc Thạch (Ủy trưởng Ngoại giao), Ngô Tấn Nhơn (Ủy trưởng Kinh tế), Nguyễn Phi Hoanh (Ủy trưởng Tài chính), Hoàng Đôn Vân (Ủy trưởng Lao động), Dương Bạch Mai (Ủy trưởng Quốc gia Tự vệ cuộc), Huỳnh Văn Tiểng (Ủy trưởng Tuyên truyền và Thanh niên), Nguyễn Thanh Sơn (Thanh tra Chính trị).
Trong số các lực lượng nòng cốt giành chính quyền tại Sài Gòn có lực lượng công nhân và Thanh niên Tiền phong của hãng xưởng Brossard Mopin. Với gậy tầm vông, tre, nứa đang ngâm tẩm trong hồ của phân xưởng gỗ được vạt nhọn, đã được Hoàng Đôn Vân chỉ đạo trang bị cho Thanh niên Tiền phong khởi nghĩa. Sau đó, với tư cách Ủy trưởng Lao động trong Ủy ban Hành chính lâm thời và Chủ tịch Tổng công đoàn Nam bộ, Hoàng Đôn Vân triệu tập nhiều phiên họp tại Văn phòng hãng xưởng Brossard Mopin (nay là số 104/5 Mai Thị Lựu, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM). Ông De Nouex - chủ xưởng Brossard Mopin, được Hoàng Đôn Vân thuyết phục, đã không phản kháng, mà trở về Pháp, bàn giao toàn bộ hãng xưởng lại cho Hoàng Đôn Vân quản lý. Từ đó, ngôi nhà trở thành tổng hành dinh công khai của lực lượng công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Chủ tịch công đoàn Nam bộ

Hoàng Đôn Vân sinh tại làng Đại Đồng, xã Tam Quan, H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Do thời thực dân Pháp văn bản hành chính đánh máy chữ không dấu nên cũng có người gọi ông là Văn. Thiếu thời, Hoàng Đôn Vân hiếu động, thông minh, học giỏi. Ông đã tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản năm 1930 và từng tổ chức Công hội đỏ tại Sài Gòn. Lớn lên từ quê hương sục sôi cách mạng, riêng gia quyến họ Hoàng, thực dân Pháp đã bắt 7 người ngay thời kỳ đầu thành lập Đảng Cộng sản.
Sau ngày Nam bộ kháng chiến, lực lượng vũ trang lui ra chốt giữ các cứ điểm ven nội thành và vùng ngoại thành Sài Gòn. Nhân dân nổ ra các cuộc bãi công, bãi khóa, bãi thị đòi thả tù chính trị, đòi thả Hoàng Đôn Vân. Trước sức ép của quần chúng và không có bằng chứng để kết tội, thực dân Pháp buộc phải thả Hoàng Đôn Vân ra. Ông tiếp tục tham gia lãnh đạo công nhân và nhân dân Sài Gòn chiến đấu chống xâm lăng.
Âm mưu đánh úp và bắt giữ những người lãnh đạo cuộc kháng chiến Nam bộ thất bại, sau 10 ngày bị giam chân trong nội thành Sài Gòn, đại tá Cédile phải mời lãnh đạo Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ thương thuyết. Thực chất của cuộc thương thuyết này chỉ để quân Pháp chờ viện binh.
Vừa tiến hành đấu tranh vũ trang, những người lãnh đạo Nam bộ kháng chiến vừa tiến hành đấu tranh chính trị. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đó là cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Ngày 6.1.1946, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tập trung bỏ phiếu, quân Pháp kéo đến khủng bố, không ít lá phiếu nhuốm máu những người tham gia tổng tuyển cử. Được trả tự do về với nhân dân, Chủ tịch Tổng liên hiệp Công đoàn Nam bộ Hoàng Đôn Vân trúng cử đại biểu Quốc hội tại Sài Gòn cùng 4 đại biểu khác là Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Trấn, Huỳnh Văn Tiểng, Lý Chính Thắng.
Sau đó, bàn giao công việc tại Tổng công đoàn Nam bộ cho ông Nguyễn Lưu - Chỉ huy trưởng vũ trang công nhân, ông Vân ra Hà Nội họp Quốc hội. Đi ngang quê nhà Bình Định, ông được bà con quê hương mít tinh đón tiếp trọng thể. Ông cũng có bài diễn thuyết kêu gọi nhân dân ủng hộ cách mạng, ủng hộ Mặt trận Việt Minh.
Dự kỳ họp đầu tiên của Quốc hội xong, Hoàng Đôn Vân trở lại miền Nam. Khi đến cầu Đò Lèn thuộc ngã ba sông Chu - sông Mã tỉnh Thanh Hóa, ông bị một toán vũ trang đón đường đưa đi mất tích. Người đương thời nhận định, lúc đó, có thể ông rơi vào tay lực lượng Việt Nam Quốc dân đảng phản động. Như ánh sao băng, ông vụt sáng trong những ngày đầu độc lập. Sau ngày thống nhất đất nước, Hoàng Đôn Vân được công nhận liệt sĩ và được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Độc lập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.