Họp bàn giải cứu văn hóa cùng UNESCO

24/04/2020 07:01 GMT+7

Cùng với 129 nước là quốc gia thành viên của UNESCO, Việt Nam đã họp bàn về việc cần có chính sách để giải cứu văn hóa .

Chúng ta cần văn hóa, văn hóa cần chúng ta

Cuộc họp để bàn việc “giải cứu văn hóa nghệ thuật” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tổ chức online ngày 22.4. Tham dự có đại diện hơn 130 quốc gia thành viên của tổ chức, các đại diện này phần lớn là Bộ trưởng Văn hóa. Đại diện Việt Nam trong cuộc họp là Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông. Cùng dự với ông Tạ Quang Đông có Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS) Bùi Hoài Sơn và Cục trưởng Cục Quan hệ quốc tế Nguyễn Phương Hòa. Mỗi quốc gia có 3 phút để trình bày tóm tắt báo cáo về hiện trạng văn hóa nghệ thuật đã ảnh hưởng ra sao vì đại dịch Covid-19, đề xuất chính sách hỗ trợ nghệ sĩ.
“Đây là một cuộc họp quan trọng, do đích thân Tổng giám đốc UNESCO là bà Audrey Azoulay (nguyên cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp) chủ trì. Việc tổ chức cuộc họp này chứng tỏ các quốc gia đều đang quan tâm đến nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, các không gian sáng tạo. Một trong những chủ đề mà hội thảo nhấn mạnh là “Chúng ta cần văn hóa và văn hóa cần chúng ta”, ông Bùi Hoài Sơn cho biết.
“Văn hóa đưa chúng ta đến với nhau. Chính vì thế, đây là lĩnh vực chịu những ảnh hưởng nặng nề từ các quyết định phong tỏa trong những tuần gần đây”, bà Audrey Azoulay, nêu vấn đề.
Theo ông Sơn, các quốc gia thành viên đều nhất trí về việc sau dịch bệnh Covid-19, văn hóa sẽ bị ảnh hưởng. “Văn hóa vật thể, phi vật thể đều bị ảnh hưởng. Điều này sẽ ảnh hưởng tới phát triển bền vững của thế giới. Các quốc gia đều gặp khó khăn giống nhau ở chỗ do giãn cách xã hội, văn hóa nghệ thuật không có khán giả, không được tổ chức hoạt động, mất nguồn thu, mất việc làm”, ông Sơn nói.
Về các ý kiến được phát biểu tại cuộc họp, ông Sơn cho biết: “Họ cũng đưa ra khuyến nghị, giải pháp giống chúng ta thôi. Đó là các nhóm giải pháp chia thành ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đó là chính sách giảm thuế, miễn thuế, hay chính sách sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ tổ chức văn hóa nghệ thuật hoặc thành lập quỹ hỗ trợ”.
Họp bàn giải cứu văn hóa cùng UNESCO1

Các không gian văn hóa đóng cửa và chịu thiệt hại về tài chính vì Covid-19

Ảnh: Manzi

Ông cũng cho biết điều đầu tiên cuộc họp đã đạt được là nâng cao nhận thức về việc chúng ta không chỉ cần kinh tế, mà văn hóa nghệ thuật cũng quan trọng trong đời sống con người. Các nước cũng có xu hướng tạo ra mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong “giải cứu văn hóa trong dịch Covid-19”. “Sẽ có một tuyên bố của UNESCO gửi tới các quốc gia thành viên dựa trên biên bản cuộc họp”, ông Sơn nói.

Quan tâm và điểm nghẽn

Tại cuộc họp, Thứ trưởng VH-TT-DL Tạ Quang Đông báo cáo hiện trạng “giải cứu văn hóa” mà Chính phủ Việt Nam đưa ra cho tới giờ phút này. Theo đó, Chính phủ đưa ra 2 gói hỗ trợ. Gói thứ nhất 62.000 tỉ đồng (khoảng 2,6 tỉ USD) hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người lao động tự do, buôn bán nhỏ lẻ, người làm thuê không có hợp đồng lao động… Gói thứ hai 180.000 tỉ đồng (khoảng 7,8 tỉ USD) gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất doanh nghiệp, gia đình, cá nhân kinh doanh.
Như vậy, các tổ chức văn hóa nghệ thuật trong các ngành sáng tác, nghệ thuật và giải trí, thư viện lưu trữ, bảo tàng, khởi nghiệp sáng tạo... có thể nhận được sự hỗ trợ dưới 2 hình thức: trợ cấp thất nghiệp, mất thu nhập, giảm thu nhập... trực tiếp và trợ cấp qua gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Ông Đông cũng chia sẻ những đề xuất của Bộ với Chính phủ Việt Nam. Bên cạnh việc nghiên cứu tổng thể tác động của dịch Covid-19 với văn hóa, Bộ cũng đề xuất riêng một gói cứu trợ cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật - sáng tạo. “Việt Nam được đánh giá cao vì chúng ta có báo cáo đề xuất các giải pháp với Chính phủ về văn hóa nghệ thuật. Nó thể hiện trách nhiệm của chúng ta với lĩnh vực này”, ông Sơn nói.
Về hành động ngắn hạn, Bộ VH-TT-DL đề nghị miễn thuế VAT năm 2020, giảm thuế VAT đối với tất cả các tổ chức văn hóa nghệ thuật. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng được hoãn nộp trong 6 tháng. Miễn thuế thu nhập cá nhân 2020 - 2021 cho các nghệ sĩ, người thực hành văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam. Đề xuất lãi suất ưu đãi đặc biệt cho các khoản vay ngân hàng. Hỗ trợ miễn phí, giảm phí cho việc sử dụng các công nghệ hỗ trợ hoạt động truyền thông, hoạt động nghệ thuật trực tuyến cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật.
Về dài hạn, Bộ đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ văn hóa nghệ thuật ứng phó với khủng hoảng (nguồn từ ngân sách nhà nước và từ xã hội hóa). Xây dựng các chương trình hợp tác công tư, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thực hành văn hóa nghệ thuật… “Để thực hiện chính sách dài hạn, cần có sự góp sức của các ngành khác. Chẳng hạn, việc thành lập Quỹ hỗ trợ văn hóa nghệ thuật ứng phó khủng hoảng, hiện nay chúng ta chưa có quỹ nào. Nhưng chỉ có thể thành lập quỹ này khi có luật riêng về hiến tặng tài trợ, đây là một điểm nghẽn”, ông Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.