Huế - Đà Nẵng chung tay trùng tu Hải Vân Quan

17/09/2018 19:54 GMT+7

Các nhà nghiên cứu cơ bản đồng tình với phương án khôi phục di tích Hải Vân Quan theo nguyên trạng thời Nguyễn, có bảo tồn thích nghi một số hạng mục phát sinh về sau.

Chiều 17.9, tại hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Sở VH-TT TP.Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến về phương án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy di tích Hải Vân Quan.

Tại hội nghị, đại diện Phân viện Khoa học Công nghệ và Xây dựng tại miền Trung (Viện Khoa học CNXD - Bộ Xây dựng) đã báo cáo tư vấn hai phương án trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, gồm: Phương án 1 phục hồi toàn bộ các công trình phía trong ranh giới vùng 1 bảo vệ di tích, một đoạn đường Thiên Lý Bắc Nam về cả phía Huế và Đà Nẵng, theo nguyên trạng di tích dưới thời nhà Nguyễn. Các công trình nằm giữa ranh giới vùng 1 và vùng 2 của di tích (công trình xuất hiện từ 1945-1975) sẽ được bảo tồn thích nghi. Phương án này theo đó sẽ có 15 hạng mục, với kinh phí khoảng hơn 39 tỉ đồng. Phương án 2 đề xuất bảo tồn nguyên trạng các công trình được xác định có trước 1975, đặc biệt thời kỳ chiến thắng Đồn Nhất (Pháp thuộc), với kinh phí đề xuất hơn 23 tỉ đồng.
Quan cảnh buổi hội nghị Ảnh: B.N.L

Góp ý tại hội nghị, TS. Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế, cho rằng ông thống nhất phương án 1 và đề nghị hai địa phương xin phép Bộ Quốc phòng để hạ giải một số công trình của giai đoạn chống Pháp-Mỹ để tôn tạo di tích theo nguyên bản thời Nguyễn, chỉ giữ lại một số lô cốt phù hợp và đề nghị trong dự án phải bổ sung bãi đỗ xe, khu hạ tầng dịch vụ, cơ sở dịch vụ, nhà trưng bày...

Sau khi chỉ ra rất nhiều thông tin chưa chính xác từ tài liệu đề xuất dự án được đưa ra để xin ý kiến, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề nghị Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với đơn vị tư vấn để điều chỉnh cho chính xác với lịch sử. Ông Hoa cơ bản đồng tình với phương án 1, nhưng cũng lưu ý trong quá trình lập dự án, các đơn vị phải đặc biệt chú ý đến các cứ liệu lịch sử, đặc biệt là trong phần Kinh sư của Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Nhất thống chí, Ô Châu Cận lục... đã ghi chép khá chi tiết về di tích Hải Vân Quan. Ông góp ý, khi khôi phục một đoạn của con đường Thiên Lý Bắc Nam, sân đệm thì phải khôi phục cả hai phía Huế và Đà Nẵng như nhau. Đặc biệt, bia chiến thắng Đồn Nhất (thời Pháp) phải cân nhắc để lựa chọn địa điểm phù hợp trong tổng thể của công trình. Cùng với đó, ông Hoa đề nghị phải có quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch, dịch vụ cho công trình để phát huy giá trị di sản sau khi phục hồi.
Phối cảnh phương án 1 đề xuất dự án bảo tồn, trùng tu Hải Vân Quan Ảnh: B.N.L
TS Nguyễn Quan Trung Tiến, một nhà nghiên cứu lịch sử chuyên sâu về Hải Vân Quan, cũng góp ý từ nhiều nguồn tư liệu ghi chép của người Pháp mô tả về Hải Vân Quan. Ví dụ như vì sao con đường Thiên Lý Bắc Nam trong khai quật có đoạn bị mất dấu, đó là đoạn được nối bằng cầu gỗ, đã được ghi chép. Về các cánh cửa của công trình Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan không phải làm bằng gỗ mà là cửa gỗ bọc sắt cũng đã được ghi chép và cửa Hải Vân Quan về phía Đà Nẵng dày hơn, vì có tính chất phòng thủ. Ông Tiến cũng lưu ý, những công trình của Hải Vân Quan, ngoài chức năng phòng thủ, giao thông còn có các yếu tố về phong thủy rất quan trọng cần được nghiên cứu kỹ...

Tại hội nghị, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, các nhà chuyên môn và quản lý cơ bản thống nhất đồng tình lựa chọn phương án 1. Tuy nhiên, các đơn vị lập dự án phải khảo sát kỹ tư liệu lịch sử, hoàn chỉnh dự án và bổ sung các hạng mục hạ tầng dịch vụ như bãi đỗ xe, khu dịch vụ… Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhiều cứ liệu lịch sử mô tả chi tiết công trình Hải Vân Quan qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau để bổ sung cho tổng thể về cảnh quan, chi tiết công trình cũng như những yếu tố lịch sử, văn hóa, phong thủy… của di tích mà đề nghị trong quá trình lập dự án phải đặc biệt lưu ý.

Tư liệu hình vẽ về di tích Hải Vân Quan thời Nguyễn Ảnh: Tư liệu
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng những ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu sẽ được lãnh đạo hai địa phương lắng nghe, tiếp thu để hoàn thiện dự án và sớm triển khai thực hiện.

“Đây là di tích lịch sử quan trọng, thắng cảnh không chỉ của hai địa phương mà còn của miền Trung và quốc gia. Công trình trùng tu di tích Hải Vân Quan sau khi được thực hiện sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, gạch nối giữa hai vùng Thuận-Quảng, Huế-Đà Nẵng, công trình biểu tượng cho sự đoàn kết giữa hai địa phương Huế và Đà Nẵng, trong việc chung tay gìn giữ các giá trị di sản quốc gia”, ông Nguyễn Dung nhấn mạnh.

Di tích Hải Vân Quan, được Bộ VH-TT-DL ban hành quyết định xếp hạng di tích quốc gia ngày 14.4.2017, đến ngày 28.3.2018, Bộ VH-TT-DL tiếp tục có quyết định cho phép Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan thuộc thị trấn Lăng Cô (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) và P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) để bổ sung hồ sơ khoa học phục vụ công tác nghiên cứu, lập dự án trùng tu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.