A Hy TV hiện đang là kênh YouTube “ăn nên làm ra” khi sở hữu hơn 700.000 lượt người đăng ký. Kênh này xây dựng “thương hiệu” bằng những video gắn mác người dân tộc thiểu số phía Bắc cùng bối cảnh vùng cao đặc trưng. Đáng chú ý, A Hy TV lấy nhân vật anh Tộc (A Hy) làm trung tâm, tập trung khai thác những trường hợp “dở khóc dở cười” của người dân tộc khi tiếp xúc với những thứ mới lạ trong cuộc sống hiện đại.
Tuy nhiên, không chỉ làm sai lệch bản sắc của dân tộc thiểu số, những người thực hiện kênh này còn gây bức xúc dư luận khi truyền bá nhiều nội dung độc hại. Nhiều video clip của kênh đều gắn với những hành vi thiếu ý thức, thậm chí là đồi trụy của nam chính. Đi từ phần thumbnail (ảnh hiển thị bên ngoài) của mỗi vlog, phía ê-kíp luôn chủ động cắt ghép, giật tít bằng những hình ảnh nhạy cảm hoặc cố tình gây chú ý bằng phông chữ khổ lớn có nội dung tục tĩu.
|
Ngoài ra, phần kịch bản của các clip trên A Hy TV cũng bị khán giả lên án dữ dội. Nhân vật anh Tộc thường xuyên dùng những lời lẽ khiêu khích, gợi dục với phụ nữ. Ngoài ra, người này cũng được đặt để trong những tình huống nhạy cảm, dẫn đến việc đụng chạm thân thể phụ nữ nhằm mục đích gây cười. Đặc biệt, các nhân vật nữ trong clip cũng được trang bị quần áo gợi cảm, có khi hở hang trong suốt quá trình "diễn xuất". Điển hình, trong video Anh Tộc đi buôn hoa gặp cô chủ dễ tính, nhân lúc cô gái bị té ngã, nam chính bám chặt vào ngực cô, cố tình kéo dài thời gian bằng những câu thoại sáo rỗng. Ngoài ra, các video khác cũng lồng ghép những hành động phản cảm như: sờ đùi, bắt phụ nữ thay đồ nơi công cộng, đi rao bán áo ngực, đi khám vùng kín…
Với số người theo dõi "khủng", A Hy TV cũng tỏ ra vô cùng "nhạy bén" về mặt sản xuất nội dung. Trước nhiều sự kiện nóng, nhóm này liên tiếp bám theo xu hướng nhằm lôi kéo khán giả. Không chỉ tái hiện hình ảnh nhóm ăn xin mặt đen gây hoang mang dư luận trước đây, kể chuyện thịt heo tăng giá…, các YouTuber của kênh này còn khai thác câu chuyện liên quan đến dịch Covid-19 với nhiều chi tiết phản cảm như: dùng áo ngực làm khẩu trang, cưa gái mùa dịch…
Mặc dù kênh YouTube của A Hy TV hiện nay đã ẩn hết các video, nhưng trên trang fanpage vẫn còn giữ lại hàng loạt nội dung. Trung bình, mỗi video có hàng trăm ngàn lượt xem, có khi đạt đến triệu view. Ngoài ra, lượng tương tác cùng chia sẻ của người dùng với con số không nhỏ cũng khiến dư luận lo ngại sự phát tán của những clip có nội dung phản cảm như trên.
|
Tuy nhiên, A Hy TV cũng nhận về hàng loạt chỉ trích từ cộng đồng mạng. Hàng loạt tài khoản đã lên tiếng phản đối, thậm chí đăng đàn tố giác, yêu cầu pháp luật xử lý. Một người dùng tức giận: “Kịch bản nhảm nhí, trang phục dân tộc lẫn lộn kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia, nhân vật đóng CSGT hay công an không ve hàm, mặc quần áo CSGT nhưng đội mũ quân đội hay của mấy bác khiêng đòn nhà tang lễ”. Một cư dân mạng khẳng định: “Bọn này vớ vẩn lắm, mục đích là thu hút lượt xem để kiếm tiền. Nhưng nội dung thì không thể chấp nhận được. Cần kiến nghị gỡ kênh này trên YouTube”...
Ngoài ra, nhiều người cũng thẳng thắn lên án, đòi “tẩy chay” A Hy TV: “Cần chấn chỉnh xử lý ngay”, “Phản đối mấy kênh này, phải cấm luôn, toàn xuyên tạc linh tinh”, “Tẩy chay ngay. Em nghe loáng thoáng cái giọng điệu cũng không thể tiêu hóa nổi”, “Tôi mong muốn mọi người tẩy chay, lên án, xóa những cái clip bôi bác về người dân tộc thiểu số chúng tôi”, “Đúng là sao nhại lộn ngược, cần nghiêm túc chấn chỉnh, không con cháu đời sau bị nhiễm độc”, “Mấy cái thứ thập cẩm tào lao này phải quét vào sọt rác”, “Toàn đóng hài..., vi phạm thuần phong mỹ tục”…
Ủy ban Dân tộc vừa có công văn gửi Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đề nghị xử lý trường hợp vi phạm của kênh YouTube A Hy TV. Trong công văn, phía này nêu rõ: “Nội dung một số tiểu phẩm có nhiều hình ảnh, lời thoại và thông tin tục tĩu, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và nhân quyền của người dân tộc thiểu số và gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc. Điển hình là trường hợp kênh YouTube A Hy TV, với hơn 721.000 lượt theo dõi”.
Ngoài ra, theo Ủy ban Dân tộc, hành vi của A Hy TV đã vi phạm khoản 2 điều 5 Hiến pháp năm 2013: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Điều này cũng dẫn đến việc gây hiểu lầm về văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc thiểu số của Việt Nam. Ngữ Yên
|
Bình luận (0)