Khai diễn đêm tôn vinh 100 năm cải lương trên phố đi bộ TP.HCM

13/01/2019 06:59 GMT+7

Vào lúc 19 giờ 30 ngày 13.1, tại quảng trường phố đi bộ Nguyễn Huệ, diễn ra chương trình nghệ thuật 'Biểu diễn và tôn vinh 100 năm nghệ thuật Sân khấu cải lương hình thành và phát triển'.

Chương trình do Ban tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn TP.HCM tổ chức, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phối hợp cùng Công ty cổ phần Báo Thanh Niên thực hiện, Báo Thanh Niên bảo trợ thông tin.
Những ngày này, khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) thật sự là ngày hội lớn của nghệ thuật sân khấu cải lương. Một sân khấu hoành tráng có diện tích hơn 600 m2 được dựng ngay giữa ngã tư Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế. Trước sân khấu, dọc hai bên đường là mô hình của 8 sân khấu rực rỡ với hình ảnh, pa nô, áp phích các vở tuồng, gương mặt nghệ sĩ ngôi sao trụ cột của 8 đơn vị xã hội hóa - lực lượng chủ lực hiện tại đang hoạt động, giúp sân khấu cải lương tại TP.HCM sáng đèn: Công ty dịch vụ giải trí Kim Tử Long, Sen Việt, sân khấu Lê Hoàng, đoàn nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà, đoàn nghệ sĩ Vũ Luân, Thắp sáng niềm tin, đoàn Minh Tơ, đoàn Huỳnh Long. Khoảng giữa của phố đi bộ, ngay gần ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Huệ là khu vực triển lãm tranh chân dung hơn 100 nghệ sĩ cải lương tài danh do họa sĩ Trương Văn Ý vẽ và những hình ảnh, tư liệu quý về lịch sử 100 năm cải lương.
Trong suốt 4 buổi chiều tối 9, 10, 11, 12.1, các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng tập trung đến tập dượt, chạy chương trình, tổng duyệt, diễn phúc khảo... Cả con phố đi bộ đông kịt vì sự tò mò, háo hức đón xem của người dân và du khách quốc tế. Chị Ngọc Nhi (nhà ở đường Đồng Khởi, Q.1) cho biết: “Nào giờ chỉ xem các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng qua các băng video, DVD hoặc trên truyền hình, nay được thấy bằng xương bằng thịt một lực lượng thật đông đảo nghệ sĩ tài danh như Minh Vương, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Thanh Kim Huệ, Thoại Miêu, Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Vũ Luân… tập trung hết tại đây, quả thật là một sự kiện có một không hai”.
Vẻ đẹp và sức hút của cải lương vẫn còn vẹn nguyên khi khán giả đã “mục sở thị” phần tập dượt chương trình với những giọng hát, câu ca, điệu thức, bài bản của cải lương cùng các động tác ra bộ đặc trưng trên sân khấu qua một mạch các trích đoạn diễn liền lạc nhau như tuồng Bạch Đằng Giang dậy sóng, Thái hậu Dương Vân Nga, Cờ nghĩa Tây Sơn, Bão táp Nguyên Phong, Rạng ngọc Côn Sơn, Duyên kiếp, Thuận lòng trời, liên khúc Hồ Quảng… 
Tổng đạo diễn Hoa Hạ cùng ban đạo diễn gồm: Lê Mỹ Phượng, Nguyên Đạt, Trung Thảo, Lê Việt; đạo diễn âm nhạc Đức Trí, Thanh Liêm dường như không ngủ và đã “quần quật” suốt mấy ngày nay tại sân khấu ngoài trời này để hoàn thiện, cân chỉnh các công đoạn cuối cùng. Soạn giả Hoàng Song Việt, người viết kịch bản biên tập chương trình cùng Hồng Phượng, chia sẻ: “Sự hình thành và phát triển của sân khấu cải lương không thể tách rời khỏi sự thăng trầm của thời cuộc. Vì vậy, trong kịch bản chúng tôi đưa vào những giai đoạn có dấu ấn mà thời cuộc và sân khấu cải lương gắn liền với nhau”.
Tổng đạo diễn Hoa Hạ tiết lộ: “Lần này chúng tôi chọn công nghệ sân khấu xoay 360 độ để chuyển cảnh các trích đoạn cũng như tạo sự mới mẻ, bất ngờ cho người xem. Chương trình sẽ có các phần nêu bật các cột mốc quan trọng của sân khấu cải lương; giới thiệu thành quả của nghệ thuật sân khấu cải lương, các giải thưởng Thanh Tâm, Trần Hữu Trang và vinh danh các nghệ sĩ, gia tộc, hãng đĩa có nhiều cống hiến trong lĩnh vực nghệ thuật này; tái diễn nhiều trích đoạn nổi tiếng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.