Khán giả đeo khẩu trang, xem Tuấn Nam và Tùng Dương tung hứng cùng jazz

17/08/2020 12:24 GMT+7

Concert Tuấn Nam Jazz diễn ra tối 16.8 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) không chỉ là chương trình đánh dấu chặng đường mới của Tuấn Nam, mà hơn hết còn là cuộc hội ngộ của những nghệ sĩ chơi nhạc jazz nổi bật.

Trở về nước sau thời gian kết thúc khóa học thạc sĩ chuyên ngành piano jazz với học bổng toàn phần tại Trường Malmo (Thụy Điển), nghệ sĩ Tuấn Nam đã “chào sân” bằng liveshow nhạc jazz tại Hà Nội và TP.HCM.

Nhưng sau đó, anh quyết định gia nhập “gia đình” Anh em và gắn bó cùng ban nhạc nhạc trong suốt 10 năm. Lúc đó, nhiều người thầm tiếc cho sân khấu jazz Việt. Rồi Tuấn Nam quyết định trở lại, và còn hơn thế…

Tuan-Nam

Nghệ sĩ Tuấn Nam trở lại với jazz như "cá gặp nước"

Ảnh NSCC

Chương trình tại Nhà hát Lớn khởi động cho chuỗi những hoạt động tiếp theo với jazz của Tuấn Nam. Bài Feel like home do Tuấn Nam sáng tác đã mở đầu cho chương trình như lời chào trở về nhà - trở về với nhạc jazz mà anh muốn nói.

Nhìn và nghe Tuấn Nam chơi nhạc thấy như “cá gặp nước”, thỏa sức vẫy vùng, thăng hoa… Nhiều người có thể “trách” sao Tuấn Nam đã xa jazz lâu đến vậy. Nhưng có lẽ, mọi việc đều có lý do, để bây giờ người nghệ sĩ đủ độ chín, đủ quyết tâm và cả sự dũng cảm.

Nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh, một trong những nghệ sĩ tiên phong của nhạc jazz tại Việt Nam, cũng như tạo nên dòng jazz Việt, nói: “Tôi hạnh phúc khi trong đêm nhạc này, hầu hết những nghệ sĩ ở đây đều gọi tôi là bố. Thế hệ tôi đã đặt những viên gạch đầu tiên, chỉ mong những thế hệ tiếp sau sẽ cất cánh bay”.

Quyen-Van-Minh

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh, một trong những nghệ sĩ đầu tiên đặt nền móng cho nhạc jazz tại Việt Nam

Ảnh NSCC

Trên sân khấu, nghệ sĩ Quyền Văn Minh chơi tác phẩm Sông nước Hậu Giang do ông sáng tác. Con trai ông, nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc, đã tiếp nối với tác phẩm Một nét Huế cũng do chính anh viết. Có thể thấy những nét nhạc mang âm hưởng âm nhạc truyền thống của Việt Nam trong các tác phẩm.

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh cho hay, nghệ sĩ jazz thế giới vẫn chơi thang âm pentantonic (thang âm ngũ cung). Âm giai ngũ cung rất phổ biến trong âm nhạc dân gian Việt Nam. “Vậy cớ gì nghệ sĩ nước ngoài chơi được, mà nghệ sĩ Việt Nam không chơi?”, ông nói.

Quyen-Thien-Dac

Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc trong chương trình

Ảnh NSCC

Nếu Thủy Bùi là một gương mặt quen thì Hà Lê lại giống như một người khách mới “gõ cửa” nhạc jazz. Anh thể hiện 2 ca khúc Heal the world (Micheal Jackson) và Ở trọ (Trịnh Công Sơn), cho thấy sự pha trộn của jazz và nhiều thể loại âm nhạc khác.

Sự xuất hiện của Tùng Dương như để tung hứng cùng Tuấn Nam. Trước đây, họ từng học cùng lớp tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Tùng Dung tiết lộ, cả hai cùng có điểm chung là học thì tốt mà mãi không… tốt nghiệp được vì còn “nợ” môn thể dục. Biết nhau cùng thích một cô, hai người cùng nhường nhau. Cô gái ấy sau này chính là bà xã của Tuấn Nam bây giờ.

jazz-night

Khán giả được yêu cầu đeo khẩu trang trong suốt chương trình

Ảnh NSCC

Không chỉ là những câu chuyện thân tình, Tùng Dương còn mang đến sự chia sẻ về âm nhạc với Tuấn Nam. Bởi nhạc jazz cũng là thế mạnh của Tùng Dương.

Anh là một trong những giọng ca hát nhạc jazz xuất sắc khi học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Giọng hát của Tùng Dương như "đối thoại" cùng Tuấn Nam và ban nhạc với Thu cạn - Cỏ và mưa, Misty - Cô đơn, Lullaby of birdland.

Nam-Jazz-Night

Các nghệ sĩ tham gia chương trình

Ảnh NSCC

Khán giả thưởng thức đêm nhạc được yêu cầu đeo khẩu trang trong suốt chương trình. Ai không có đều được nhân viên nhà hát phát ngay tại cửa vào.

Khán giả đến với đêm nhạc có lẽ một phần để ủng hộ Tuấn Nam cùng sự quyết tâm và dũng cảm quay trở lại jazz của anh, và cũng một phần, như nghệ sĩ Quyền Văn Minh nói: sau nhiều năm, sân khấu Hà Nội mới có một đêm nhạc jazz đúng nghĩa, đẳng cấp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.