Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi (Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi), việc phát hiện văn hóa Sa Huỳnh từ năm 1909 bắt nguồn từ viên thuế quan người Pháp tên M.Vinet. Ông này thấy dân chúng Sa Huỳnh đào nhiều mộ chum gốm nên đã nghiên cứu và thông tin trên tập san Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Có thể nói, mộ chum là nét riêng của văn hóa Sa Huỳnh. PGS-TS Nguyễn Lân Cường (Hội Khảo cổ học VN) cho biết trong hàng chục địa điểm phát hiện văn hóa Sa Huỳnh, thì có 10 nơi còn giữ được di cốt người cổ như Bầu Hòe, Bình Ba, Bình Yên, Gò Dừa, Gỏ Mả Vôi, Gò Quê, Hòa Diêm, Mỹ Trường, Suối Chình, Xóm Ốc, trong đó một nửa là ở Quảng Ngãi. Các tư liệu cổ nhân học của cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã làm sáng tỏ chủ nhân nền văn hóa này nói riêng và nguồn gốc dân tộc VN nói chung.
Ông Andreas Reinecke, Trưởng phòng Khảo cổ học Đông Nam Á, Viện Khảo cổ học Đức, cho biết văn hóa Sa Huỳnh có hiện vật khuyên tai 2 đầu thú rất đặc biệt. Đây là hiện vật có biểu tượng cao của văn hóa thời tiền sử ở Đông Nam Á. Những khuyên tai này tìm thấy hầu hết trong mộ táng niên đại trước năm 100 trước Công nguyên.
Theo TS Phạm Thị Ninh (Hội Khảo cổ học VN), những nghiên cứu cho thấy địa chất, địa hình, địa mạo đảo Lý Sơn hình thành sau các đợt phun nổ, phun trào bazan cách đây khoảng 10.000 năm. Những kiến tạo địa chất đã tạo nên các kỳ quan thiên nhiên đặc sắc, thuộc dạng địa hình hiếm có trên thế giới.
Bình luận (0)