Không gian sáng tạo: Sớm nở tối tàn

25/05/2018 08:13 GMT+7

Nhiều không gian sáng tạo được mở ra nhưng không trụ nổi chỉ sau thời gian ngắn. Hiện chưa có chính sách hỗ trợ nào cho những doanh nghiệp sáng tạo như vậy.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), cho biết: “Không phải lúc nào chủ các không gian sáng tạo cũng thuận lợi về kinh doanh, vì thế dễ rơi vào cảnh sớm nở tối tàn”. Đây là thông tin tại lễ công bố báo cáo UNESCO về tái định hình chính sách văn hóa, tổ chức ngày 23.5 tại Hà Nội.
Cùng với Zone 9 (Hà Nội), 3A (TP.HCM) từng là niềm tự hào của những người theo đuổi giấc mơ về các khu công nghiệp sáng tạo trong nước, nhưng cả hai ngọn cờ đầu này đều đã không còn. Sau khi Zone 9 bị thu hồi đất, những nghệ sĩ tách ra từ đây đã thuê đất và lập ra khu sáng tạo mới X98 tại Hoàng Cầu, Hà Nội. Tuy nhiên, X98 vừa một lần nữa bị đòi lại đất.
Bà Nguyễn Phương Thảo (Hội đồng Anh) cho biết trong 4 năm qua, số lượng không gian sáng tạo mà đơn vị này nghiên cứu đã tăng từ 40 (2014) lên 140 hiện nay, tập trung ở Đà Nẵng, Huế, Hà Nội và TP.HCM.
Bà Phạm Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO VN, cho biết thế giới đang chứng kiến xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghiệp văn hóa. Ở đó, các không gian sáng tạo như vườn ươm của các doanh nghiệp văn hóa. Hiện có hơn 100 TP trên thế giới tham gia mạng lưới TP sáng tạo UNESCO.
Cần chính sách năng động từ địa phương
PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho rằng hiện ngành công nghiệp văn hóa, các không gian sáng tạo là khu vực mới mẻ với VN, với nhiều nhà quản lý. “Vấn đề là bây giờ phải xây dựng chính sách cụ thể. Tôi tổng kết nhiều mô hình phát triển công nghiệp sáng tạo ở Anh, Hàn Quốc, Mỹ..., bài học rút ra là trong giai đoạn đầu thì chính sách đóng vai trò quan trọng”, ông Quang nói.
Chẳng hạn ở Hàn Quốc, năm 1997 chính phủ dành hơn 459 triệu USD cho văn hóa nghệ thuật. Ngân sách quốc gia cho văn hóa nghệ thuật tăng từ 0,6% (1998) lên 1,05% (2005). Hàn Quốc cũng có những chính sách thuận lợi cho công nghiệp xuất bản, điện ảnh, âm nhạc để làn sóng văn hóa Hallyu lan tỏa ra các nước. Ở Nhật Bản, chính phủ đã lập Quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa nghệ thuật với nguồn quỹ lên tới vài chục tỉ yen từ chính phủ và tư nhân vào năm 1990. Ngân sách hỗ trợ văn hóa tăng từng năm.
Ông Quang cho biết các doanh nghiệp văn hóa VN hiện chưa được định danh. “Chính vì thế, khi đăng ký hoạt động chỉ được xếp vào doanh nghiệp bình thường, không được hưởng lợi gì về mặt quy định pháp lý cả. Chúng ta cần xây dựng chính sách cụ thể, đầu tư, thuế, ưu đãi cho nó trong thời gian đầu”, ông Quang nói.
“Chúng ta chưa có quỹ nào thực sự nhắm tới đối tượng các không gian sáng tạo này, mặc dù đã hình thành quỹ phát triển xã hội. Nếu so sánh với các nước, chúng ta khá tụt hậu. Làm thế nào để chính sách cấp tỉnh, thành phố giải quyết được điều này, làm thế nào để chính sách công nghiệp sáng tạo lan tỏa đến các thành phố lớn và năng động là điều cần quan tâm”, bà Hường nêu vấn đề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.