Nhu cầu lớn nhưng chất lượng kém
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, cho biết đã từng tham gia khảo sát về nhu cầu giỗ Quốc tổ trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ông đã đi CH Czech, Áo, Hungary và Pháp, và thấy cũng có nhiều băn khoăn rằng có nên hình tượng hóa Quốc tổ thành những tượng và tượng đài hay không. “Chúng tôi mang một tượng composit nhẹ thôi. Khi sang tới đó, bà con đều rất tôn trọng bức tượng. Nhu cầu tượng Quốc tổ Hùng Vương là có thật”, ông Dương Trung Quốc nói.
Mặc dù vậy, ông Quốc cũng cho rằng, việc cụ thể hóa biểu tượng này thành một hình tượng nghệ thuật, một tượng đài thì lại khó. “Nếu nói vua Hùng là biểu tượng, ta nhất trí rất nhanh. Nhưng để thể hiện thành một hình tượng nghệ thuật, lại phải rất thận trọng. Chẳng hạn, nếu muốn cá thể hóa thành một tượng Hùng Vương thì đó là Hùng Vương thứ nhất hay thứ mười tám? Rồi bên cạnh Quốc tổ Hùng Vương còn có cả Lạc Long Quân cũng là Quốc tổ, ông Kinh Dương Vương cũng là Quốc tổ. Cứ thế mà đi ngược mãi…”, ông Quốc nói.
Theo Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, tượng Quốc tổ trên cả nước hiện khá hạn chế về nghệ thuật. Nhiều tượng Quốc tổ bị sơn vẽ tả thật một cách thái quá, thiếu tính thẩm mỹ. “Khảo sát cả nước hiện chưa có công trình tượng Quốc tổ Hùng Vương nào được xây dựng đúng với tính chất quy mô của công trình tượng đài, mà chỉ dừng lại ở dạng tượng thờ trong đền hoặc khu tưởng niệm, hoặc tượng trang trí phục vụ du lịch”, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, nói.
|
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ, cho biết hiện tại nhiều người rất muốn có tượng đài Hùng Vương ở các vị trí như tiền tiêu Tổ quốc, biên giới hải đảo. “Có nhiều đoàn ra Trường Sa đều ra đền Hùng xin đất, chân hương để mang ra đảo. Kiều bào cũng hay xin như vậy. Có thể xây dựng tượng đài ở Hà Giang hay Trường Sa…”, ông Thủy nói.
Tượng thờ hay tượng đài
PGS-TS Phạm Mai Hùng, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, cho biết Hội Di sản văn hóa VN và Hội Khoa học lịch sử VN đã nhiều lần tham vấn cho Văn phòng T.Ư Đảng về việc xây dựng tượng đài Quốc tổ. Chẳng hạn, Hội Di sản từng không tán thành việc xây tượng đài trên trục đường đi vào đền Hùng, mà phải đặt tượng đó ở quảng trường Hùng Vương ở Phú Thọ.
|
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, giá trị lớn nhất của biểu tượng Hùng Vương chính là việc thờ cúng tổ tiên. Đây cũng là giá trị đã được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. “Cái thế giới ủng hộ là tục thờ cúng tổ tiên chứ đâu phải tượng đài vua Hùng. Tượng đài không phải là thờ cúng. Nên tôi không ủng hộ việc xây dựng tượng đài khắp nơi. Nhưng xây dựng các cơ sở thờ cúng thì tôi ủng hộ. Chưa kể tượng đài là ngôn ngữ phương Tây. Chúng ta nên quay về truyền thống là thờ tượng trong nhà. Tôi cũng đề nghị không làm tượng bán thân, các cụ rất kỵ chuyện đó”, ông Quốc nói thêm.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị, cho rằng nên chú ý xây nơi thờ tự. Việc xây dựng cũng không thể theo cách làm tượng với bất cứ giá nào. Về việc khó hình dung hình dáng vua Hùng, ông Chính đưa giải pháp: “Có thể dựng cột biểu tượng Hùng Vương dựng nước. Đó là cột biểu tượng văn hóa. Không cần ông Hùng Vương đứng đó. Cột thay cho 18 đời vua Hùng”, ông Chính nói.
Theo GS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, nếu muốn hạn chế số lượng thì cần phải đủ quy mô quy định mới được làm. Về không gian, nên hạn chế xây dựng tượng đài ngoài trời và xây dựng tượng đài ngoài trời phải đủ quy mô diện tích dạng công viên - tưởng niệm. Bên cạnh đó, cũng nên khuyến khích xây dựng các công trình thờ cúng Hùng Vương ở các quy mô khác nhau.
Bình luận (0)