Kiệt tác 'Cô gái bán hoa' và nền điện ảnh ít được biết đến của Triều Tiên

23/02/2019 09:13 GMT+7

Điện ảnh Triều Tiên vẫn là bức tranh mơ hồ, xa lạ với khán giả quốc tế. Trong đó, Cô gái bán hoa có lẽ là tác phẩm được biết đến nhiều nhất. Thế nhưng, đây không phải thứ duy nhất khi nói về phim ảnh nước này.

Phim ảnh là công cụ để tuyên truyền

Phim ảnh vốn là một lĩnh vực được các nhà lãnh đạo Triều Tiên chú trọng phát triển sớm. Từ ông Kim Nhật Thành rồi đến người kế nhiệm Kim Jong Il đều được biết đến là những nhà cầm quyền có niềm đam mê đặc biệt với môn nghệ thuật thứ bảy. Thậm chí, ông Kim Jong Il đã từng xuất bản cuốn sách có tên On the Art of The Cinema. Trong đó, vị chính trị gia này xem phim ảnh như một công cụ để giáo dục và truyền bá lý tưởng của nhà nước đến nhân dân. Từng có những thông tin cho rằng cha của ông Kim Jong Un đã bắt cóc các nhà làm phim từ Hàn Quốc để sản xuất những tác phẩm chất lượng cho Triều Tiên. Đạo diễn Shin Sang Ok và vợ là nữ diễn viên Choi Eun Hee là hai trường hợp được nêu ra.

Hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il (ảnh) đều tin vào câu nói của Lênin: "Điện ảnh là quan trọng nhất trong tất cả các nghệ thuật”. Chính vì thế, các bộ phim thời kỳ đầu của Triều Tiên thường được sử dụng làm phương tiện để thấm nhuần tư tưởng nhà nước vào người dân ẢNH: REUTERS

Các hoạt động sản xuất và phân phối phim đều được giám sát chặt chẽ bởi chính quyền. Tại quốc gia Đông Á này, Đài truyền hình Trung ương là đơn vị duy nhất cung cấp truyền hình và người dân chỉ có thể xem tivi trên các kênh của nhà đài nói trên. Họ cũng không được tiếp xúc nhiều với phim ảnh nước ngoài.

Hầu hết các hãng phim tại Triều Tiên đều được thành lập bởi nhà nước. Đơn vị sản xuất phim lớn nhất tại nước này là Xưởng phim truyện Triều Tiên ra đời năm 1947 với trường quay rộng tới 930.000m2 được đặt tại ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng. Theo một báo cáo, hãng sản xuất khoảng 40 bộ phim một năm, chiếm một nửa số lượng phim được ra mắt.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng sở hữu một vài hãng phim nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức phim ảnh ngày càng cao của người dân trong nước như: Hãng phim tài liệu Triều Tiên (thành lập 1946), Hãng phim Khoa học Giáo dục Triều Tiên (SEK Studio, thành lập năm 1953) hay Hãng phim 25.4 (thành lập 1959). Năm 1987, Liên hoan phim quốc tế Bình Nhưỡng được tổ chức nhằm tạo cơ hội để quảng bá các tác phẩm trong nước đồng thời giao lưu với các nhà làm phim đến từ các nước đang phát triển. Năm 1994, tác phẩm Rừng Sậy của Việt Nam từng được vinh danh ở hạng mục Phim hay nhất tại liên hoan phim này.

Cô gái bán hoa và thời hoàng kim của điện ảnh

Điện ảnh Triều Tiên đã tận hưởng thời hoàng kim vào những năm 1970 và 1980 khi nhà nước tung ra khoảng 30 đến 40 bộ phim mỗi năm. Trong giai đoạn này, nhiều bộ phim chất lượng ra đời trong đó phải kể những bộ phim của đạo diễn người Hàn Shin Sang Ok như: Pulgasari (phim quái vật lấy cảm hứng từ Godzilla của Nhật), Chạy trốn, Tình yêu của tôi, Một sứ giả không trở lại…

Pulgasari, bộ phim quái vật đầu tiên của điện ảnh Triều Tiên với công nghệ làm phim còn hạn chế ẢNH: SHIN FILMS

Tử đạo cho Tổ quốc là chủ đề luôn được ưa chuộng tại quốc gia Đông Á này. Trong đó, bộ phim Số phận của một thành viên quân đoàn tự vệ, tác phẩm dựa theo cuốn tiểu thuyết của ông Kim Nhật Thành trong cuộc chiến chống lại sự chiếm đóng của Nhật Bản, là một trong những tác phẩm được ca ngợi và nổi tiếng nhất tại Triều Tiên. Ngoài ra, Biển máu, Đồng chí vĩnh cửu, Quốc gia và định mệnh… cũng là những cái tên tiêu biểu của dòng phim này.

Thế nhưng, nổi tiếng nhất trong số những bộ phim kể trên phải kể đến Cô gái bán hoa, tác phẩm cũng được khán giả quốc tế biết đến nhiều nhất khi nói về phim ảnh tại quốc gia vốn có những chính sách đóng cửa nghiêm ngặt này. Được sản xuất vào năm 1972 bởi cặp đạo diễn Pak Hak - Choe Ik Gyu và kịch bản do ông Kim Nhật Thành chấp bút, tác phẩm từng gây tiếng vang tại nhiều quốc gia trên thế giới. Phim là câu chuyện xoay quanh cuộc đời bất hạnh của Kotpun (Hong Yong Hee thủ vai), một cô gái bán hoa có hoàn cảnh thê lương sống khắc khoải trong xã hội Triều Tiên đang gồng mình dưới ách cai trị của phát xít Nhật và địa chủ phong kiến những năm 1930.
Cô gái bán hoa được chuyển thể từ vở nhạc kịch cùng tên. Vở diễn này được coi là Ngũ đại cách mạng nhạc kịch của Triều Tiên ẢNH: HÃNG PHIM BẠCH ĐẦU SƠN

Sau khi Cô gái bán hoa ra mắt, nữ diễn viên chính Hong Yong Hee không chỉ trở thành một gương mặt quốc dân tại quê hương mà còn được khán giả nhiều nước yêu mến, ngưỡng mộ. Hình ảnh của cô trong phim cũng được in lên tờ tiền 1 won của nước này. Tác phẩm của hai đạo diễn Pak Hak - Choe Ik Gyu cũng là phim Triều Tiên đầu tiên được vinh danh tại Liên hoan phim Karlovy Vary lần thứ 18 được tổ chức tại Tiệp Khắc. Cũng nhờ tiếng vang từ tác phẩm này, phiên bản kịch Cô gái bán hoa đã được trình diễn tại hơn 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có Pháp, Ý, Đức, Algeria, Nhật Bản...

Điện ảnh đương đại đang từng bước phát triển, cởi mở hơn

Những năm gần đây, điện ảnh Triều Tiên bắt đầu có những bước chuyển mình phù phù hợp với cách thức làm phim hiện đại. Những bộ phim như: Nhật ký nữ sinh (2006), Những con diều bay trên bầu trời (2008), Hoa trong tuyết (2011), Hoa gạo, Cậu bé đại tướng (2015)… ngày càng được đầu tư lớn về mặt kỹ xảo, diễn xuất lẫn bối cảnh.

Nhật ký nữ sinh, phim tâm lý dành cho lứa tuổi mới lớn được yêu thích tại Triều Tiên ẢNH: MAN SUDAE ART STUDIO

Việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phim ảnh cũng được chú trong hơn trước. Năm 2005, phim hoạt hình Thẩm Thanh Vương hậu ra mắt, đánh dấu dự án điện ảnh đầu tiên mà Hàn Quốc và Triều Tiên cùng bắt tay sản xuất. Đến năm 2012, tác phẩm hài lãng mạn Comrade Kim Goes Flying với sự tham gia của các nhà làm phim đến từ ba nước Anh, Bỉ và Triều Tiên cũng được trình làng, đánh dấu bước tiến mới trong mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa Bình Nhưỡng với một số nước phương Tây. Bên cạnh những bộ phim ca ngợi quê hương, tôn vinh chính quyền, cổ vũ quá trình xây dựng đất nước giàu đẹp, hiện đại, Triều Tiên đã bắt đầu có những bộ phim không tuyên truyền để xuất khẩu ra một vài thị trường quốc tế.

Thẩm Thanh Vương hậu, tác phẩm đánh dấu lần đầu hợp tác của điện ảnh Triều Tiên và Hàn Quốc ẢNH: KOAAA FILMS

Ngày nay, dưới thời đại lãnh đạo của ông Kim Jong Un, phim ảnh cũng như các chương trình truyền hình đang từng bước được cải tiến, đầu tư bài bản. Bằng chứng là trong bộ phim Những người hái nhân sâm trong cuộc chiến Imjin đang gây được tiếng vang tại Triều Tiên. Tác phẩm lấy bối cảnh thế kỷ 16 khi người dân trong nước phải chiến đấu chống lại cuộc xâm lăng của Nhật Bản. Phim được đánh giá có cốt truyện lôi cuốn, diễn xuất ổn định cùng trang phục, bối cảnh công phu. Thậm chí, những diễn viên vào vai quân Nhật cũng được tuyển chọn khắt khe, được đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát âm tiếng Nhật chuẩn nhất có thể.

Ông Kim Jong Un cũng chú trọng đến việc nâng cấp hiện đại các rạp chiếu phim. Hiện nay, người dân Triều Tiên có thể trải nghiệm phim ảnh với định dạng 3D, 4D tại một số rạp trong nước ẢNH: AFP
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.