Ký ức sân khấu: Hát bội đình làng

28/09/2020 06:16 GMT+7

Mỗi người đến với sân khấu bằng một con đường riêng và sân khấu trở thành ký ức, kỷ niệm, thành tình yêu lúc nào không rõ. Nhưng sân khấu không chỉ là sân khấu mà chung quanh nó còn có những nét đẹp, dấu ấn văn hóa của một vùng đất, của quê hương VN...

Tôi về quê ngoại Đồng Tháp sống khi 7 - 8 tuổi (khoảng những năm 1970) và biết đến hát bội cũng vào lúc đó. Trường tiểu học của tôi nằm cạnh đình làng, hôm nào cũng chạy qua đình chơi dưới bóng mát của những cây ô môi. Đình thần có thể nói là không gian đẹp nhất đối với dân làng.
Nhưng đình gắn bó với tuổi thơ tôi chính từ những buổi cúng kỳ yên có hát bội theo về. Từ xa đã nghe tiếng trống chầu rộn rã, đôi chân tôi muốn tung chạy thật nhanh. Nhưng tôi còn phải chờ bà ngoại đội mâm lễ đi cúng, quãng đường từ nhà tới đình khoảng 2 cây số. Ngoại lấy áo dài bằng vải the mà chỉ dịp quan trọng mới mặc. Từ sáng, ngoại đã nấu nồi xôi đậu xanh thơm phức, đổ ra cái mâm, vun tròn rất đẹp, dán thêm miếng giấy hồng điều và đội trang trọng trên đầu suốt quãng đường đi. Bà Năm, bà Tư, dì Tám... trong xóm cũng đội những mâm xôi, mâm bún tự làm, đi thành một đoàn thật đẹp.

Cúng đình, xem hát và ăn “cơm hội”

Khi ngoại tôi và nhiều người nữa lo việc cúng kiến trong đình thì lũ trẻ chúng tôi chạy ù ra chỗ sân khấu để coi hát bội. Sân khấu gọi là vỏ ca, bề ngang chừng 5 - 6 m, bề sâu chừng 4 - 5 m, nền gạch tàu, cao hơn hàng ghế khán giả một chút. Phông màn chỉ là vài tấm vải đỏ xanh thêu rồng phượng, gắn kim sa, mắt gà lấp lánh. Khán giả quan trọng như các ông bà chức sắc hoặc bô lão trong làng thì được ngồi ở chính giữa với chừng 5 hàng ghế đẩu bằng gỗ có lưng dựa. Tóm lại chỉ chừng 70 khán giả quan trọng được ngồi ngay chính diện mà xem, còn lại khán giả khác và đám con nít thì phải đứng phía sau hoặc lên ngồi ở những băng gỗ đặt hai bên cánh phải, cánh trái của vỏ ca. Băng gỗ được thiết kế theo kiểu bậc thang nên cũng dễ xem, lại được làm từ gỗ lâu năm rất dày và nặng, lên nước láng bóng, mát rượi. Đám con nít như chúng tôi xem hát xong, không chịu về, cứ nằm trên đó mà ngủ một giấc chờ coi tiếp suất chiều.
Suất sáng thường từ 7 - 8 giờ, hát tới 10 giờ 30 thì nghỉ ăn cơm; chiều 13 giờ hát suất nữa rồi nghỉ, tối 19 giờ thêm một suất cuối. Liên tiếp 3 ngày như thế, dân chúng coi hát đã đời. Năm nào chúng tôi cũng coi đến thuộc lòng những câu chuyện về nàng Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu thành; sợ nhứt chuyện San hậu, có ông gì bị chém đầu mà hiện hồn dẫn đường cho Triệu Tử Long ẵm đứa bé chạy thoát; rồi hình ảnh chàng Tiết Đinh San và nàng Phàn Lê Huê... cứ thế in sâu vào ký ức. Và xem hoài thì hiểu hết nghệ thuật ước lệ, ví dụ nghệ sĩ cầm cây roi có cột những túm lông thì biết đó là con ngựa, giựt giựt roi là đang phi ngựa. Đi vòng vòng sân khấu mà tư thế nhún nhảy gập ghềnh thì hiểu đã vượt mấy ngọn núi trắc trở. Tới những đoạn cao trào, kịch tính, nghệ sĩ thường đi xuyến hoặc đi gối thiệt đẹp, kỹ thuật này phải khổ luyện nên khán giả vỗ tay rần rần. Ông nào mặt đẹp hoặc râu dài là quan trung, ông nào mặt đỏ là tướng, mặt xanh mét là quan nịnh, mặt vẽ vằn vện là hung bạo... Vì vậy dù nghệ sĩ ca ứ ư ư rất khó nghe nhưng chỉ cần nhìn nhân dạng và biểu diễn là khán giả có thể hiểu được cốt truyện. Thời đó làm gì có micro, khán giả im lặng lắng nghe, không hề giỡn hớt. Điện cũng chưa kéo tới, vỏ ca được thắp sáng từ mấy cái đèn măng-xông, càng tăng thêm huyền ảo.
Đám nhỏ tụi tôi còn lén chui vô hậu trường xem nghệ sĩ hóa trang. Mấy chục nghệ sĩ hát bội chen chúc nhau trong khoảng trống chừng 15 m2 phía sau vỏ ca, nơi đó vừa làm chỗ trang điểm, thay phục trang, vừa là chỗ ăn uống, ngủ nghỉ. Một số nghệ sĩ treo võng tòn ten dưới sàn vỏ ca, vài người khác thì gục đầu ngay cái rương quần áo to đùng trong góc hậu trường mà ngủ ngon lành. Tôi còn nhìn thấy một cái nồi khá to, trong đó đầy những cục thịt kho xắt bự bự như kiểu kho rệu miền Nam dành cho các thành viên gánh hát. Sau này lớn lên tôi mới biết nghệ sĩ được ăn “cơm hội” ngay tại gánh hát, và khi cúng đình thì bữa cơm nào cũng được đình tặng cho, vì vậy đi theo gánh hát dù không có tiền cát sê thì cũng có hai bữa cơm ấm lòng.
Tụi con nít chúng tôi cũng được ăn cơm đình thoải mái. Coi hát xong, bọn tôi chạy xuống bếp đã thấy nhiều thức ăn bày trên bộ ván gọi là bộ ngựa to bằng cái giường đôi. Nào thịt kho, thịt quay, gà luộc, cơm, xôi, bún, chè... những gì dân làng đem cúng đều bày ra cho cả làng ăn. Tất cả ăn uống trong trật tự. Đúng là một hình thức “đám giỗ làng” mà tôi giữ mãi trong ký ức, nó chứa đựng sự gắn kết của cộng đồng và thể hiện sự hào phóng của vùng đất phương Nam.
Hát bội đình làng là một lễ hội chứa đựng nghệ thuật lẫn cách hành xử thân thiện, nó vừa giàu vật chất vừa giàu tình cảm, đã là hành trang cho tôi lớn lên.
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.