Làm mới cải lương

09/03/2018 06:55 GMT+7

Khi những tiết tấu sôi động của rock vang lên lúc vừa mở màn vở cải lương về đề tài cách mạng Hừng đông , có lẽ không ít người ngỡ ngàng trước thử nghiệm táo bạo này của Nhà hát Cải lương VN.

Đưa rock, bolero vào vở diễn
Hừng đông là vở cải lương nói về cuộc đời hoạt động của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, do PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản văn học, soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn. “Đây là một vở có nội dung về lịch sử Đảng, về những nhân vật đảng viên, nên khi dàn dựng, tôi đã nghĩ cách làm thế nào “làm mềm” vở diễn để dễ tiếp cận với khán giả, giúp người xem dễ cảm nhận hơn”, đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết.
Trong một lần tình cờ biết được HUB, một ban nhạc đường phố thuộc thế hệ 9X, đạo diễn Triệu Trung Kiên cảm thấy chất liệu âm nhạc của ban nhạc trẻ này có thể kết hợp vào vở diễn với ý tưởng: “Giống như một cuộc nói chuyện giao lưu giữa thế hệ cha ông và thế hệ trẻ còn hiểu rất ít về lịch sử đấu tranh cách mạng”. Và ban nhạc HUB đã làm tốt mong đợi này của đạo diễn khi xuất hiện trên sân khấu với vai trò vừa như một phần của vở diễn, vừa là người dẫn dắt câu chuyện. Sự xuất hiện của họ đã tạo một màu sắc mới cho sân khấu khi sự trẻ trung, sôi động của âm nhạc hiện đại được hòa quyện với những cung bậc của cải lương truyền thống.
Hừng đông đến nay đã có khoảng 10 suất diễn cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, và theo đạo diễn Triệu Trung Kiên, anh đều nhận được phản hồi tích cực, thể hiện sự thích thú trước sự cách tân cải lương đầy táo bạo này.


Cải lương cần không ngừng làm mới để bắt kịp hơi thở hiện đại và gần gũi khán giả hơn, đặc biệt là giới trẻ


NSƯT Kim Tử Long


Cuối tháng 1 vừa qua, nghệ sĩ Gia Bảo khi đầu tư dựng lại vở cải lương nổi tiếng Đời cô Lựu của cố soạn giả Trần Hữu Trang, diễn ở TP.HCM, cũng đã có ý tưởng đưa một số ca khúc bolero vào vở, thể hiện ở những đoạn chuyển cảnh. Hiệu ứng mang lại khá tích cực, bởi những ca khúc bolero khi được các ca sĩ cất lên đúng lúc đã đẩy cảm xúc người xem lên cao hơn.
Hết thời ca xong mới… chết
Theo NSƯT Kim Tử Long, cải lương hiện nay cần không ngừng làm mới để bắt kịp hơi thở hiện đại và gần gũi khán giả hơn, đặc biệt là giới trẻ. Cách dàn dựng, cảnh trí, trang điểm, cách hát, diễn… đều phải có sự cải tiến, để người xem không còn cảm giác cường điệu hóa trong cải lương. Ví dụ như cách trang điểm, trang phục hiện nay đã nhẹ nhàng, trang nhã hơn, không còn kiểu vẽ mặt thật đậm hay quần áo sặc sỡ, lòe loẹt quá. Âm nhạc được đưa vào đúng tình huống, không lê thê. Một bài vọng cổ cũng không quá rề rà, nhất là không còn kiểu chết rồi mà vẫn… ca vọng cổ. “Diễn cảnh chém xong rồi thì người hát phải là người chém chứ không thể là người bị chém, không thể cứ theo mô típ nhân vật phải ca xong một câu vọng cổ rồi mới chết”, nghệ sĩ Kim Tử Long dí dỏm.
Trong vở Xử án Phi Giao do NSƯT Kim Tử Long dàn dựng vào cuối tháng 12.2017, soạn giả Bạch Mai cũng đã viết lại một số đoạn trong kịch bản để vở diễn gần gũi hơn. Vở này đã gây chú ý khi suất diễn ở Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) cháy vé, ghế hàng VIP trước giờ diễn lên đến 6 triệu đồng/vé (giá thực tế là 2 triệu đồng/vé). Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho thấy khán giả vẫn dành tình cảm cho sân khấu cải lương, là động lực để những người làm sân khấu tâm huyết với nghề tiếp tục có những cải tiến hiệu quả.
Sẽ có thêm những thử nghiệm mới
Đạo diễn Triệu Trung Kiên nhận định: Cải lương là loại hình nghệ thuật có độ mở rất rộng, có sự giao thoa lớn nên khi đưa những thử nghiệm vào đúng chỗ, đúng lúc sẽ tạo ra cảm quan rất tốt và tạo những xúc cảm mạnh cho người xem. Các vở diễn sẽ trở nên rất truyền cảm, dễ xem, gần gũi, dù có nói về những đề tài khô khan thì vẫn có thể lay động cảm xúc người xem. Anh cho biết trong năm nay, để kỷ niệm 100 năm cải lương, nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc sẽ thực hiện chung một vở cải lương (sẽ công bố vào khoảng giữa tháng 4); trong đó những thử nghiệm mới cũng sẽ được đưa vào vở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.