Lắt léo chữ nghĩa: Cần vọt là cái gì?

09/06/2019 07:00 GMT+7

Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên giảng cần vọt là 'cần buộc thùng nước ở các giếng sâu'. Lời giảng này hoàn toàn mơ hồ.

Còn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức thì giảng: “Cây tre dài kẹp gần gốc giữa hai cây trụ trồng cách xa miệng giếng bằng bề dài cây tre từ ngọn tới nơi bị kẹp, nơi gốc tre bó thêm vật nặng cho đầu gốc nặng hơn đầu ngọn, dùng để kéo nước từ giếng lên”.
Lời giảng này đã cụ thể và sát hơn nhưng lại gắn khái niệm “cần vọt” vào khái niệm “giếng” mà trong Nam kêu là giếng cần vọt, trong khi thực ra cái cần vọt không chỉ dùng để lấy nước giếng. Chính vì vậy, trong những quyển từ điển song ngữ xưa, từ cuối thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19, lời đối dịch danh ngữ cần vọt tuyệt đối không dính dáng gì đến giếng, đến nước:
- Dictionarium Anamitico Latinum (viết tay, 1772 - 1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine và Dictionarium Anamitico-Latinum của Taberd (1838) đều đối dịch cần vọt là “tolleno”.
- Dictionarium Latino-Anamiticum của Taberd (1838) và Dictionarium Latino-Annamiticum của M.H.Ravier (1880) đều đối dịch “tolleno” là cần vọt.
- Dictionnaire annamite-français của J.F.M.Génibrel (in lần thứ hai, 1898) đối dịch cần vọt là “levier”.
Cả “tolleno” (La tinh) và “levier” (Pháp) đều chỉ có nghĩa là “đòn bẩy”. Trong Đại Nam quấc âm tự vị (Tome I, 1895), Huình-Tịnh Paulus Của cũng giảng cần vọt là “cây dài tra vào đầu trụ, làm như đòn cân thăng bằng, để mà cất đồ nặng, cất nước”. Nghĩa là, với ông thì cần vọt cũng không phải chỉ dùng để “cất nước”.
Đến thời hiện đại, nghĩa gốc của cần vọt đã phai mờ và vì nó gần như chỉ còn được đặc dụng để chỉ dụng cụ giúp người ta lấy nước từ dưới giếng lên nên các tác giả Lê Văn Đức (Sđd), Nguyễn Văn Ái (Sđd), Huỳnh Công Tín (Từ điển từ ngữ Nam Bộ) và Ban Tu thư Khai Trí (Tự-điển Việt-nam) mới gắn công dụng của nó với giếng, với nước.
Riêng cái cần vọt dùng để lấy nước từ giếng, từ ao, mương... lên thì Trung Quốc gọi cát cao [桔槔], cũng đọc kiết cao, còn tiếng Ả Rập thì gọi là là šādūf, từ đó mới có tiếng Anh shadoof (hoặc shaduf), tiếng Đức schaduff, tiếng Pháp chadouf (hoặc shadouf). Không mượn tiếng Ả Rập, tiếng Bồ Đào Nha gọi đó là picota, tiếng Tây Ban Nha là cigoñal, tiếng Nga là колодец-журавль [kolodets-zhuravl’]. Колодец là “giếng” còn журавль là “cần để móc gàu”. Cái shadoof, tiếng Anh còn gọi là counterpoise lift, well pole, well sweep (ở Mỹ thì chỉ là sweep) và swape (ít dùng). Tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nga đã dùng hình ảnh những loài chim chân dài, cổ cao (Nga журавль là hạc, sếu; Tây Ban nha cigoña/cigüeña là cò) làm ẩn dụ để chỉ cái cần vọt. Cũng do cách nhìn này mà, ngoài cái tên puits à balancier, tiếng Pháp còn gọi giếng cần vọt là puits Cigogne (cigogne là cò).
Lùi xa vào lịch sử và xét rộng ra trên thế giới thì cái cần vọt từng được dùng ở nhiều nơi từ thời xa xưa, xưa nhất là ở vùng Lưỡng Hà vào thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên, rồi ở Ai Cập và bên Trung Quốc vào khoảng giữa thế kỷ 2 trước Công nguyên. Ngày nay, ở châu Âu còn tồn tại nhiều di tích về giếng cần vọt, đặc biệt là trên Đại bình nguyên Hungary (địa danh mà tiếng Hung là Alföld), ở Pháp là tại vùng Landes de Gascogne.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.